Vì yêu

05/03/2018 - 16:01

PNO - Cuộc hôn nhân kéo dài mười năm, đủ thời gian để Hoài cứng cáp hơn khi qua những va vấp.

- Mẹ ạ, con quyết định rồi, con phải lấy anh ấy làm chồng.

- Ai cơ?

- Anh Hùng, từng đến nhà mình ăn tối một lần rồi đấy.

- Lần nào? Nói thật, mẹ chả nhớ. Có bao nhiêu anh bạn con đã đưa đến đây ăn tối với mẹ con mình.

- Tại vì mẹ vô tâm, chứ ngày nào anh ấy cũng chở con về tới tận ngõ nhà mình. Mẹ thì đi hát đến tận gần nửa đêm nên chả bao giờ biết.

- Thôi thì cứ cho là mẹ có lỗi không để ý. Nhưng vì sao con phải lấy anh ấy?

- Vì con yêu mà mẹ.

Trong một đêm trăng sáng ghé ngang cửa sổ, thoang thoảng hương hoa nhài, cô con gái 19 tuổi đã nói với mẹ như vậy. Trong khi con gái tủm tỉm cười nghĩ về hạnh phúc, chị khẽ thở dài. Chưa bước qua tuổi 40 nhưng đã 15 năm nuôi con một mình, chị hiểu đó không phải, không được phép là quyết định chóng vánh.

Vi yeu
Ảnh minh họa

Quyết định ấy cũng chẳng can dự gì với chuyện “vì mẹ vô tâm” - cái cớ thường xuyên được con gái vin vào khi đòi mẹ một thứ gì đó. Cái cớ ấy luôn làm lòng chị mủn ra khi nghĩ con mình thiệt thòi hơn những trẻ khác, để đáp ứng hết thảy nhu cầu của nó.

Tại chị say mê ca hát quá, chồng bỏ vì vợ mê mải lời ca điệu nhạc, chị cũng chẳng chừa. Ai cũng nói chị mạnh mẽ. Chỉ chị hiểu, vì mình có con gái bên cạnh mới đủ sức vượt qua mọi chuyện.

Vi yeu
Ảnh minh họa

“Vì yêu nên con phải lấy anh ấy” - hôm nay, Hoài lại nhắc mẹ điều ấy, rành rọt từng chữ. “Mẹ muốn con bình tĩnh suy nghĩ một thời gian, tuổi con nên học hành đã”. Con bé mới thi rớt đại học, chị không muốn nó bỏ cuộc sớm thế. Nhưng khi Hoài nghiêm túc nhắc lại lý do “vì yêu”, chị biết rất khó để cản.

Chị cứng cỏi: “Được, vậy con cứ lấy. Nhưng mẹ không đồng ý nên sẽ không cho con một đồng”. “Vâng, không sao mẹ ạ. Nhà anh ấy có tiệm vải ở chợ Soái Kình Lâm, khá dư dả. Má anh ấy nói chỉ cần mẹ đồng ý là bà lo hết”. Chị giận đến mức chẳng tìm được câu nào nói lại. Hoài đáp lại sự phản đối của mẹ bằng thái độ vui vẻ nhẹ nhõm, chẳng khác gì tạt nước sôi vào mặt chị.

Đám cưới Hoài diễn ra chóng vánh trong một ngày đầu xuân. Khi nhìn mẹ đứng lại phía sau xe hoa, Hoài xót lòng nghĩ về nhiều lần mình ngăn cản những người đàn ông khác đến với mẹ. Còn chị, rùng mình nhớ, ngày xưa mình cũng cưới chóng vánh như vậy. Chị lắc đầu để những suy nghĩ về quá khứ trôi qua.

Rồi tự nhủ, con gái sẽ không như mình, nó sớm thiệt thòi, sớm khôn chứ không đa tình đa cảm. Chị cười mỉm khi cảm thấy cho đến bây giờ, việc giữ cho con bé không bị ánh đèn sân khấu dụ dỗ là sự thành công lớn nhất trong đời mình.

- Mẹ, con phải về với mẹ thôi!

Ngày kia, con bé lao sầm sập vào nhà, dự báo một sự bất trắc. Chị đứng lặng nhìn nó.
- Mẹ nói gì đi chứ - con bé bắt đầu sụt sùi.

- Bình tĩnh nào, có chuyện gì vậy con?

- Tiệm vải nhà con cháy sạch. Má chồng đi xem bói, nói số con là số báo gia, báo cô nên mới tán gia bại sản. Chồng con không bênh một lời, ảnh nhu nhược và chằm chặp bênh má không cần biết đúng sai...

Chị đau nhói trong lòng, xót xa xoa bàn tay mềm lên má con gái. Chị muốn giữ con bé lại, ăn với mình bữa cơm rồi cùng tìm cách giải quyết. Nhưng dự cảm về cuộc hôn nhân bất trắc choáng ngợp suy nghĩ chị. Bấy nhiêu năm làm mẹ đơn thân đã là quá sức chịu đựng với chị. Con bé chắc gì có thể vượt qua với đứa con đang hình thành trong bụng. 

- Quay về đi!

- Mẹ…

- Con quay về đi, mẹ chỉ duy nhất một lần chấp nhận con lấy chồng. Con nói lấy vì yêu, vậy phải chấp nhận chứ. Má chồng có thế nào cũng là người sinh ra chồng con - người con yêu mà. Con về đi kẻo không có cơ hội quay lại. 

Nước mắt con gái chứa chan trên gương mặt xanh xao vì thai nghén. Nó quay đi, bước nặng trĩu. Sau lưng, chị nấc nghẹn. 

Cuộc hôn nhân kéo dài mười năm, đủ thời gian để Hoài cứng cáp hơn khi qua những va vấp. Cũng chừng ấy thời gian không thể khiến chồng Hoài trưởng thành hơn. Anh vẫn luôn đứng về phía mẹ, thậm chí sẵn sàng ra tay bạo hành vợ. Nhiều hôm, ra phố với mặt mũi sưng húp, Hoài phải nói dối bị té cầu thang và không dám tìm tới mẹ vì sợ mẹ còn đau hơn mình.

Vi yeu
Ảnh minh họa

Hoài nhận ra tình yêu học trò của mình đúng như ngày xưa mẹ nói, chóng đến, cháy hừng hực nhưng tàn lụi như lửa rơm. Không muốn để con gái lớn lên trong sự khôn khéo ngụy trang, Hoài chia tay mối tình mình từng cố sống chết để cưới bằng được. Chia tay nhanh, dứt khoát cũng như khi cưới. Lúc này, mẹ Hoài không ngăn cản vì biết có cản cũng không xong. Trái tim người đàn bà luôn có đủ nghị lực để quyết đến cùng điều gì đó khi tìm cho mình một lý lẽ. 

- Mẹ, sao trước đây mẹ bắt con bỏ qua, tha thứ nhưng bây giờ chỉ im lặng?

- Vì mẹ nghĩ con đã nếm đủ yêu thương chát đắng rồi, đủ sức để đi một mình mà không đau đớn như mẹ ngày xưa. 

Chọn một ly rượu chát, nghe mẹ hát một khúc nhạc buồn não nề của Phạm Duy: “Một người ngồi bên kia sông, im nghe nước chảy về đâu; Một người ngồi đây, trông hoa trôi theo nước chảy phương nào…”, Hoài hớp thêm một ngụm rượu để xua vị nước mắt mặn đắng đang chảy dọc xuống cổ họng mình. 

- Mẹ, con sẽ đi hát

Lặng im một lúc, Hoài nhíu đôi chân mày mảnh: “Sao mẹ không cản?”.

- Vì mẹ biết con đủ khả năng, đủ chín chắn để làm một người đàn bà hát. Con cũng đủ trưởng thành để không va vấp những cám dỗ của đèn màu.  

Ở phòng trà Dạ khúc, nơi Hoài vẫn đến hát, cậu chủ hai mươi bảy tuổi là tâm điểm thu hút, đồng thời là khát khao của hầu hết những cô ca sĩ trẻ măng mới vào nghề. Hoài cũng mới vào nghề nhưng không còn trẻ. Ngoài ba mươi, hành trang là những vệt chân chim chớm xuất hiện trên khóe mắt, “một đời chồng vừa chia tay và cô con gái 10 tuổi” - cô ngắn gọn giới thiệu về mình.

Cậu chủ phì cười: “gừng càng già càng cay, tôi lại là người sành… ăn gừng”. Hoài hiểu đó là sự châm chọc, đồng thời nghĩ, cậu chủ sớm thành công trên thương trường hóa ra chỉ là chú ngựa non háu đá.

Cậu chủ luôn có thói quen tặng những cành hoa hồng cho ca sĩ đến biểu diễn hằng đêm. Những nụ hồng đỏ thẫm, nhen nhóm như một đốm lửa. Từ khi Hoài đến, có thêm một nụ hồng trắng. Một vài cô ca sĩ tỏ vẻ không hài lòng, nói: “Nụ hoa ấy có đặc biệt hơn các nụ hoa khác không, anh Long?”. Long giữ thái độ im lặng. Hoài cười khi nhận nụ hoa: “Nụ hoa của tôi chỉ buồn hơn thôi”.

Khuya hôm ấy, Long nhắn tin: “Nụ hồng ấy đặc biệt vì chị là người đặc biệt. Lần đầu tôi gặp một ca sĩ hát bằng tất cả đau thương, hờn giận mà chan chứa tình yêu”. Hoài nhắn lại: “Cậu nhầm, tình yêu đối với tôi là món xa xỉ mà tôi chẳng đủ năng lực tài chính để mua. Tôi không quan tâm tới điều ấy”.

Vi yeu
Ảnh minh họa

“Tôi cho rằng tiền không mua được tình yêu” - Long đáp lại, kèm nụ hồng bạch gửi qua điện thoại... Đã vài ba lần Long tỏ ra quan tâm, thăm dò về tình cảm nhưng Hoài hoặc chặn đứng lại, hoặc phớt lờ đi. Cô chán cái trò tỏ ra yếu mềm, khao khát ở một người đàn bà dành cho đàn ông. Hoài mỉm cười, tắt máy, rúc mặt vào mái tóc có mùi nắng của con gái đón giấc ngủ vừa trườn tới.  

Tết năm nay lại trôi qua rất tệ. Đã là cái tết thứ ba nhà chỉ có mẹ và con. Hoài mua đầy hoa mai, hoa cúc chưng khắp bốn căn phòng vẫn không thêm phần ấm cúng, chỉ thấy nhà giống sân khấu phường chèo. Trước mặt Hoài không phải là chồng cũ, mà là Long. Anh ta nhoẻn cười, tay cầm bó hồng trắng tinh khiết: “Long vào được chứ?”.

Hoài chần chừ, chưa đáp lời thì con gái ồ lên: “Hoa đẹp quá mẹ ơi! Vâng, chú vào đi ạ”. Cả Long và Hoài phì cười trước vẻ cụ non của con gái. Hoài chạnh lòng nghĩ, bằng tuổi con bé, chưa bao giờ mình tạo điều kiện cho mẹ đón một người đàn ông lạ vào nhà.   

“Chú sẽ quay lại nữa chứ?” - con gái hỏi khi Long vừa quay ra cửa. “Dĩ nhiên, nếu mẹ cháu không phiền”. “Dĩ nhiên là mẹ cháu rất vui” - con gái lại nhanh nhảu đối đáp khiến Hoài thấy gương mặt mình nóng lên. Long nhíu mắt nhìn Hoài, mỉm cười. Hoài ngước mắt bâng quơ: “Tại nắng lên…”. 

Võ Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI