Vợ chồng nghiện cãi cọ, con chỉ muốn lớn nhanh thoát khỏi nhà

16/09/2019 - 10:30

PNO - Sống với nhau gần hai chục năm, họ hiểu tính nhau rất rõ. Vậy nhưng ngày nào không ném lửa vào mặt nhau, họ không chịu được.

Để tới nay, họ đã có một cơ ngơi khang trang, đó là một nhà mặt tiền đắt giá trong một khu phố thương mại tại thành phố biển. Hai vợ chồng sớm tối cùng nhau buôn bán, người ngoài nhìn vào thầm ghen tị với điều kiện và sự hòa hợp của họ.

Nhưng tất cả chỉ là vẻ bề ngoài. Mỗi buổi tối, khi đóng cửa hàng, mệt nhoài sau một ngày làm việc vất vả, lẽ ra họ có thể ngả xuống giường nghỉ ngơi, hoặc cùng nhau ăn những món ngon nhà làm, nhưng họ lại dành thời gian đó để tranh cãi. Không ngày nào là hai vợ chồng không xảy ra xung đột, đến nỗi hai đứa con đang tuổi teen của Dung và Tiến bày nhau lấy cái nút lỗ tai mà người ta phát cho trên máy bay, để nút chặt tai lại, khỏi nghe thấy bố mẹ cãi vã.

Vo chong nghien cai co, con chi muon lon nhanh thoat khoi nha
Nhiều cặp vợ chồng họ nghiện cãi nhau đến mức không gây gổ thì không yên tâm đi ngủ. Ảnh minh hoạ

Nếu chỉ nhìn thấy màn kịch câm giữa bố mẹ, thì hai con dần cũng phải quen, nhưng lắm khi, vợ chồng Dung, Tiến còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay trước mặt con, khiến hai đứa trẻ sợ hãi, đau khổ. Đứa con lớn đang học trung học phổ thông, thậm chí đã có lần nghiêm túc khuyên bố mẹ nên ly dị. Khi thấy con đưa ra lời khuyên giật mình, Dung chỉ bảo con, rằng bố mẹ khắc khẩu mà thôi, chứ thực ra vẫn muốn gắn bó với nhau, không làm sao hết, không có chuyện bỏ nhau để con cái phải chia lìa khổ sở.

Nhưng Dung và Tiến đâu biết rằng, chính những cuộc cãi vã từ nguyên nhân “khắc khẩu” đó là đòn tra tấn tinh thần kinh khủng đối với hai đứa con. Con lớn chỉ mong đủ 18 tuổi là đi làm để có tiền, thuê nhà khác ở, tránh xa bố mẹ. Lòng con không lúc nào được yên, và con cũng trở nên lầm lỳ, thậm chí cáu bẳn với người ngoài.

Ở lớp học, các con thường khó hòa hợp, khó thân với bạn trong lớp. Và điều nguy hiểm là, dù các con rất không muốn sống như bố mẹ, nhưng dần dần các con đang bị nhiễm lối sống đó của Dung và Tiến. Chúng không nhường nhịn nhau, chỉ vì một bất đồng nho nhỏ cũng sẵn sàng nhảy xổ vào nhau tranh cãi, cào cấu. Chúng dần dần sao chép tính xấu của bố mẹ.

Không phải Dung và Tiến là gỗ đá, họ cũng buồn bực, đau khổ sau mỗi lần cãi cọ, đánh đập nhau. Nhưng vấn đề là, họ không thể nào nhường nhịn được đối phương. Trong mỗi người, như tích sẵn một thùng thuốc nổ, sẵn sàng bùng ra, tung hê mọi sự.

Tiến đổ lỗi cho Dung là lắm lời, soi mói, chuyên bới móc chồng, luôn coi chồng là đồ bỏ đi, vô tích sự, trong khi Tiến đang là trụ cột của gia đình. Dung thì kết tội chồng mình là kẻ đần, chuyên để các em ruột lợi dụng, coi thường vợ con, kiếm được bao nhiêu tiền chỉ đầu tư cho các em mà không đưa vợ giữ… Mai kia Tiến già hay đau ốm, thì rồi xem ai là người chăm sóc?

Họ cứ sống như thế, không ai chịu ai, ném đá lẫn nhau, biến cái tổ ấm thành chảo lửa chiến tranh, thiêu đốt nhau. Thậm chí, cãi nhau đã thành món nghiện của hai vợ chồng mất rồi. Người ngoài quan sát, sẽ thấy ngay rằng vợ chồng họ chỉ chú tâm tìm lỗi của người kia để chỉ trích, châm ngòi nổ cho một cuộc chiến mỗi ngày.

Khi đã nghiện, thì chẳng cần biết phải trái, mọi lời lẽ nặng nề, đau đớn được tung ra, mỗi ngày một “lên hạng”, biến cuộc hôn nhân thành địa ngục trần gian.

Kiều Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI