Vòng tuần hoàn yêu thương

24/04/2023 - 20:33

PNO - Ở bệnh viện, tôi chỉ thấy những chân dung rất đẹp và các câu chuyện cảm động về tình thâm. Đó là nơi tái hiện hoàn hảo vòng tuần hoàn yêu thương.

Đâu đó ngoài kia và trên truyền thông, thỉnh thoảng có những câu chuyện con cái ngược đãi cha mẹ, cha mẹ bạo hành con. Nhưng ở bệnh viện, nhất là ở thời khắc này, tôi chỉ thấy những chân dung rất đẹp và các câu chuyện cảm động về tình thâm. 

Tôi đưa má đi tái khám hằng tháng. Chiều thứ Sáu nhưng khu khám bệnh bảo hiểm y tế Bệnh viện Tim mạch tỉnh An Giang đông nghẹt người. Má chợt sựng lại, tay bấu mạnh vào tay tôi. Tôi định tìm xe lăn cho má ngồi, nhưng bà cụ 89 tuổi lắc đầu “để xe cho người khác, má đi được mà”. Tôi nắm chặt tay má, như cách ngày xưa má nắm tay đưa tôi đi bệnh viện. 

Tôi tìm chiếc ghế trống cho má ngồi, dặn: “Má ngồi đây, đừng đi đâu, để con đi nộp sổ khám bệnh”. Tôi đến quầy nộp sổ nhưng mắt vẫn luôn hướng về má. Ánh mắt mờ đục của má cũng hướng về tôi.

Ký ức 44 năm trước trở về. Khi đó, tôi 6 tuổi, lo lắng, nhấp nhổm dù má dặn: “Con ngồi đây đợi má, đừng đi đâu nghen con. Má đi xin khám rồi quay lại liền”. Má đi nhưng mắt má cứ dán chặt vào tôi. Đôi mắt trũng sâu, mất ngủ vì mấy đêm liền thức canh những cơn sốt cho tôi. Lúc nhỏ, tôi bị bệnh triền miên. Má thường đặt tôi lên yên xe đạp phía sau đã được kê chiếc gối nhỏ, chở lên nhà thầy Ba Đô.

Vừa đạp xe, má vừa nói chuyện trên trời dưới đất và hay ghé tiệm tạp hóa mua cho tôi mấy cục kẹo. Đó là đòn tâm lý của má; bởi má biết, vừa đến cửa nhà thầy Ba Đô là tôi sẽ khóc thét, vùng chạy vì tôi rất sợ bị thầy cạo gió, nẻ (cắt lể) và cho uống thuốc tán hôi rình (ngày xưa, trẻ con bệnh đến nhà thầy đều bị đè ra cạo gió và cắt lể). Bị cạo gió đau điếng, tôi la ầm ĩ, má ôm tôi, dỗ với giọng nghèn nghẹn: “Ráng đi con mới hết bịnh được”.

Đến nhà thầy Ba Đô luôn là hành trình đầy nước mắt của tôi và má. Khi vào mùa nước nổi, đường đi ngập lụt, hành trình nước mắt đó còn có ba tôi. Ba má trải chiếu manh giữa xuồng cho tôi ngồi. Ba má ngồi 2 đầu, người chúi về phía trước, ra sức bơi xuồng qua mấy cánh đồng đầy bông súng và điên điển. Nhịp dầm của ba má tùy theo cơn sốt, sự vui vẻ, mệt mỏi hay li bì của tôi. Chốc chốc, má buông dầm, ôm tôi vào lòng, sờ cái trán đang nóng hầm hập của tôi, má âu yếm: “Con mệt không con?”. Dòng hồi ức của tôi chợt dừng, vì tôi nhận ra, tôi cũng vừa hỏi má câu đó. 

Tác giả đưa má đi tái khám hằng tháng
Tác giả đưa má đi tái khám hằng tháng

 

Tôi cũng chợt nhận ra, có một dòng tuần hoàn kỳ lạ giữa cha mẹ và con cái. Ngày con còn nhỏ, mỗi khi đau ốm, ba mẹ lo trắng mắt, ai chỉ món ngon gì cũng tìm mua cho con và đưa con đi khám bác sĩ này, bệnh viện kia. Rồi khi cha mẹ già, đến lượt những đứa con ân cần chăm sóc, lo lắng, tìm đủ món ngon và đưa cha mẹ đi bệnh viện. Con cái cũng dịu dàng, nhẫn nại với 1.001 thắc mắc của cha mẹ già khi ra đám đông.

Như má tôi, mỗi lần thấy một người đi ngang, má hỏi: “Cô đó bị bệnh gì vậy con? Chú đó sao chân bị sưng dữ vậy?…”. Hỏi bệnh xong, má quay sang thắc mắc: “Sao lâu quá vậy con, chừng nào mới tới mình?”. Câu hỏi của má như bản sao của tôi ngày xưa. Ngày đó, tôi mệt mỏi, bứt rứt vì chờ đợi, nên cứ thấp thỏm và hỏi má suốt. Má nhẹ nhàng: “Chút nữa mới tới mình, vì mình đến sau, khi nào con thấy các bạn ngồi trước con vô thì sắp tới lượt con”. Nghe má nói vậy, tôi quay qua nói chuyện với bạn ngồi kế bên đang chơi búp bê, tạm quên việc mình đang ở nơi sẽ bị chích thuốc đau điếng.

Tôi đi mua chai nước, quay lại đã thấy má đang say sưa “tám” với các bác xung quanh. Má và các bác hỏi thăm bệnh của nhau, hỏi nhà ở đâu là tới màn khoe được con cháu quan tâm, chăm sóc như thế nào? Bác gái ngồi hàng trên chỉ vào cậu con trai ngồi kế bên: “Con trai thứ bảy của tui, hiếu thảo dữ lắm, cứ mua tôm, thịt cá ngon, bự cho tui ăn hoài, tới ngán luôn”. Bác bên trái kể: “Con tui mấy ngày lại cho tui mớ tiền, tui gom gom đi sắm vàng chơi”. Má tôi không chịu thua, chỉ vào tôi, khoe: “Con gái út tui đó, làm việc trên Sài Gòn, lần nào về cũng mua nhóc quần áo, mua bánh trái ngon và mua yến cho tui ăn”.

Tôi bật cười khi thấy đời người đi một hành trình dài rồi tuổi già sẽ quay lại như trẻ con. Cách má với các bác kia khoe mẽ cũng như tôi và những bạn bệnh nhân ngày xưa “nổ” với nhau: “Nhà mình có nhiều đồ chơi, nhiều búp bê lắm, mình đòi mua gì ba má cũng cho”.

Tôi nhìn xung quanh, khu khám bệnh rất nhiều người già; mỗi ông cụ, bà cụ có ít nhất 1 người thân đi cùng. Những người con dù tóc đã điểm sương vẫn ngồi tỉ mẩn bóp chân, xoa lưng cho cha/mẹ già đang chịu cơn đau nhức. Có người đàn ông khoảng ngoài 50 tuổi, cứ đứng thấp thỏm sát quầy đăng ký khám bệnh, bị nhân viên la: “Anh xuống ghế ngồi đợi, khi nào nghe kêu tên má anh thì anh lên, chứ nóng ruột đứng đây cũng không giải quyết được gì”. Người đàn ông quay lại phía một bà cụ ngồi trên xe lăn, nói: “Má ráng chờ chút nghen”. Rồi anh mở chai nước đưa cho bà “má uống đi”. Bà cụ lắc đầu, anh nài nỉ “má đang ho, sổ mũi, má phải ăn, uống nhiều nước người mới mau khỏe được”.

Nhìn mẹ con anh, tôi chợt thấy má con tôi và có lẽ rất nhiều cặp má con/cha con khác, trong hành trình đời người, sẽ có lúc hoán đổi vai cho nhau. Đâu đó ngoài kia và trên truyền thông, thỉnh thoảng có những câu chuyện con cái ngược đãi cha mẹ, cha mẹ bạo hành con. Nhưng ở bệnh viện, nhất là ở thời khắc này, tôi chỉ thấy những chân dung rất đẹp và các câu chuyện cảm động về tình thâm.

Đó là nơi tái hiện hoàn hảo vòng tuần hoàn yêu thương giữa cha mẹ và con cái. 

Thùy Dương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI