Vụ rơi máy bay Indonesia: 11 phút kinh hoàng trước khi máy lao xuống biển

28/11/2018 - 13:51

PNO - Dữ liệu thu thập từ hộp đen máy bay của hãng Lion Air gặp nạn ngày 29/10 làm 189 người thiệt mạng củng cố giả thiết nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn kinh hoàng.

Vu roi may bay Indonesia: 11 phut kinh hoang truoc khi may lao xuong bien
Ngày 28/11, chính quyền Indonesia đưa ra báo cáo điều tra sơ bộ về nguyên nhân máy bay rơi.

Đúng như cam kết trước đó, chính quyền Indonesia ngày 28/11 công bố báo cáo sơ bộ nguyên nhân vụ tai nạn máy bay, chủ yếu dựa vào dữ liệu phân tích từ hộp đen.

Thông tin phân tích từ hộp đen đưa ra những đồ thị cho thấy chuyện gì đã xảy ra với hệ thống trong vòng 11 phút từ khi máy bay cất cánh đến lúc rơi.

Theo đó, khi chiếc Boeing 737 MAX mang số hiệu JT610 ở trên không thì cột điều khiển của cơ trưởng bắt đầu rung lắc bất thường.

Bộ phận cảm biến giúp đọc vận tốc gặp trục trặc. Cơ trưởng liên tục trao đổi với bộ phận kiểm soát không lưu, phản ánh về tình trạng kỹ thuật và cho biết họ đang gặp rắc rối với việc kiểm soát vận tốc.

Cả cơ trưởng và cơ phó phải “vật lộn” trong 10 phút liên tục, cố gắng chế ngự máy bay chúi mũi đến 26 lần, lao xuống rồi lại bay lên, rồi sau đó hoàn toàn mất kiểm soát.

Vu roi may bay Indonesia: 11 phut kinh hoang truoc khi may lao xuong bien
Toàn bộ 189 người có mặt trên chuyến bay JT610 thiệt mạng.

Đáng chú ý là dữ liệu hộp đen cung cấp thông tin phi công trên chuyến bay ngày trước đó cũng gặp tình huống tương tự, nhưng may mắn không có tai nạn xảy ra.

Theo nhật ký hành trình, phi công này chủ động tắt Hệ thống Mở rộng Chức năng Điều khiển (MCAS) – nguyên nhân khiến máy bay chúi mũi. Đây là hệ thống mới mà hãng Boeing cài vào máy bay MAX 8. Sau khi tắt hệ thống MCAS thì máy bay hoạt động trở lại bình thường và không chúi mũi xuống nữa.

Vì dữ liệu ghi âm trong buồng lái chưa được phục hồi nên các nhà điều tra chưa làm rõ được nguyên nhân vì sao các phi công trên chuyến JT610 gặp lúng túng mà chưa thể xử lý được.

Về hệ thống MCAS, giữa tháng 11 vừa qua, American Airlines từng xác nhận họ không biết một vài chức năng của hệ thống kiểm soát động cơ trên máy bay Boeing 737 MAX.

Phía American Airlines nói rằng dù họ là đối tác của Boeing nhưng họ chưa hiểu rõ về hệ thống mới được cài trên máy bay MAX 8. Họ mong muốn các phi công của mình phải được huấn luyện đầy đủ về quy trình vận hành của hệ thống này.

Peter Lemme - cựu kỹ sư điều hành bay của hãng Boeing - đọc qua phân tích từ dữ liệu và nhận định: “Đây không phải là lỗi của các kỹ sư khi không quan tâm đến việc trục trặc động cơ đơn lẻ. Đây có thể là việc đánh giá quá cao phản ứng của phi công”.

Theo chuyên gia này, hệ thống MCAS thường chỉ sử dụng trong những tình huống "khẩn cấp, đặc biệt”.

Tờ The Australian đưa tin, các luật sư Mỹ đại diện cho gia đình những nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay đã lên tiếng tố cáo hãng hàng không Lion Air ép buộc họ ký cam kết bỏ quyền yêu cầu bồi thường, mà theo pháp lý, họ hoàn toàn có quyền này. 

Luật sư Brian Kabateck đại diện cho gia đình hai nạn nhân Nurul Dyah Ayu Sitharesmi và Ibnu Hantoro cho biết, các quan chức của hãng Lion Air trước đó cố thuyết phục họ ký từ chối quyền khởi kiện tại cuộc gặp ngày 5/11 ở khách sạn Ibis (Jakarta). 

Một nhân viên bảo hiểm có mặt tại thời điểm đó cảnh báo các gia đình không được nhận hỗ trợ từ người lạ, và khuyên họ nên ký vào biên bản được soạn sẵn thì phía bảo hiểm mới có thể chi tiền đền bù. 

Cha của nạn nhân Rio Nanda Pratama gửi đơn kiện Boeing lên tòa án ở bang Illinos của Mỹ (là nơi Boeing có trụ sở). Trong đơn kiện, người cha này cho rằng Boeing không có những cảnh báo cần thiết đối với Lion Air cũng như phi công về điều kiện thiết kế không an toàn. Nguyên đơn có đề cập đến việc áp dụng Hệ thống Mở rộng Chức năng Điều khiển (MCAS), hệ thống mới trên chiếc Boeing 737 Max và chưa có ở những đời máy khác. 

Trong khi đó, Giám đốc Điều hành của hãng Boeing Dennis Muilenberg phủ nhận việc công ty này không cung cấp thông tin về hệ thống mới. 

Minh Khôi (Theo Seattle Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI