Vụ "vợ tố chồng trộm 50 tỷ đồng": Nhiều bất thường trong việc xét xử ly hôn

15/07/2016 - 12:31

PNO - “Tôi không hiểu vì động cơ gì mà thẩm phán Trần Thị Thủy tích cực một cách thái quá, đáp ứng mọi yêu cầu của ông Tấn bất chấp quyền lợi hợp pháp của bốn mẹ con tôi”.

Vu
Thư xác nhận phong tỏa thẻ tiết kiệm

Liên quan đến vụ “Vợ tố chồng trộm 50 tỷ đồng” báo Phụ Nữ đã phản ánh, ngày 13/7, bà N.T.T.Ng. (SN 1981, tạm trú biệt thự A-18 đường Phú Thuận, P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM), cho biết vừa gửi đơn khiếu nại thẩm phán Trần Thị Thủy thuộc TAND Q.7 đã không khách quan khi thụ lý vụ án ly hôn giữa bà với chồng là ông Trần Minh Tấn (SN 1976, thường trú tại 132A khu phố Mỹ Hưng (H7) khu A, Trung tâm đô thị mới Nam Sài Gòn, P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM).

Ra quyết định nhưng không giao cho đương sự

Bà Ng. cho biết, năm 2002, bà kết hôn với ông Tấn, có ba con chung. Ngày 8/6, bà nhận được triệu tập của TAND Q.7 vì ông Tấn đơn phương nộp đơn ly hôn. Sau khi nhận các quyết định thi hành án, quyết định niêm phong tài sản (ngày 10/6), bà Ng. nộp đơn gửi TAND Q.7 đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ ly hôn. Theo bà Ng., vợ chồng bà có một số mâu thuẫn nhất định trong cuộc sống, nhưng ba con hiện còn nhỏ, nếu ly hôn trong thời điểm này sẽ gây nhiều khó khăn cho các con. “Trong đơn, tôi đề nghị để gia đình tự sắp xếp cho ba đứa con không bị khủng hoảng tâm lý và có điều kiện học tập tốt, nhưng tòa không đoái hoài đến nguyện vọng chính đáng này”, bà Ng. nghẹn ngào nói.

Không chỉ không quan tâm đến lá đơn, thẩm phán Trần Thị Thủy còn liên tục ban hành nhiều quyết định gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Ng.. Cụ thể là quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) số 04/2016/ QĐ-BPK CTT ngày 8/6, cấm bà Ng. chuyển dịch quyền sở hữu tiền vốn góp 35 tỷ đồng trong số vốn điều lệ 50 tỷ đồng của Công ty TNHH Bệnh viện P.N. Chính vì quyết định này, ngày 10/6, Chi cục THADS Q.7 đã tống đạt các quyết định “thi hành án chủ động” và “tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản”. Lúc này bà Ng. mới biết mình bị thi hành án và bị thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, việc TAND Q.7 ban hành quyết định áp dụng BPKCTT nhưng không giao cho bà Ng. là vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Điều 123 của bộ luật này quy định tòa phải cấp hoặc gửi quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT ngay sau khi ra quyết định cho người có yêu cầu, người bị áp dụng BPKCTT, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, cơ quan THADS có thẩm quyền và viện kiểm sát cùng cấp.

Vu
Khắt sắt số của bà Ng. được đặt trong nhà nhưng vẫn bị ông Tấn mở lấy trộm số tiền 50 tỷ đồng , trong đó có cả tài sản của mẹ và chị bà Ng.

Động cơ nào khiến thẩm phán sốt sắng?

Cũng theo luật sư Hậu, sở dĩ thẩm phán Thủy ban hành quyết định áp dụng BPKCTT là căn cứ theo đơn của ông Tấn và thư “xác nhận phong tỏa thẻ tiết kiệm” ngày 14/6 của ngân hàng E (viết tắt - PV) thuộc chi nhánh Phú Mỹ Hưng - chứng cứ do ông Võ Thiện Hiển (ông Tấn ủy quyền) xuất trình cho TAND Q.7. Tuy nhiên, theo luật sư Hậu, “thư xác nhận” trên không thể xem là chứng cứ vì có dấu hiệu bất thường, giả tạo. Dấu hiệu bất thường này được luật sư Hậu phân tích: “Thứ nhất, thư xác nhận nêu trên được lập căn cứ vào công văn 105/2016/ QĐ-BPBĐ ngày 10/6 của TAND

Q.7 và giấy đề nghị ngày 14/6 của ông Tấn. Theo đó, ông Tấn là chủ sở hữu thẻ tiết kiệm số 210164849197486 với số tiền 500 triệu đồng, ngày mở tài khoản 14/6. Như vậy, thời điểm TAND Q.7 có công văn ngày 10/6, ông Tấn chưa mở thẻ tiết kiệm tại ngân hàng E, nên hoàn toàn không có cơ sở để tòa yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài sản của bà Ng. Thứ hai, theo lịch bay của ông Tấn (Việt Nam sang Mỹ và ngược lại - được ông Hiển nộp kèm theo đơn đề nghị đối với khoản tiền bảo đảm để thực hiện yêu cầu áp dụng BPKCTT theo đơn yêu cầu ngày 3/6 của ông Tấn) thì đến đêm 14/6, ông Tấn về tới Việt Nam. Vì thế, việc ông Tấn có thể mở thẻ tiết kiệm tại ngân hàng E vào ngày 14/6 và sau đó yêu cầu phong tỏa tài khoản để thực hiện biện pháp bảo đảm là hoàn toàn không có cơ sở”.

“Chưa kể, tại điều 120 Bộ luật TTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), quy định người yêu cầu tòa áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do tòa án ấn định, nhưng phải tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng BPKCTT và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT từ phía người có quyền yêu cầu”, luật sư Hậu nói.

“Tôi không hiểu vì động cơ gì mà thẩm phán Trần Thị Thủy tích cực một cách thái quá, đáp ứng mọi yêu cầu của ông Tấn bất chấp quyền lợi hợp pháp của bốn mẹ con tôi”, bà Ng. nói trong nước mắt.

Ông Tấn thừa nhận trộm số tiền 50 tỷ của bà Ng.

Liên quan việc bà Ng. tố cáo ông Tấn trộm số tài sản hơn 50 tỷ đồng trong két sắt tại biệt thự nơi bà Ng. tạm trú vào ngày 26/6, Công an Q.7 đã có buổi làm việc với bà Ng. Tuy nhiên, theo bà Ng., suốt buổi làm việc, điều tra viên - thiếu tá Bùi Tấn Bình chỉ xoáy vào những câu hỏi: Vì sao để trong két sắt nhiều tiền? Vì sao bà L.T.Ph. (mẹ bà Ng - chủ sở hữu sáu sổ tiết kiệm trị giá 39 tỷ đồng)… lại có nhiều tiền? Tiền đâu bà Ng. mua nữ trang? Cũng theo bà Ng., tại cơ quan công an, ông Tấn thừa nhận đã chiếm đoạt số tiền trên, nhưng thiếu tá Bình lại cho rằng vụ việc phải… do tòa giải quyết.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu khẳng định: “Khoản 1, điều 43, Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2014 quy định, tài sản riêng của vợ, chồng là tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng...

Theo khoản 1, điều 44, Luật HN&GĐ năm 2014, vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Như vậy, bà Ng. vẫn có tài sản riêng và việc quản lý, chiếm hữu, sử dụng định đoạt tài sản riêng này do chính bà Ng. quyết định. Ông Tấn chỉ có thể quản lý tài sản riêng của bà Ng. trong trường hợp bà Ng. không thể tự mình quản lý tài sản và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý.

Thêm vào đó, ông Tấn và bà Ng. đã ly thân hai năm; trong két sắt ngoài tài sản riêng của bà Ng. còn có tài sản của chị gái và mẹ bà Ng. nhờ giữ. Việc ông Tấn ngang nhiên vào nhà riêng của bà Ng. phá két sắt, chiếm đoạt số tài sản trên đã rơi vào trường hợp xâm phạm quyền sở hữu của người khác, vi phạm pháp luật hình sự, dù giữa ông Tấn và bà Ng. đang tồn tại quan hệ vợ chồng”

Hồng Thảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI