Để ẩm thực Việt chạm vào trái tim du khách

02/07/2025 - 06:39

PNO - Ẩm thực Việt Nam đang ngày càng được quốc tế công nhận. Điều còn thiếu là một chiến lược bền vững, đồng bộ để du lịch ẩm thực (food tour) Việt không chỉ ngon miệng mà còn đủ sâu để kể câu chuyện văn hóa, đủ đẹp để trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng.

Ẩm thực Việt liên tục được vinh danh

Ngày 5/6, cẩm nang ẩm thực nổi tiếng của Pháp và thế giới Michelin Guide đã công bố danh sách “Michelin Guide Việt Nam 2025”. Sự kiện này đánh dấu lần thứ ba, cẩm nang Michelin Guide đến Việt Nam, khẳng định vị thế ngày càng vững chắc của nền ẩm thực Việt Nam trên bản đồ ẩm thực quốc tế.

Kể từ lần đầu tiên vào nước ta (năm 2023) với 4 nhà hàng tại TPHCM và TP Hà Nội nhận được 1 sao Michelin, đến nay, 181 nhà hàng và quán ăn được vinh danh ở các hạng mục cho thấy sự đánh giá toàn diện về chất lượng ẩm thực, từ bình dân đến cao cấp. Sự hiện diện và đánh giá liên tiếp của Michelin Guide không chỉ tạo động lực cống hiến cho các nhà hàng, đầu bếp mà còn là minh chứng rõ nét cho sức hấp dẫn đặc biệt của nền ẩm thực đa dạng từ Bắc vào Nam.

Gần 70.000 khách trong và ngoài nước dự lễ hội văn hóa ẩm thực, món ngon Saigontourist Group 2025 ẢNH: QUỐC THÁI
Gần 70.000 khách trong và ngoài nước dự lễ hội văn hóa ẩm thực, món ngon Saigontourist Group 2025. Ảnh: Quốc Thái

Không chỉ vậy, ẩm thực Việt còn được nhiều tạp chí du lịch quốc tế đánh giá cao. Chuyên trang bản đồ ẩm thực truyền thống địa phương lớn nhất thế giới TasteAtlas đã xếp Việt Nam vào thứ hạng 19 trong 100 nền ẩm thực ngon nhất thế giới năm 2024. Năm 2023, tạp chí du lịch Mỹ Travel + Leisure vinh danh Việt Nam là “Điểm đến ẩm thực hàng đầu khu vực châu Á”. Năm 2022, trong danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới do chuyên trang ẩm thực The Travel (Canada) công bố, Việt Nam đứng ở vị trí thứ năm theo bình chọn của độc giả.

Những món ăn Việt được các tạp chí, chuyên trang trên ca ngợi là phở, bánh mì, bún chả, cà phê trứng, bún riêu, mì Quảng, bánh giò... Thậm chí, kênh truyền hình tin tức quốc tế CNN (Mỹ) còn gọi bánh mì Việt Nam là “hiện tượng toàn cầu” và đưa vào nhóm 25 loại bánh mì kẹp ngon nhất thế giới, cho thấy món ăn bình dân cũng có thể chạm đến tầm quốc tế.

Tạp chí The Foodellers (Bồ Đào Nha) cũng có bài viết chuyên sâu Việt Nam: Hành trình ẩm thực từ Bắc vào Nam, ca ngợi sự đa dạng và tinh túy của ẩm thực từng vùng miền của Việt Nam.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến “ngoại giao ẩm thực” của Việt Nam khi các món ăn như bún chả, phở, nem, cà phê trứng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các nhà lãnh đạo và phóng viên quốc tế tại những sự kiện chính trị lớn. Họ bày tỏ ấn tượng về sự phong phú, đa dạng của món ăn, về hương vị, về sự tỉ mỉ trong chế biến và nguyên liệu tươi ngon.

Thiếu chiến lược food tour xứng tầm

Dù liên tục được các tổ chức quốc tế vinh danh, được du khách ca ngợi, Việt Nam vẫn thiếu những sản phẩm food tour bài bản, đủ chiều sâu và sức lan tỏa. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, một số tỉnh, thành phố bắt đầu nhận diện tiềm năng du lịch ẩm thực và có những động thái cụ thể, tiêu biểu là TP Hải Phòng và TP Đà Nẵng.

Với lợi thế là điểm đến quốc tế và được Michelin Guide mở rộng thẩm định, ngành du lịch TP Đà Nẵng đã tích cực tổ chức lễ hội ẩm thực, khuyến khích thiết kế tour kết hợp ẩm thực với danh thắng… nhưng các hoạt động này vẫn mang tính sự kiện, thiếu chiến lược phát triển lâu dài và hệ thống kể chuyện ẩm thực - yếu tố then chốt để định vị giá trị văn hóa thông qua món ăn. Ngành du lịch TP Hải Phòng cũng đẩy mạnh quảng bá hình ảnh “thiên đường ẩm thực đường phố” qua việc quy hoạch các tuyến phố ẩm thực với các món đặc trưng như bánh đa cua, nem cua bể, bún cá, bánh mì cay; triển khai các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội; đều đặn tổ chức các sự kiện văn hóa, ẩm thực.

Phố ẩm thực Ngũ Xã, quận Ba Đình (cũ), TP Hà Nội luôn thu hút du khách quốc tế - ẢNH: M.T.
Phố ẩm thực Ngũ Xã, quận Ba Đình (cũ), TP Hà Nội luôn thu hút du khách quốc tế - Ảnh: M.T.

Để thuận tiện cho du khách tìm kiếm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hải Phòng còn xây dựng bản đồ food tour theo danh mục riêng như điểm tâm sáng, bữa xế, địa chỉ ăn đêm, địa chỉ phục vụ các món ăn cụ thể và phát miễn phí cho du khách. Tuy nhiên, ông Hoàng Tuấn Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hải Phòng - nhận xét, phần lớn sản phẩm food tour vẫn mang tính tự phát, chủ yếu phục vụ nhóm du khách trẻ đi tự túc với chi phí thấp nên doanh thu lẫn giá trị trải nghiệm còn hạn chế.

Các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam như Hà Nội, Huế, TPHCM đang làm food tour một cách rời rạc, chưa tạo được hệ sinh thái tổng thể. Có vô số món ngon được quốc tế ca ngợi nhưng tour ẩm thực của các địa phương này vẫn kiểu “mạnh ai nấy làm”, không có sản phẩm chuyên biệt lồng ghép giá trị văn hóa, lịch sử.

Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành TP Hà Nội - cho hay, đã có một số công ty du lịch tổ chức tour ẩm thực nhưng vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa đủ để tạo hiệu ứng thu hút du khách. Để xây dựng một tour ẩm thực chuyên đề thực sự hấp dẫn, cần xác định được món ăn đặc trưng làm điểm nhấn quảng bá, đầu tư hệ thống nhà hàng một cách chuyên nghiệp để du khách không chỉ “đi ăn” mà còn được hòa mình vào hành trình khám phá văn hóa ẩm thực.

Ngọc Minh Tâm

Cần có chiến lược tầm quốc gia về ẩm thực

Ẩm thực là lợi thế cạnh tranh của nhiều nước bởi nó gắn với đời sống thường ngày và là một phần hồn cốt văn hóa của quốc gia, nhưng để biến ẩm thực thành sản phẩm du lịch có giá trị, cần tạo dấu ấn rõ nét từ khâu xây dựng đến quảng bá tour và món ăn.

Du lịch Việt Nam chỉ mới khai thác hiệu quả thế mạnh về phong cảnh, di sản và còn xem nhẹ ẩm thực. Các sản phẩm du lịch ẩm thực chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, còn ở nhiều địa phương khác vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, thiếu tính hệ thống, gây khó khăn cho du khách trong việc tiếp cận và trải nghiệm. Ẩm thực chính là văn hóa. Nếu không đặt ẩm thực trong mối liên hệ với văn hóa hoặc chưa chú trọng đầu tư phát triển đúng mức thì đó là một thiếu sót. Chỉ khi kết hợp chặt chẽ giữa ẩm thực và văn hóa, các sản phẩm du lịch ẩm thực mới thực sự có chiều sâu và sức hút. Chúng ta nên có một chiến lược mang tầm cỡ quốc gia về ẩm thực Việt để có cơ sở quảng bá.

Đặc biệt, cần xác định được sản phẩm cốt lõi để quảng bá cho từng giai đoạn cụ thể, trong đó có đầu tư và quảng bá rộng cho thế giới. Bên cạnh đó, cần có những chương trình đặc biệt về ẩm thực để giới thiệu với bạn bè quốc tế, chẳng hạn giao lưu văn hóa các đại sứ quán.

Ông Nguyễn Xuân Quỳnh - Tổng thư ký Liên chi hội Đầu bếp Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam)

TPHCM đưa chuỗi ẩm thực vào tour du lịch hè

Ngày 1/7, Sở Du lịch TPHCM cho biết, sẽ đẩy mạnh khai thác chuỗi tour ẩm thực “Find Your Flavor” cùng nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc theo “hành trình vị giác” trong tháng 7 và 8/2025.

Chương trình là một trong những điểm nhấn quan trọng trong kế hoạch kích cầu du lịch hè 2025 của thành phố, với mục tiêu khẳng định vị thế TPHCM như một “thủ phủ ẩm thực” giàu bản sắc, năng động và sáng tạo bậc nhất Việt Nam.

Chuỗi hoạt động “Find Your Flavor” được thiết kế theo từng tuần, dạng chuyên đề, với nội dung trải rộng từ món ngon đường phố, ẩm thực di sản, món ăn quốc tế cho đến các trải nghiệm ẩm thực gắn với không gian văn hóa và các điểm du lịch mới của thành phố.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI