Hãy khiến món ăn biết kể chuyện

02/07/2025 - 06:43

PNO - Ẩm thực không chỉ là những món ngon được bày biện trên bàn ăn mà còn là ký ức, cảm xúc, là một phần sống động trong dòng chảy văn hóa của mỗi dân tộc. Du lịch ẩm thực chính là một cách kể chuyện văn hóa hấp dẫn nhất.

Ở Nhật Bản, các food tour truyền thống thường không bắt đầu từ nhà hàng mà từ chợ cá. Du khách được dẫn vào chợ Tsukiji để xem những con cá ngừ tươi vừa được đấu giá, nghe người bán kể về thời khắc con cá được đánh bắt rồi được thưởng thức sashimi ngay tại chỗ. Mỗi miếng ăn là một lát cắt của văn hóa Nhật Bản, từ cách chọn nguyên liệu đến triết lý “thức ăn không nên bị làm quá” của washoku - văn hóa ẩm thực truyền thống, được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.

Hàn Quốc làm food tour hướng đến “ăn và hiểu” chứ không phải “ăn no”. Tour ẩm thực ở Seoul thường gắn liền với hành trình khám phá kim chi. Du khách được hướng dẫn để tự tay làm kim chi, được mặc hanbok truyền thống, nghe kể về sự hiện diện của món ăn này trong nghi lễ cưới hỏi và các dịp lễ quan trọng. Thái Lan biến món ăn đường phố thành thương hiệu quốc gia: các food tour ở Bangkok thường bắt đầu từ câu chuyện về cách người Thái giữ được hương vị truyền thống giữa thủ đô hiện đại. Có những food tour chỉ xoay quanh một con hẻm, nơi có 4 thế hệ nấu cùng 1 món. Du khách vừa ăn vừa nghe kể về cuộc sống của gia đình, những ảnh hưởng của lịch sử và biến động xã hội đến nghề bếp của họ.

Việt Nam không thiếu món ngon. Nhưng trong hành trình du lịch ẩm thực, du khách chỉ mới được giới thiệu quán ăn nổi tiếng hay đặc sản vùng miền mà không được kể câu chuyện của món ăn ấy. Du khách đến Huế có thể được ăn bún bò, cơm hến, bánh bột lọc nhưng không được nghe về triết lý cung đình trong khẩu phần ăn xưa: mỗi bữa ăn phải đủ ngũ vị, ngũ sắc, hài hòa âm dương. Du khách đến Hà Nội có thể được ăn phở, bún chả, nem rán nhưng chưa chắc được lý giải vì sao phở Hà Nội luôn được nấu trong nồi gang.

Món ngon không thiếu nhưng nếu chỉ ăn rồi đi tiếp thì du khách sẽ quên rất nhanh. Đó là một điều đáng tiếc, bởi món ăn là sản phẩm của địa lý, khí hậu, văn hóa sống và cả lịch sử. Nếu không kể được những lớp lang ấy, food tour Việt khó lòng để lại dư âm. Khi món ăn biết kể chuyện, nó sẽ trở thành chiếc vé đi vào trái tim du khách.

Ẩm thực không phải là một lĩnh vực đứng riêng mà nằm trong lòng văn hóa. Muốn phát triển du lịch ẩm thực bài bản, trước hết, cần trả món ăn về với không gian sống của nó. Đừng cắt rời phở khỏi phố cổ hay mang bánh xèo khỏi chợ quê; đừng đưa khách vào phòng lạnh 5 sao để giới thiệu món ăn dân dã. Du khách quốc tế không chỉ tò mò vị giác mà còn tò mò cả cách chúng ta ăn, ngồi, chia sẻ, thậm chí là tranh luận. Muốn có một food tour thành công, cần có người kể chuyện ẩm thực chứ không chỉ là hướng dẫn viên đọc thuộc tên món.

Một food tour bài bản cần gắn với trải nghiệm mua sắm, tìm hiểu nguyên liệu, giao lưu văn hóa. Làm du lịch ẩm thực không phải là đi gom món ăn ngon để xếp thành tuyến mà là tạo ra trải nghiệm có chiều sâu, kết nối món ăn, con người và không gian sống. Khi du khách nhớ đến một quốc gia bằng hương vị, đó là lúc quốc gia ấy thành công về mặt hình ảnh. Nhật Bản khiến người ta nhớ tới vị umami thanh tao, Thái Lan khiến người ta thèm cái cay, nồng, ngọt, chua hòa quyện. Việt Nam có đầy đủ các tầng vị, có cả chiều sâu văn hóa trong cách ăn, nhưng lại chưa khiến chúng bật lên thành thương hiệu.

Nhiều nhà hàng, quán ăn Việt được Michelin vinh danh là một bước tiến lớn, nhưng nếu không biến thành động lực kiến tạo các sản phẩm du lịch ẩm thực bền vững thì ánh sáng của những ngôi sao đó sẽ sớm mờ đi. Ẩm thực không thể phát triển lâu dài nếu thiếu người kể chuyện, thiếu chiều sâu văn hóa, thiếu tư duy hệ sinh thái.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI