Lượng lớn sâm Ngọc Linh, yến sào bán qua mạng là hàng giả

02/07/2025 - 12:53

PNO - Hiện nay, khi người tiêu dùng tìm kiếm từ khóa "sâm Ngọc Linh" trên mạng, thì có đến 90% kết quả hiện ra không phải là sâm Ngọc Linh thật.

Ông Lương Trọng Khoa - sáng lập Công ty cổ phần Sâm Việt Nam (Vinapanax) - Phó chủ tịch Hội sâm Ngọc Linh Quảng Nam (cũ) cho biết tại tọa đàm “Chống hàng giả, hàng gian - Làm sạch thị trường, bảo vệ niềm tin”, do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 2/7.

Các đại biểu tham dự tọa đàm “Chống hàng giả, hàng gian - Làm sạch thị trường, bảo vệ niềm tin”
Các đại biểu tham dự tọa đàm “Chống hàng giả, hàng gian - Làm sạch thị trường, bảo vệ niềm tin”

Theo ông Khoa, một số cơ sở có thể trộn thêm các loại sâm khác như sâm Lai Châu, tam thất… vào sản phẩm sâm Ngọc Linh. Người tiêu dùng rất khó phân biệt, vì quy định hiện nay chỉ yêu cầu kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm và hàm lượng saponin (là một trong những thành phần quan trọng có trong các loại thảo mộc có lợi cho sức khỏe của con người) - trong khi saponin không phải là hoạt chất đặc trưng riêng của sâm Ngọc Linh.

Thực tế ngay cả các doanh nghiệp chế biến sâm Ngọc Linh thật cũng gặp khó. Do sản lượng còn hạn chế, nhiều đơn vị chưa đủ điều kiện xây dựng nhà máy riêng, phải thuê gia công sản phẩm. Điều này khiến họ lo ngại nếu trong quá trình gia công xảy ra sai sót, sản phẩm chứa thành phần không đúng nguyên liệu thì có thể bị xử phạt, dù bản thân doanh nghiệp không cố ý.

Theo ông, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và uy tín sản phẩm, vùng trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My đã tổ chức các phiên chợ sâm nhằm cung cấp sản phẩm thật, xây dựng niềm tin với khách hàng. Tuy vậy, với người tiêu dùng ở TPHCM và các tỉnh xa khó có điều kiện đến tận nơi mua trực tiếp, nên cần có giải pháp hiệu quả hơn.

Cũng là sản phẩm bị giả nhiều, ông Nguyễn Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa - cho rằng, không ít sản phẩm hàng giả, hàng nhái thương hiệu nổi tiếng như Yến Sào Khánh Hòa, Sanest... được tung ra thị trường dưới các tên gọi khác nhau như Sanest 1, Sanest One,... làm cho công tác kiểm tra, xử lý càng thêm khó khăn.

Khi bị phát hiện, các đối tượng vi phạm thường nhanh chóng giải thể công ty, rồi thành lập doanh nghiệp mới để tiếp tục hoạt động, khiến việc xử lý chỉ dừng lại ở phần ngọn.

Ngoài ra, các đối tượng còn chủ động phân phối hàng giả về các vùng sâu, vùng xa thay vì tập trung vào các thành phố lớn, bán với giá rẻ để dễ tiêu thụ. Người tiêu dùng, nếu chỉ căn cứ vào hình dáng bao bì khó nhận ra hàng giả.

Bên cạnh đó, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả còn tận dụng mạng xã hội để quảng bá và bán hàng, khiến việc truy xuất nguồn gốc càng thêm khó khăn. Phần lớn thông tin trên nhãn sản phẩm thường mập mờ, không phản ánh đúng giá trị thực.

“Doanh nghiệp buộc phải tự bảo vệ mình bằng cách thành lập bộ phận chuyên trách tại các tỉnh, phối hợp với hệ thống nhà phân phối, kênh giám sát; đồng thời tích cực theo dõi hoạt động trên mạng xã hội để kịp thời phát hiện hàng giả, hàng nhái cũng như các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ” - ông cho biết.

Dù vậy, theo ông ngay cả khi đã thu thập đủ thông tin, việc giám định sản phẩm cũng mất nhiều thời gian. Nhanh cũng mất khoảng một tuần, còn thông thường kéo dài đến một tháng, với chi phí giám định nhanh lại rất cao, trong khi hàng giả đã được tiêu thụ số lượng lớn ngoài thị trường.

Vì vậy giải pháp mà các doanh nghiệp áp dụng để đối phó với hàng giả là liên tục thay đổi bao bì, mẫu mã nhằm gây khó khăn cho các đối tượng làm giả. Tuy nhiên, thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi, từ việc sản xuất tem chống giả giả, làm giả logo, đến sao chép cả mã QR code để qua mặt người tiêu dùng. Ông đề xuất cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức người tiêu dùng, khuyến khích họ kiểm tra, quét mã QR code để đảm bảo mua được sản phẩm chính hãng.

Khó phân biệt hàng giả trên sàn thương mại điện tử

Ông Nguyễn Thành Nam - Phó cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, đặc biệt trên môi trường trực tuyến.

Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để bán hàng giả, thường xuyên thay đổi tên, địa chỉ và làm bao bì, tem nhãn rất giống hàng thật khiến người tiêu dùng khó phân biệt. Có vụ việc phải nhờ chuyên gia hoặc chính hãng xác minh mới biết là hàng giả.

Các hình thức làm giả phổ biến gồm: làm giả hoàn toàn, làm hàng nhái và nguy hiểm nhất là làm giả chất lượng, nghĩa là sản phẩm được công bố đạt chuẩn nhưng khi kiểm tra lại thì không đạt.

Tình trạng này xảy ra nhiều ở các mặt hàng thiết yếu như sữa, thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, xăng dầu, đường, thuốc lá, phân bón… Không chỉ tại các kho, cửa hàng mà còn lan rộng trên mạng, gây khó khăn cho việc quản lý.


Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI