Từ mong muốn sống gần ba mẹ
Chị Ngọc Điệp sinh ra và lớn lên tại Tiền Giang - một trong những cái nôi của phong trào trồng cây ca cao vào những năm 2005 - 2006. Không chỉ vậy, chị Ngọc Điệp còn có ba (ông Nguyễn Xuân Ron) là một nhà giáo và là thành viên Ban dự án trồng - phát triển ca cao bền vững của Chính phủ tại miền Tây.
Dù có mối liên hệ đặc biệt với loài cây này nhưng khi trưởng thành chị Ngọc Điệp không theo nghiệp ba, mà làm công ăn lương cho một công ty trong ngành hàng tiêu dùng tại TPHCM. Đến năm 2012, khi ba Ngọc Điệp bệnh, sức khỏe suy giảm, chị phải thường xuyên đi lại giữa TPHCM - Tiền Giang để chăm sóc ông.
 |
Ba chị Ngọc Điệp - ông Nguyễn Xuân Ron |
Thời điểm ấy Ngọc Điệp nung nấu ý định làm một công việc nào đó gần nhà để vừa chăm sóc vừa kéo ông vào công việc, quên đi bệnh tật. Rồi chị chọn bắt đầu với cây ca cao bởi đây là đam mê của ông từ thời trẻ là biến trái ca cao thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao, mang lại thu nhập tốt hơn cho bà con nông dân trong vùng.
“Mong muốn của ba mình là người nông dân trồng ca cao có đầu ra, tạo nhiều việc làm cho người vùng quê, họ hàng xung quanh… Nhưng lúc bấy giờ ông đã nhiều tuổi, sức khỏe yếu nên chỉ có thể tham gia vào giảng dạy những kiến thức trồng cây cho bà con, còn người dân cũng chỉ làm sơ chế rồi bán đi, khiến giá trị cây ca cao rất thấp. Vì thế mình muốn thực hiện nối tiếp ước mơ của ba”- chị Ngọc Điệp tâm sự.
Công việc ban đầu với ca cao của Ngọc Điệp là chào bán bột ca cao, bơ và hạt ca cao rang vì thời điểm ấy chị chưa thể mường tượng hết được chuỗi giá trị mà loài cây này tạo ra. Trong một lần theo chồng (anh Nguyễn Hải Yến - cán bộ quản lý một công ty ô tô của Đức) trong chuyến công tác châu Âu, tới Thụy Sỹ, Bỉ, Đức các quốc gia nổi tiếng về sô-cô-la, nhưng chị nhận ra họ không có nguyên liệu chính để sản xuất mà phải nhập ca cao từ châu Phi, châu Mỹ hoặc châu Á, nhưng vẫn cho ra sản phẩm ngon tuyệt hảo.
 |
Chị Ngọc Điệp và ba đón du khách tham quan vườn ca cao của gia đình tại Tiền Giang |
“Tôi cảm nhận được hạt ca cao Việt Nam có hương vị rất khác biệt. Có lẽ hương vị tự nhiên đó có được nhờ phù sa dòng Mê Kông mang lại. Những hạt ca cao đó hoàn toàn có thể dùng để chế biến ra những loại sô-cô-la chất lượng. Và tôi không mất quá nhiều thời gian để biến ý định sản xuất loại kẹo mang “biểu tượng tình yêu” từ chính nguyên liệu quê mình”- Nguyễn Ngọc Điệp kể với ánh mắt rạng rỡ.
Đến sự kỳ diệu mang vị ngọt của ca cao
Khi tìm được ý tưởng, chị bắt tay vào xây nhà máy ngay tại vườn của gia đình ở Tiền Giang và lấy tên ba của mình đặt tên công ty (Công ty TNHH Ca cao Xuân Ron), đồng thời lấy thương hiệu là Alluvia (nghĩa tiếng Việt là Phù Sa).
Theo Ngọc Điệp, lúc đó ba chị không khỏe nhưng khi được hỏi về ca cao thì rất vui, ông vận dụng tất cả những kiến thức mình biết được để truyền đạt lại cho con gái. “Tôi không thể lường được những khó khăn, trở ngại vì sô-cô-la là ngành quá mới, không có trường lớp đào tạo cả về công thức chế biến lẫn công nghệ sản xuất. Thế là cái gì không hiểu tôi cũng hỏi ba, kéo ông trở lại hăng say với công việc, từ đó quên đi bệnh tật”- chị nhớ lại.
 |
Khách tham quan khách hàng tham quan và trải nghiệm tại vùng ca cao của chị Ngọc Điệp |
Rồi điều kỳ diệu đã tới, khi những mẻ sô-cô-la đầu tiên thành công, thị trường dần mở rộng ở trong nước cũng là lúc sức khỏe của ba Ngọc Điệp dần ổn định. Thấy hướng điều trị kết hợp này khả quan, mỗi lần mở cửa hàng mới ở bất kỳ tỉnh, thành nào chị đều đưa ông đi cùng. Điều này không chỉ giúp ông được tận mắt nhìn thấy thành quả hai cha con dày công gây dựng, mà còn được khám phá thêm những điểm đến mới trên khắp cả nước.
“Mỗi lần tôi kể về một cửa hàng mới sắp ra mắt hay một khách hàng mới ở nước ngoài yêu thích sản phẩm của chúng tôi, mắt ông lại ánh lên niềm tự hào rằng “con tôi đã làm được những điều mà tôi chưa thể”. Ông cũng cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn vì mình vẫn còn sức đóng góp cho xã hội”.
Bây giờ, khi đã đạt chút thành tựu nhất định, mong ước lớn nhất của Ngọc Điệp là tiếp tục đưa sô-cô-la chinh phục nhiều nước trên thế giới, để bạn bè quốc tế thấy được sản phẩm “made by Vietnam” không thua gì hàng ngoại. Quan trọng hơn, đây cũng là ước mơ mà ba chị mong muốn đóng góp cho quê hương.
Thể lệ cuộc thi Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình Bài viết tham dự cuộc thi phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và/hoặc các quốc gia khác. Bài viết thể hiện lối sống của doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình; thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình, giúp doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình. Tác phẩm dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật. Mỗi tác phẩm từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả ảnh). Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải. - 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM) trị giá 1 triệu đồng. Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi. Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử). Bài dự thi (bao gồm file bài viết, file hình ảnh) gửi về email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn. Điện thoại: 096618272 |
Thuỳ Dương