Virus gây bệnh COVID-19 đã phân ra ít nhất 2 đột biến khác nhau

05/03/2020 - 07:31

PNO - Theo các nhà khoa học Trung Quốc, virus gây bệnh COVID-19 đã biến đổi thành ít nhất hai chủng riêng biệt kể từ khi vụ dịch bắt đầu vào tháng 12/2019.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia tại Đại học Peking ở Bắc Kinh, Đại học Thượng Hải và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, công bố trên tạp chí khoa học National Science Review, cho rằng hiện nay có hai loại virus corona giống nhau và hầu hết mọi người dường như đã bị nhiễm dạng nguy hiểm nhất của nó.

Trong nghiên cứu về gen từ 103 mẫu virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra căn bệnh COVID-19, nhóm tác giả phát hiện ra hai phiên bản khác nhau của virus, đặt tên là L và S. Khoảng 70% bệnh nhân tham gia nhiễm chủng L, loại này mạnh hơn và lây lan nhanh hơn S.

Nhưng L đã trở nên ít phổ biến hơn khi dịch bệnh bùng phát, dường như nó bắt đầu giảm lan rộng kể từ đầu tháng 1, trong khi S trở nên phổ biến hơn. S ít hung dữ hơn nhưng được cho là chủng virus đầu tiên lây sang người và đang tiếp tục lây nhiễm cho những bệnh nhân mới.

Nguyên nhân có thể là do căn bệnh mà chủng S gây ra ít nghiêm trọng hơn, nghĩa là bệnh nhân mang nó trong người lâu hơn trước khi đến bệnh viện, làm tăng nguy cơ truyền bệnh.

Các biện pháp can thiệp của con người như cách ly và khử trùng các khu vực nơi dịch bệnh lây lan nhanh có thể đã ngăn chặn phần lớn dạng vi-rút xâm lấn nhất.
Các biện pháp can thiệp của con người như cách ly và khử trùng các khu vực nơi dịch bệnh lây lan nhanh có thể đã ngăn chặn phần lớn dạng virus xâm lấn nhất

Trong bài báo, các nhà nghiên cứu, dẫn đầu bởi Giáo sư Jian Lu và Tiến sĩ Jie Cui, cho biết: “Loại L phổ biến hơn trong giai đoạn đầu của vụ dịch ở Vũ Hán và tần số giảm sau đầu tháng 1/2020. Sự can thiệp của con người có thể đã gây áp lực chọn lọc nghiêm trọng hơn đối với loại L, vốn mạnh hơn và lan rộng nhanh hơn.

Mặt khác, loại S, loại cũ hơn và ít hung dữ hơn, có thể đã tăng tần số lây nhiễm do áp lực chọn lọc tương đối yếu hơn”.

Lời giải thích của các nhà khoa học cho thấy, do chủng L tăng mạnh vào đầu đợt bùng phát và khiến mọi người bị bệnh nặng, những người nhiễm nhanh chóng được chẩn đoán và phân lập, nên nó ít có cơ hội lây lan rộng rãi.

"Sự can thiệp của con người" bao gồm quá trình nhập viện của những người nhiễm virus và lệnh phong tỏa các khu vực nơi nó lây lan nhanh.

Nếu virus bị ngăn chặn việc lây nhiễm cho nhiều người, chủng đó có thể chết đi hoặc tiến hóa, cho phép một chủng khác có thể lây nhiễm cho nhiều người hơn để trở thành loài thống trị.

Chủng S có thể chiến thắng vì nó gây ra các triệu chứng nhẹ hơn nên bệnh nhân mất nhiều thời gian hơn để nhận ra họ bị bệnh, làm tăng nguy cơ truyền bệnh.

Các nhà khoa học ở Bắc Kinh và Thượng Hải cho biết 'các biện pháp can thiệp của con người' có thể đã ngăn chặn chủng vi-rút SARS-CoV-2 nguy hiểm nhất.
Các nhà khoa học ở Bắc Kinh và Thượng Hải cho biết "các biện pháp can thiệp của con người" có thể đã ngăn chặn chủng virus SARS-CoV-2 nguy hiểm nhất

Các chuyên gia cảnh báo rằng nghiên cứu phát hiện ra đột biến chỉ sử dụng một lượng dữ liệu nhỏ (103 mẫu), vì vậy cần nhiều nghiên cứu hơn. Một nhà khoa học ngoài nhóm nghiên cứu nói thêm rằng việc virus thay đổi từ động vật sang người là điều bình thường.

Dù vậy, nghiên cứu cho biết virus có thể đột biến, khiến việc theo dõi hoặc điều trị khó khăn hơn và làm tăng nguy cơ các bệnh nhân hồi phục bị tái nhiễm.

Đến nay, ít nhất 94.000 người trên toàn thế giới đã bị nhiễm bệnh và gần 3.200 người đã chết, trong khi 50.000 người đã khỏi bệnh.

Linh La (Theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI