WB ngưng xuất bản báo cáo “Môi trường kinh doanh 2021” sau khi phát hiện các ấn bản trước thiếu khách quan

18/09/2021 - 11:23

PNO - Trong một thông cáo được đưa ra hôm 16/9, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sẽ không công bố báo cáo “Làm kinh doanh” (Doing Business) ấn bản 2021, sau khi một cuộc điều tra độc lập cho thấy các nhà lãnh đạo của tổ chức này đã gây “áp lực quá mức” đối với nhân viên trong việc thay đổi dữ liệu, nhằm tăng thứ hạng cho Trung Quốc và Ả Rập Saudi trong các ấn bản báo cáo năm 2018 và 2020.

“Làm kinh doanh” của WB là một báo cáo kinh tế được tổ chức này xuất bản hàng năm, nhằm cung cấp các thông tin đánh giá khách quan về môi trường pháp lý trong kinh doanh tại 190 nền kinh tế trên thế giới.

Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế
Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế

WB đã ủy quyền cho công ty luật WilmerHale thực hiện cuộc điều tra liên quan đến vụ việc nói trên.

Các nhà điều tra đã phát hiện Kristalina Georgieva - Tổng giám đốc của WB năm 2017 -  đã gây áp lực, buộc nhóm biên soạn báo cáo “Làm kinh doanh” phải thay đổi phương pháp lập báo cáo, hoặc thay đổi dữ liệu, để tăng thứ hạng của Trung Quốc trong ấn bản năm 2018.

Điều này đã xảy ra sau khi các quan chức chính phủ Trung Quốc liên tục bày tỏ quan ngại với bà Georgieva và ông Jim Yong Kim - Chủ tịch WB vào thời điểm đó - về xếp hạng của nước này, theo báo cáo điều tra dài 16 trang do WilmerHale công bố.

Khi đó, Georgieva đang thực hiện các cuộc đàm phán về một chiến dịch tăng vốn mà Trung Quốc “được cho là sẽ đóng một vai trò quan trọng cho chiến dịch này”, báo cáo cho biết.

Theo báo cáo, bà Georgieva đã “trực tiếp tham gia” vào việc cải thiện thứ hạng cho Trung Quốc, và trong một cuộc họp, bà đã “trừng phạt” Giám đốc quốc gia phụ trách Trung Quốc của WB, vì cho rằng vị này đã không quản lý tốt mối quan hệ của WB với Trung Quốc, và không đánh giá cao tầm quan trọng của báo cáo Làm kinh doanh đối với nước này.

Báo cáo của WilmerHale cho biết, dưới áp lực các nhà lãnh đạo cấp cao WB, nhóm biên soạn báo cáo Làm kinh doanh đã tăng xếp hạng cho Trung Quốc trong cuộc khảo sát lên 7 bậc, xếp vị trí 78, bằng cách sửa đổi số điểm từ việc tính toán các dữ liệu.

Vào tháng 10/2017, cuộc điều tra cho thấy các trợ lý của ông Kim cũng đã chỉ đạo nhóm khảo sát phỏng tính lại số điểm số cuối cùng mà Trung Quốc có thể đạt được, nếu gộp các dữ liệu từ Đài Loan và Hồng Kông vào dữ liệu của nước này.

“Về cơ bản, tôi không đồng ý với những phát hiện và cách diễn giải của Cuộc điều tra về sự bất thường trong dữ liệu, vì nó liên quan đến vai trò của tôi trong báo cáo Làm kinh doanh của WB năm 2018”, Bà Georgieva, hiện là Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF),  tuyên bố và cho biết bà đã báo cáo sơ bộ tình hình cho IMF.

Trong khi đó, ông Kim vẫn chưa đưa ra bình luận nào sau khi CNN tiếp cận ông qua email.

Lãnh đạo WB đã nâng hạng cho nền kinh tế
Lãnh đạo WB đã nâng hạng cho Trung Quốc trong báo cáo Làm kinh doanh năm 2018 

Theo một số nguồn tin, ban lãnh đạo IMF đã yêu cầu ủy ban đạo đức của tổ chức này xem xét lại cuộc điều tra của WilmerHale và đang chờ báo cáo đánh giá của ủy ban về vụ việc này.

“Chúng tôi đã lưu ý việc Ngân hàng Thế giới gần đây đã đưa ra tuyên bố ngưng xuất bản báo cáo Làm kinh doanh. Chính phủ Trung Quốc luôm xem trọng nỗ lực của báo cáo này trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Chúng tôi hy vọng Ngân hàng Thế giới sẽ lấy thực tế làm cơ sở, và dựa trên tiêu chí tuân thủ các nguyên tắc chuyên môn, khách quan, công bằng và minh bạch, để điều tra kỹ các vấn đề liên quan theo đúng quy trình đánh giá nội bộ, nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và độ tin cậy của báo cáo Làm kinh doanh và uy tín của chính Ngân hàng Thế giới cũng như các nước thành viên”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 17/9.

Cuộc điều tra của WilmerHale cũng phát hiện ra những điểm bất thường liên quan đến dữ liệu của Ả Rập Saudi trong báo cáo Làm kinh doanh năm 2020. Theo cuộc điều tra, các quan chức chính phủ Ả Rập Saudi đã bày tỏ “không hài lòng” về xếp hạng của quốc gia này trong ấn bản năm 2019, nhất là việc nhóm khảo sát đã không công nhận những gì mà các quan chức này xem là “những cải cách thành công của đất nước”.

Do đó, các lãnh đạo cấp cao của WB, trong đó Simeon Djankov - một trong những người sáng lập báo cáo Làm kinh doanh, đã chỉ đạo nhóm khảo sát “tìm cách thay đổi dữ liệu” để Jordan lọt ra khỏi vị trí đầu bảng trong danh sách “Những nền kinh tế đạt được nhiều cải tiến nhất”. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã cộng điểm ở nhiều hạng mục cho Ả Rập Saudi để quốc gia này thay thế vị trí của Jordan, theo kết quả của cuộc điều tra.

Djankov cho biết, việc thay đổi dữ liệu của Ả Rập Saudi xuất phát từ yêu cầu của hai quan chức cấp cao của WB, trong đó có một người từng là tham mưu trưởng của Chủ tịch Kim và có liên quan đến những thay đổi trong dữ liệu của Trung Quốc cho ấn bản năm 2018 của báo cáo Làm kinh doanh, theo báo cáo điều tra.

Nhất Nguyên (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI