“Tôi làm được!”
Gặp Mỹ Duyên, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch Hội Doanh nhân TPHCM - thoáng bất ngờ. Cách đó vài năm, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ từng gặp Mỹ Duyên khi cô là thí sinh cuộc thi “Người nhân văn khởi nghiệp” - chương trình khởi nghiệp đầu tiên tại ngôi trường đào tạo về lĩnh vực khoa học xã hội mà ông vừa là nhà tài trợ, vừa là ban giám khảo cuộc thi.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ cho biết, gặp Mỹ Duyên, ông vừa bất ngờ, vừa không bất ngờ. Không bất ngờ vì ông tin vào năng lực, phẩm chất của cô sinh viên năm đó, dù những gì cô làm được còn khá non nớt. Nhưng bất ngờ là Mỹ Duyên đã đi nhanh hơn ông hình dung. Và bất ngờ hơn nữa đối với vị doanh nhân từng trải này: Mỹ Duyên là F1. Theo cách gọi trong giới doanh nhân, F2 là thế hệ doanh nhân kế thừa và phát huy những thành tựu đã được cha mẹ tạo lập. Mỹ Duyên là F1 bởi cha mẹ cô chỉ có 1 quán tạp hóa nho nhỏ tại nhà ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
 |
Võ Thị Mỹ Duyên đồng hành cùng Vinasoy với vai trò đại sứ để chia sẻ kiến thức đến các bạn học sinh trong chuỗi chương trình “Trao dinh dưỡng lành” đến trẻ em vùng sâu ở tỉnh Quảng Ngãi |
Dù chỉ mới khởi nghiệp với Học viện Kỹ năng VTALK được 2 năm, nhưng nữ doanh nhân này đã đạt được những thành tựu đáng tự hào và góp mặt vào 25% nhân tố mới góp phần vào sự phát triển bền vững của kinh tế thành phố. Dự án của cô hướng đến mục tiêu đáp ứng những yêu cầu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc về việc gia tăng đáng kể số lao động có các kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động để có việc làm tốt và làm chủ doanh nghiệp.
Ngoài hoạt động kinh doanh, Mỹ Duyên còn thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội. Đặc biệt, cô là nhà sáng lập và Chủ nhiệm mạng lưới Hành trình khởi lửa hành trang SFVN - dự án phi lợi nhuận được thành lập và triển khai từ tháng 11/2022 với mong muốn giải quyết vấn đề thiếu hụt thực tế về kỹ năng mềm ở các bạn trẻ. Dự án đã giúp kết nối hơn 200.000 sinh viên, học sinh Việt Nam đến các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, được đề cử giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize 2024.
Chia sẻ về những thành công của mình, Mỹ Duyên cho biết, cô đã trải qua một khoảng thời gian khá dài để chứng minh “Tôi có thể làm được!”. Bởi lẽ, “giao diện” phụ nữ thường mỏng manh, yếu đuối và điều đó trở thành bất lợi đối với cô trong những vị trí mang sức nặng của sự lãnh đạo, quản trị tập thể. “Khi cân nhắc lựa chọn giữa tôi và 1 bạn nam có ngoại hình cứng cáp, rắn rỏi hơn cho một vị trí quan trọng nào đó, bạn nam thường là người được chọn” - Mỹ Duyên nói.
Tuy nhiên, cô khẳng định, đó chỉ là những đánh giá ban đầu và hoàn toàn không phải là kết quả cuối cùng để khẳng định phụ nữ yếu thế hơn. Để thay đổi định kiến đó, không có cách nào khác, mỗi người phải tự chứng minh năng lực của mình.
Tuổi 16 và bài học lớn
Sự nghiệp trở thành doanh nhân của cô gái gen Z bắt đầu từ một vấp ngã năm 16 tuổi. Khi đó, Mỹ Duyên thực hiện một chương trình gây quỹ và chia số tiền theo đầu người, kêu gọi các bạn học sinh trong trường cùng đóng góp. Sự việc khiến Mỹ Duyên từ một nữ sinh rất được bạn bè yêu thương đã bị tẩy chay. Bạn bè nghĩ rằng cô làm mọi thứ chỉ vì sự nổi bật của bản thân.
“Vấp ngã ở tuổi 16 là cú sốc nhưng cũng là cơ hội để tôi có những suy nghĩ trưởng thành hơn. Sau vấp ngã đó, tôi tự nhận thấy, một hành trình muốn lâu dài, không thể cứ phụ thuộc mọi người mà cần chủ động tạo ra nguồn tiền. Những năm sau đó, tôi không gây quỹ bằng cách quyên góp nữa mà tập hợp những bạn có cùng đam mê với mình, tổ chức bán hàng gây quỹ. Thay đổi đó bắt đầu gieo vào lòng tôi niềm vui và hạnh phúc chứ không có quá nhiều tổn thương, sợ hãi như trước đó” - Mỹ Duyên trải lòng.
Câu chuyện bán hàng đã theo cô nữ sinh vào đại học. Ngay từ năm thứ nhất, Mỹ Duyên đã thu xếp mỗi tuần 3 ngày làm phục vụ cho quán cà phê gần ký túc xá. Thời gian còn lại, cô ra khu chợ đêm chọn quần áo về bán trên Facebook. Công việc đã mang lại cho Mỹ Duyên nguồn thu nhập từ vài trăm ngàn đến 2-3 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, việc phải chọn hàng, thay đổi mẫu mã và giới thiệu trên Facebook đã ngốn của Mỹ Duyên không ít thời gian.
Thấy không ổn, cô đã nghĩ đến việc kinh doanh một vài mặt hàng cố định. Thời gian đó, da bị mụn khiến Mỹ Duyên khổ sở tìm kiếm mỹ phẩm điều trị. Trong quá trình dùng thử một số sản phẩm và quan sát hiệu quả, Mỹ Duyên bắt đầu giới thiệu cho người thân trải nghiệm. Nắm bắt những phản hồi tốt, từ năm thứ ba đại học, cô bắt đầu chuyển sang kinh doanh thảo dược thiên nhiên. Doanh thu từ mặt hàng này cao hơn nhiều so với việc bán quần áo.
 |
Doanh nhân Võ Thị Mỹ Duyên (bìa trái) là gương mặt quen thuộc trong các chương trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên hiện nay |
Thành công nhờ nhận diện đúng và chuẩn bị kỹ càng
Ở tuổi 27, Mỹ Duyên đã có 5 năm làm công việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Đầu tiên là giáo viên dạy kỹ năng sống cho học sinh một trường quốc tế. 2 năm gần đây, cô phụ trách công tác đào tạo tại Học viện Kỹ năng VTALK. Câu hỏi cô thường nhận được từ các bạn học sinh, sinh viên là “Chắc cô đã chọn đúng ngành ngay từ ban đầu?”. Mỹ Duyên khẳng định, cô “từng đi lạc đường và lạc một cách quyết liệt”.
Ba mẹ muốn cô học ngành dược, nhưng nhận thấy mình đam mê nhóm ngành xã hội, nên cô gái trẻ quyết thi vào ngành báo chí truyền thông. Không đủ điểm, cô buộc phải chuyển sang học ngành văn. Thế nhưng, cô nữ sinh vẫn gom góp tiền làm thêm để mua máy ảnh và tập tành viết tin, làm nội dung cho một số trang tin. Song song đó, cô cũng xin dạy kèm ở các trung tâm để có thêm trải nghiệm và kết nối nhiều hơn.
Sau một thời gian, Mỹ Duyên nhận ra mình cũng không yêu ngành báo chí truyền thông nhiều như bản thân nghĩ. Cô bộc bạch: “Tôi không cảm thấy thực sự hạnh phúc khi hoàn thành những bài viết được giao. Dường như, việc đó chỉ để thỏa niềm cố chấp của mình từ năm cấp III, để chứng minh cho ba mẹ thấy tôi làm được. Ngược lại, mỗi ngày được lên lớp trò chuyện, dạy kỹ năng cho trẻ như giúp tôi được tiếp thêm nguồn năng lượng, những mệt mỏi chuyển hóa thành niềm hạnh phúc. Tôi tự hỏi, thứ mình muốn gắn bó cả đời là những gánh nặng trên vai để chứng minh với người khác hay niềm hạnh phúc thực sự của mình?”.
Những lời tự vấn đó đã có câu trả lời. Cuối năm thứ ba đại học, Mỹ Duyên chọn gắn bó với giáo dục. Để chuẩn bị đầy đủ cho lựa chọn này, cô tham gia chuyên nghiệp hơn vào các lớp giảng dạy kỹ năng, đăng ký học các khóa đào tạo để có chứng chỉ sư phạm, quản trị nhân sự.
Hiểu rằng người giảng dạy tốt phải là người có âm giọng tốt, biết cách tương tác với người khác, có khả năng truyền đạt trước đám đông, Mỹ Duyên đã đăng ký các khóa học dài hạn để cải thiện những khả năng này. Sau khi tốt nghiệp đại học, Mỹ Duyên đã tiếp tục chương trình sau đại học về quản lý giáo dục để nuôi ước mơ khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục. Dù doanh nghiệp mới thành lập được 2 năm nhưng sự chuẩn bị của cô dài hơn rất nhiều.
Cơ hội phát triển của phụ nữ không thua nam giới! Cơ hội phát triển của phụ nữ ngày nay hoàn toàn không thua kém nam giới. Đặc biệt, góc nhìn của thế hệ Z bắt đầu thay đổi. Họ tự do và phóng khoáng hơn, say mê tìm kiếm tự do cá nhân. Tuy nhiên, vẫn có rào cản nhất định về mặt sinh học khiến phụ nữ nhiều khi bỏ lỡ cơ hội, hoặc sẽ chậm hơn so với xung quanh. Điều đó đòi hỏi phụ nữ phải học hỏi và nỗ lực nhiều hơn nữa, cũng như cần sự cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ, gánh vác từ những người thân trong gia đình. Tôi mong mỗi bạn nữ sẽ tự tin phát triển giá trị cá nhân dựa trên năng lực cá nhân và tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân nhưng không quên trách nhiệm với cộng đồng. Doanh nhân Võ Thị Mỹ Duyên - thành viên sáng lập, Giám đốc đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK |
Thu Lê