Thí sinh chọn xét môn tiếng Anh khó cạnh tranh
Minh Trang - học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (phường An Nhơn, TPHCM) - đã định hướng theo tổ hợp D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh) từ lớp Mười để sau này xét tuyển đại học (ĐH). Tuy nhiên, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, Trang không khỏi hoang mang vì nhẩm tính môn toán chỉ được khoảng 6,75 điểm, tiếng Anh khoảng 6,5 điểm.
“Với mức điểm này, thí sinh tổ hợp D01 xét tuyển không thể cạnh tranh được với các tổ hợp khác có môn lý, sinh, hóa, sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật… Bởi những môn này đề thi nhẹ nhàng hơn rất nhiều” - em nói.
 |
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại điểm thi Trường THCS Trần Hưng Đạo (phường An Nhơn, TPHCM) |
Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều thí sinh định hướng dùng môn tiếng Anh xét tuyển. Trung Hiếu - học sinh Trường THPT Trường Chinh (phường Đông Hưng Thuận, TPHCM) - chia sẻ, em dự định chọn tổ hợp A01 (toán, lý, tiếng Anh) để xét tuyển ĐH.
Nhưng với đề thi năm nay, Hiếu cho rằng điểm của những tổ hợp có 2 môn toán và tiếng Anh sẽ thấp hơn nhiều so với các tổ hợp khác. Những bạn chọn tổ hợp gần là A00 (toán, lý, hóa) sẽ có lợi thế hơn, nếu trường xét tuyển không phân biệt điểm giữa các tổ hợp.
Trước đó, nhiều trường ĐH ở TPHCM công bố phương án tuyển sinh nêu rõ sẽ không phân biệt điểm giữa các tổ hợp. Chẳng hạn như: Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM); Trường ĐH Công nghiệp TPHCM; ĐH Y Dược TPHCM…
Một số trường gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM)… đã công bố phương án tuyển sinh có sự tính toán điểm chuẩn khác nhau giữa các tổ hợp. Các trường sẽ quy đổi ngưỡng điểm đầu vào giữa các tổ hợp xét tuyển theo nguyên tắc đảm bảo tương đương về mức độ, đáp ứng yêu cầu đầu vào của ngành đào tạo.
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển - Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng - cho rằng, thí sinh lo lắng là có cơ sở. Bởi, theo phương án tuyển sinh, nhiều trường không phân biệt điểm giữa các tổ hợp khi xét tuyển vào cùng 1 ngành.
“Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của những năm trước đã cho thấy, môn tiếng Anh có phổ điểm thấp hơn các môn khác. Trong khi các môn như sử, địa, giáo dục công dân… lại thường có phổ điểm rất cao. Năm nay, thí sinh chỉ thi 4 môn nên các em không có nhiều lựa chọn tổ hợp khác ngoài 4 môn đã thi.
Như vậy, nếu trường nào xét tuyển nhiều tổ hợp, kể cả đã có 2 môn bắt buộc chung thì những thí sinh sử dụng môn thứ ba là những môn có phổ điểm cao vẫn có thể chênh 1-2 điểm so với môn tiếng Anh” - ông Lâm Thành Hiển phân tích.
Sẽ tính toán để đảm bảo công bằng cho thí sinh
Mặc dù vậy, ông Lâm Thành Hiển vẫn khuyên thí sinh không nên quá lo lắng. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi và phổ điểm giữa các môn, nếu có sự chênh lệch lớn chắc chắn các trường ĐH sẽ có những điều chỉnh phù hợp. Lý do là chính các trường cũng muốn tuyển chọn những thí sinh có chất lượng, đảm bảo công bằng cho tất cả các em.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM - nhà trường đã đưa ra phương án tuyển sinh chính thức, mỗi ngành sẽ có 2 môn bắt buộc và môn thứ ba thí sinh được lựa chọn. Do vậy, nếu có sự chênh lệch điểm thì chỉ chênh lệch ở môn thứ ba nên sẽ không quá nhiều. Vì vậy, nhà trường không phân biệt điểm chuẩn giữa các tổ hợp và lấy điểm của tổ hợp cao nhất khi xét tuyển.
Ông nói thêm: “Cái khó của các trường ĐH là xét tuyển 1 ngành có rất nhiều tổ hợp, có trường tới hàng chục tổ hợp. Trong trường hợp điểm giữa các tổ hợp chênh nhau nhiều, phải tính toán điểm chuẩn từng tổ hợp thì sẽ rất rối và khiến thí sinh rối theo.
Trong khi đó, các trường đều đã công bố phương án tuyển sinh chính thức. Nếu thay đổi, trường phải xử lý lại khối dữ liệu khổng lồ của từng tổ hợp, còn những thí sinh chọn xét tuyển bằng những tổ hợp khác sẽ khiếu nại. Đây là bài toán nan giải. Tuy vậy, nếu phổ điểm giữa các môn tự chọn chênh nhau quá nhiều, trường vẫn phải tính toán và điều chỉnh lại”.
Theo ông dự đoán, phổ điểm môn tiếng Anh năm nay sẽ thấp hơn các môn khác, do vậy điểm chuẩn vào những ngành có môn này sẽ giảm so với những năm trước.
Thạc sĩ Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) - cũng dự đoán, điểm chuẩn sẽ giảm ở các tổ hợp xét tuyển liên quan đến môn toán, tiếng Anh, đặc biệt tổ hợp D01. Nếu phổ điểm giữa các môn chênh nhau nhiều, khi các trường xét tuyển vào cùng 1 ngành bằng nhiều tổ hợp, mà không phân biệt điểm chuẩn giữa các tổ hợp thì thí sinh sẽ thiệt thòi.
Năm nay, trường xét tuyển bằng 6 tổ hợp, áp dụng cho tất cả ngành, chuyên ngành và các phương thức, gồm: A00; D01; A01; D07 (toán, tiếng Anh, hóa); X26 (toán, tiếng Anh, tin); X25 (toán, tiếng Anh, giáo dục kinh tế và pháp luật). 5/6 tổ hợp này đã có 2 môn toán và tiếng Anh nên sự chênh lệch giữa các môn còn lại sẽ không nhiều như 2 tổ hợp khác nhau hoàn toàn vào cùng 1 ngành ở các trường khác.
“Trong trường hợp điểm tiếng Anh năm nay thấp, nhà trường sẽ tính toán lại” - ông Cù Xuân Tiến nói. Ông khuyên thí sinh để tăng cơ hội trúng tuyển, nên xét tuyển bằng tất cả tổ hợp và phương thức mà mình có, thay vì chỉ tập trung xét tuyển bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, nhiều trường ĐH thực hiện quy đổi điểm tiếng Anh từ các chứng chỉ quốc tế. Thí sinh nào có chứng chỉ sẽ lợi thế lớn trong xét tuyển. Như tại Trường ĐH Kinh tế - Luật, thí sinh có IELTS từ 6.5 trở lên được quy thành 10 điểm tiếng Anh.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đại học từ ngày 16/7 Theo lịch chung của Bộ GD-ĐT, đúng 8g ngày 16/7, các hội đồng thi sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025. Sau khi có điểm thi, thí sinh bắt đầu đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng không giới hạn số lần trên hệ thống tuyển sinh chung của bộ từ ngày 16/7 đến 17g ngày 28/7. Nguyện vọng của thí sinh đăng ký theo ngành, chương trình và được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất), đồng thời thí sinh phải cung cấp các dữ liệu theo quy định tuyển sinh của các trường để xét tuyển vào trường đó. Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký. Lưu ý, tất cả thí sinh (gồm cả thí sinh được xét tuyển thẳng) phải thực hiện đăng ký xét tuyển trên hệ thống. Từ ngày 29/7 đến 17g ngày 5/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. |
Nhiều trường cộng điểm xét tuyển cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế Thí sinh đăng ký tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh nếu có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (còn thời hạn tính đến thời điểm xét tuyển) sẽ được quy đổi điểm hoặc cộng điểm khi xét tuyển vào nhiều trường ĐH. Tại các trường thành viên ĐH Quốc gia TPHCM như Trường ĐH Quốc tế, thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 7.0 trở lên (hoặc chứng chỉ khác tương đương) được quy thành 10 điểm; từ 6-6.5 là 9 điểm; 5.5 là 8 điểm và 5.0 là 7 điểm. Trường ĐH Bách khoa: chứng chỉ IELTS từ 5.0 (hoặc chứng chỉ khác tương đương) được quy thành 8 điểm; 5.5 quy thành 9 điểm và từ 6.0 được quy thành 10 điểm. Trường ĐH Khoa học tự nhiên: IELTS 4.5 là 8 điểm, sau đó mỗi mức tăng lên 0,25 điểm, mức cao nhất từ 8.0 được quy thành 10 điểm, 6.5 là 9 điểm. ĐH Y Dược TPHCM thì cộng điểm cho thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 6.0 hoặc TOEFL iBT từ 80 trở lên, mức cộng dao động từ 0,6-0,9 điểm. Tại Trường ĐH Luật TPHCM, thí sinh có điểm IELTS từ 5.5 (hoặc chứng chỉ khác tương đương) được cộng 2 điểm; từ 6.0 cộng 2,25 điểm; từ 6.5 cộng 2,5 điểm; từ 7.0 cộng 2,75 điểm và từ 7.0 trở lên cộng 3 điểm… |
Nguyễn Loan