Báo Phụ nữ TPHCM đã phỏng vấn Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hữu Châu về sự kiện này.
 |
Sách Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão - ẢNH: NGỌC TUYẾT |
Phóng viên: Có giai đoạn nhiều tài danh sân khấu ra sách và cái tên Hữu Châu cũng nằm trong kế hoạch của một số nhà xuất bản. Tại sao đến nay, anh mới “xuất hiện”?
NSƯT Hữu Châu: 9 năm trước, tôi có đến dự lễ ra mắt hồi ký của cô Hai Kim Cương. Chị Lệ - Giám đốc Phanbook - đi qua, vỗ vai tôi nói: “Em ơi, sắp tới em rồi nghen”. Lúc đó, thực lòng tôi không tin mình có thể làm sách. Cách đây 3 năm, người tổ chức bản thảo cho Phanbook lại rù rì: “Anh ơi, làm nha anh!”. Tôi suy nghĩ rất nhiều, vài tháng sau thì đồng ý.
Đến giờ, tôi vẫn nghĩ nếu chỉ mình tôi thì không thể làm 1 cuốn sách. Nhưng ngoài cái tên Hữu Châu, sau lưng, trên đầu tôi là khoảng thời gian của ông bà, cha mẹ, cô chú, anh chị… Dày lắm! Sự nghiệp của gia tộc Thanh Minh - Thanh Nga trong đó có Hữu Châu đã gần trăm năm. Những dấu ấn của Sài Gòn xưa đã lưu dấu cùng những thăng trầm của gia tộc. Đến tuổi này, tôi thấy sự hiểu biết của mình đã rõ ràng hơn, sâu hơn để có thể kể lại mạch lạc nhiều điều. Đó là lý do chính để quyển sách này ra đời.
* Làm sao anh có thể kể lại một cuộc đời với rất nhiều biến cố bằng giọng điệu bình thản như thế?
- Với tôi, mọi chuyện đều đã qua. Khi đồng ý làm cuốn sách này, tôi muốn hướng đến điều tích cực. Những trang sách lúc vui, lúc buồn, lúc đau khổ, lúc thăng hoa, lúc hạnh phúc. Tôi muốn được nhìn lại thời gian ông bà, cha mẹ và chính thế hệ chúng ta ngày xưa đã sống để có những điều tích cực, để được tin yêu và hạnh phúc như bây giờ.
* Không có khó khăn gì sao, thưa anh?
- Cái khó nhất là phải kể như thế nào để không phạm điều tôi không muốn trong suốt cuộc đời mình. Tôi không muốn lợi dụng tình thương của khán giả với những gì đã xảy ra cho gia đình. Khán giả dành cho gia tộc Thanh Minh - Thanh Nga rất nhiều tình cảm. Tôi không có quyền lợi dụng tình thương đó. Do vậy, tôi phải kể làm sao để mọi người đều thấy: “Mọi việc xảy ra đều là những bài học”. Những gì còn đọng lại là điều tích cực. Hãy quên những điều không như ý trong quá khứ để sống, để vui, để cảm nhận và thương yêu nhau nhiều hơn. Đó là điều khi bắt tay làm sách, tôi và tác giả Thanh Thủy đã cân nhắc rất nhiều.
 |
NSƯT Hữu Châu ký tặng sách Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão - Ảnh: Ngọc Tuyết |
* Anh mong muốn điều gì nhất qua quyển sách này?
- Cuốn sách là sự tri ân của tôi gửi đến ông bà, cha mẹ và gia tộc. Mọi người hay hỏi “Sinh ra trong gia đình nổi tiếng có áp lực?”, tôi không cảm thấy áp lực mà biết ơn điều đó. Tôi quá may mắn khi được sinh ra trong một gia tộc nổi tiếng.
* Anh có từng nghĩ nếu “chiếc nôi vàng không giông bão…”?
- Thì tôi sẽ hư đốn. Ngày xưa, tôi từng hư đốn - tôi ăn nhậu, tôi phách lối… vì được cưng chiều. Tôi nghĩ nếu không có những biến cố, chắc mình sẽ hư đốn, sẽ không biết thương bản thân, không biết thương gia đình nhiều như bây giờ.
* Anh có đoán trước được tình cảm của những khán giả đã dõi theo mình và gia tộc?
- Tôi biết chứ. Bởi vì cô tôi - NSƯT Thanh Nga - đã mất 50 năm rồi mà người hâm mộ cô vẫn còn rất nhiều. Mỗi lần giỗ hay dịp đặc biệt, người hâm mộ đều có mặt. Hạnh phúc lắm chứ khi một nghệ sĩ đã mất mà fanpage vẫn hoạt động nhộn nhịp, vẫn luôn được yêu thích. Đó là tình cảm khán giả dành cho cả gia tộc Thanh Minh - Thanh Nga. Tôi luôn trân trọng và biết ơn tình thương yêu đã “dưỡng nuôi” Hữu Châu mãi tới bây giờ. Đây cũng là yếu tố giúp tôi mạnh mẽ thực hiện cuốn sách này. Nếu chỉ một mình, tôi sẽ không có dũng khí đó.
* 400 trang sách chắc chắn chưa kể hết những gì anh muốn nói. Anh có kế hoạch gì tiếp theo không?
- Tôi không dám nói trước điều gì. Nhưng, đến thời điểm này, nếu còn những gì chưa kể, xin phép công chúng cho tôi được giữ nó cho riêng mình.
* Xin cảm ơn anh.
Bút ký chân dung Hữu Châu - Chiếc nôi vàng giông bão (Nhà xuất bản Dân Trí, Phanbook phát hành) được tác giả Thanh Thủy chấp bút. Sách gồm 400 trang với 8 phần và 40 chương, vừa bao quát vừa chi tiết một thời kỳ vàng son của sân khấu Sài Gòn qua góc nhìn của NSƯT Hữu Châu. Qua quyển sách, độc giả có cái nhìn rõ ràng hơn về “2 con người” trong Hữu Châu: một hồn nhiên, tinh nghịch với tuổi thơ ấm êm và một trải đời sau những biến cố lớn trong gia đình. Tập sách cũng cho người đọc khám phá sâu hơn tình cảm Hữu Châu dành cho những người phụ nữ trong cuộc đời anh: bà nội - bà bầu Thơ, người phụ nữ anh kính trọng nhất; má Ba Thanh Nga - người phụ nữ tuyệt đẹp của gia đình và riêng anh; cô Hai Kim Cương - một người ơn; 2 người bạn gái tri kỷ: Hồng Đào và Hồng Vân. Anh dành 1 chương đặc biệt để nói về bà nội và “cốt cách của những người xưa” mang đến cho độc giả cái nhìn mới mẻ và sâu sắc về một thế hệ làm nghệ thuật tài hoa và tận hiến. NSƯT Hữu Châu sẽ giao lưu với độc giả tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) ngày 12/7, chia sẻ hành trình giữ và truyền ngọn lửa nghệ thuật đến thế hệ trẻ. |
Ninh Lộc (thực hiện)