Vợ chồng cãi nhau, muốn không 'tan nhà' hãy nhớ 10 nguyên tắc vàng này

18/01/2018 - 12:54

PNO - Cãi nhau làm sao để biến “chiến tranh” thành một cuộc đối thoại nhẹ nhàng, tình cảm và không làm tổn thương đối phương... cần lắm những bài học và kinh nghiệm.

Và sau đây là 10 nguyên tắc vàng sau để áp dụng nếu một cuộc khẩu chiến sắp sửa diễn ra giữa bạn và người bạn đời:

Vo chong cai nhau, muon khong 'tan nha' hay nho 10 nguyen tac vang nay

Ảnh minh họa.

1. Không cãi nhau nơi công cộng

Đó là nguyên tắc cần phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Một trận chiến giữa nơi công cộng chỉ làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn gấp nhiều lần mà thôi. Bởi cả hai người sẽ cảm thấy vô cùng ngại với gia đình, bạn bè hoặc người lạ nên vấn đề tranh cãi chắc chắn sẽ không thể giải quyết triệt để được.

Tốt nhất là có chuyện gì thì hãy "đóng cửa bảo nhau", chọn một nơi đủ yên tĩnh, riêng tư để đối thoại trực tiếp, tập trung vào vấn đề. Khi chỉ có hai người, chúng ta có thể dễ dàng nói thật, thể hiện sự tổn thương, nói vào chi tiết và cụ thể từng chuyện một.

2. Đừng bỏ đi ngủ khi vẫn còn giận dữ và luôn phải nằm chung một giường

Giận dữ là một cảm xúc được chấp nhận nên đừng cố nén chặt nó xuống tận đáy lòng và bất chợt "khui" nó ra vào một ngày rất lâu sau đó. Tốt nhất là nên nói chuyện, giải quyết xong mọi vấn đề, bực bội, tức tối trước khi đi ngủ. 

Với trường hợp ngoại lệ là đã quá muộn, như đến 3h sáng mà chuyện vẫn chưa xong thì hãy đi ngủ một chút, tỉnh táo dậy thì sẽ tranh cãi tiếp. Đừng để quên rồi 1-2 tuần sau, chợt nhớ, chợt tức giận lại mang chuyện ra cãi nhau.

Vo chong cai nhau, muon khong 'tan nha' hay nho 10 nguyen tac vang nay

Ảnh minh họa.

Và nên nhớ một nguyên tắc nữa là phải ngủ cùng giường, chứ không phải là ở phòng khách hay nhà của bạn bè, người thân. Bởi khi cả hai đang có khoảng cách, việc một nhân tố khác xen lẫn vào giữa khiến mối quan hệ tồi tệ hơn là rất dễ xảy ra.

3. Dành một khoảng thời gian để lấy bình tĩnh, tránh la hét, dùng bạo lực hay cắt ngang lời nhau

Hãy cố gắng để không phản ứng thái quá. La hét, dùng bạo lực hay cố dập tắt lời nói của đối phương sẽ khiến cuộc tranh cãi ngay lập tức đi vào ngõ cụt. Âm lượng giọng nói của bạn nhất thiết không được tăng cao lên, hãy nói ở mức vừa phải. Cố gắng điều chỉnh, đừng trút mọi sự giận dữ, cơn thịnh nộ, bạo lực, vu khống, những ngôn từ không hay lên vợ/chồng bạn.

Nếu cảm thấy mọi thứ đang bị quá đà, hãy dừng lại, hít vào thở ra, điều chỉnh hơi thở, giọng nói của mình và bình tĩnh tiếp tục tìm cách hòa giải. Đôi khi đi xa khỏi một vấn đề, sau đó quay trở lại với nó cũng sẽ giúp sự diễn đạt trở nên rõ ràng hơn, dễ tập trung tìm ra giải pháp hơn.

4. Tránh quy kết: "luôn luôn" và "không bao giờ"

Những lời cáo buộc này sẽ chỉ dẫn bạn đời của bạn tìm cách tập trung soi xét, bảo vệ chính mình thay vì cố gắng hiểu bạn. Những từ tuyệt đối như: "luôn luôn", "không bao giờ", "chưa bao giờ"... thường khiến cuộc chiến leo thang, tăng sự hỗn loạn, khả năng phòng thủ một cách không cần thiết.

Sử dụng chúng khi không đúng thời điểm sẽ khiến cuộc chiến rẽ sang hướng khác mà không phải là mong muốn đối thoại ban đầu của bạn. Đừng đóng vai quan tòa, ra sức phán xét và ép buộc người khác phải nhận tội. Có những lời nói mang khả năng sát thương, hủy hoại rất cao, nên hãy thận trọng trước khi quyết định nói chúng ra.

5. Luôn hướng đến việc tìm một giải pháp thỏa hiệp

Phải rõ ràng, chân thật và tập trung vào gốc rễ của vấn đề. Những câu trả lời mơ hồ sẽ không giúp đưa ra được một giải pháp lâu dài, vĩnh viễn - điều mà cả hai đang tìm kiếm. Bạn không thể nói: "Anh/em quá thiếu tôn trọng tôi!" hoặc "Anh/em không bao giờ chịu lắng nghe". Những lời tuyên bố này sẽ chỉ góp phần biến cuộc tranh cãi trở thành một bộ phim quay chậm và ngăn chặn giải pháp được đưa ra. Tốt nhất là hãy giải thích vì sao bạn cảm thấy không được tôn trọng hay tại sao bạn thấy có vẻ như mình không được lắng nghe.

Vo chong cai nhau, muon khong 'tan nha' hay nho 10 nguyen tac vang nay

Ảnh minh họa

Và chỉ giải quyết một vấn đề trong cùng một thời điểm.

Còn nếu bạn có nhiều vấn đề cần giải quyết thì hãy sắp xếp lại, đề nghị để giải quyết từng vấn đề một trước khi chuyển sang vấn đề khác. Tránh việc "dự trữ" hàng chục khúc mắc, bực tức trong lòng rồi lại đổ hết lên đầu người bạn đời của bạn trong cùng một lúc...

Tìm kiếm giải pháp đòi hỏi hai người phải lắng nghe nhau, xin lỗi/tha thứ, còn thỏa hiệp chỉ là một giải pháp tạm thời. Dẫu biết rằng việc đưa ra cách giải quyết cuối cùng sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và sự nỗ lực. Nhưng chỉ khi làm được thế thì bạn mới có một cuộc hôn nhân dễ chịu, bền lâu.

6. Không uống say

Nhấn mạnh là hãy đừng uống say trong lúc bạn đang tranh cãi hoặc cố gắng để giải quyết một vấn đề. Chắc hẳn điều này rất đơn giản và rõ ràng để hiểu. Bởi việc uống say sẽ khiến cảm xúc, sự nhạy cảm, sự tức giận, thất vọng... và rất nhiều những cảm xúc khác trở nên thái quá. Vốn tất cả những sự thái quá đều đã không tốt rồi, nên khi bị tác động thêm nữa bởi rượu, bia thì sẽ dẫn đến hậu quả rất tồi tệ. Vậy nên, trước khi bạn định bắt đầu một cuộc tranh cãi, hãy nghiêm túc xem lại trạng thái của mình liệu có sẵn sàng hay không. 

7. Nắm tay nhau và nhắc nhở rằng sau tất cả thì cả hai vẫn chung một... đội

Khi bạn cảm giác như cuộc chiến đang dần trở nên tồi tệ hơn... thì hãy dừng lại ngay lập tức, nắm lấy tay của anh/cô ấy và nói rằng "chúng ta cùng một đội". Câu nói này thường mang đến hiệu quả lớn trong hầu hết các cuộc khẩu chiến và giúp cứu vãn những trường hợp quá đà diễn ra. Bởi rất khó để nổi điên với người khác khi hai bạn đang nắm tay nhau. Hãy vượt qua sự xấu hổ, ngại ngùng và thử tuyệt chiêu rất có giá trị này nếu như bạn vẫn muốn duy trì hòa bình trong ngôi nhà của mình.

Vo chong cai nhau, muon khong 'tan nha' hay nho 10 nguyen tac vang nay

Ảnh minh họa.

8. Đừng "mách" về trận chiến với mẹ đẻ, bạn thân hay facebook...

Nếu bạn không muốn biến cuộc chiến của mình thành một bộ phim cho tất cả mọi người cùng xem. Nếu như bạn vẫn muốn tìm kiếm một giải pháp thật sự cho cuộc hôn nhân của chính mình, thì việc bạn đi kể khắp nơi như thế sẽ không giúp ích được gì cả. Đừng để người khác phán xét về vợ/chồng bạn và kết luận rằng họ là những người rất tệ. Hãy tự mình giải quyết mọi việc.

9. Cùng nhau hướng về mục tiêu chung, đừng chỉ nói về những tổn thương

Đương nhiên việc nói về những cảm giác, tổn thương, mong muốn, khủng khoảng... của mình là cần thiết, nhưng đừng quá sa đà vào đó. Hãy cùng nhau hướng đến việc giải quyết, nghĩ cho nhau, nghĩ đến một gia đình êm ấm, gắn kết, nắm tay nhau chứ không phải là đẩy nhau xa hơn. 

10. Thiết lập các nguyên tắc cho mọi cuộc tranh luận

Có thể 10 "nguyên tắc" được nhắc đến này sẽ không phải là vừa khớp hoàn toàn với cuộc hôn nhân của bạn. Thế nên, hãy nỗ lực ngồi xuống, đối thoại với vợ/chồng bạn và thiết lập một số nguyên tắc ngay từ đầu cho mọi cuộc tranh cãi xảy ra sau đó. Và đến khi nhà có "biến" hãy mang những nguyên tắc này ra để sử dụng, xây dựng đối thoại lành mạnh và nuôi dưỡng một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Cát Tường (theo Beating50percent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI