WB cam kết tài trợ 2 tỷ USD cho các nước đang phát triển chế tạo vắc-xin COVID-19

10/04/2021 - 12:00

PNO - Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết sẽ tài trợ 2 tỷ USD vào cuối tháng 4 này cho khoảng 40 quốc gia đang phát triển nhằm đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, chế tạo vắc-xin COVID-19, Giám đốc Điều hành hoạt động của WB - Axel van Trotsenburg, cho biết hôm thứ Sáu (9/4).

Phát biểu tại một diễn đàn của Ngân hàng Thế giới, van Trotsenburg cho biết 2 tỷ USD này là một phần trong tổng số tiền 12 tỷ USD mà WB đã chuẩn bị sẵn cho một kế hoạch tổng thể về việc phát triển, phân phối và sản xuất vắc-xin COVID-19 ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

WB đã chuẩn bị sẵn cho một kế hoạch tổng thể về việc phát triển, phân phối và sản xuất vắc-xin COVID-19 ở các nước có thu nhập thấp và trung bình
WB đã chuẩn bị sẵn 12 tỷ USD cho một kế hoạch tổng thể về việc phát triển, phân phối và sản xuất vắc-xin COVID-19 ở các nước có thu nhập thấp và trung bình - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, một số quan chức y tế công cùng tham gia diễn đàn nói trên đã cảnh báo việc phát triển vắc-xin COVID-19 vẫn có thể không theo kịp tốc độ lây lan của dịch bệnh này nếu các nước đang phát triển không tăng cường tiêm ngừa. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các loại vắc-xin hiện hữu có thể mất tác dụng nếu virus COVID-19 tiếp tục lây lan và đột biến. “Ngay cả những quốc gia có tỷ lệ người đã tiêm ngừa COVID-19 cao cũng chưa đảm được an toàn vì các biến thể mới của virus này có thể sẽ vô hiệu hóa các loại vắc-xin mà thế giới đang có, thậm chí sẽ xâm nhập vào các quốc gia có thể có tỷ lệ tiêm ngừa 100% trong một vài tháng tới,” Tedros  cảnh báo.

Người đứng đầu WHO cũng kêu gọi các nước thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy việc sản xuất vắc-xin COVID-19 và chia sẻ các nguồn cung cấp vắc-xin này, trong đó có việc kéo dài thời gian miễn áp dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới. Tedros cho rằng quy định này đang kìm hãm việc sản xuất vắc-xin, vì vậy cần phải được miễn trừ để thế giới có thể đương đầu với những tình huống khẩn cấp như trường hợp lây lan của dịch COVID-19.

“Chúng ta chưa từng gặp trường hợp khẩn cấp nào như thế này trong đời. Nếu chúng ta không thể vận dụng nguyên tắc này bây giờ, thì liệu khi nào chúng ta sẽ sử dụng nó? Nguyên nhân của mọi ách tắc liên quan đến quá trình sản xuất vắc-xin COVID-19 hiện nay chính là thiếu ý chí chính trị”, Tedros giải thích.

Nhất Nguyên (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI