Viola Davis: Ngôi sao phi thường

11/12/2018 - 17:19

PNO - Một trong những lý do giới phê bình xếp ‘Widows’ là bộ phim phải xem bởi có sự góp mặt của Viola Davis. Màn hóa thân xuất thần của Viola đang được dự đoán sẽ tiếp tục mang về cho cô đề cử Oscar vào năm 2019.

Người truyền cảm hứng

Ở Hollywood hiện nay, nếu hỏi ngôi sao nữ da màu nào đang truyền cảm hứng tích cực đến nhiều người, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới, không chỉ qua những bộ phim cô đóng mà còn từ chính cuộc sống, câu trả lời chắc chắn là: Viola Davis - ngôi sao nữ có ánh mắt kiên nghị và gương mặt đầy biểu cảm.

Nếu Davis vui, ánh nắng sẽ tỏa trong đôi mắt, nụ cười của cô. Nếu Davis buồn, những đớn đau, giọt nước mắt trên gương mặt cô sẽ khiến người ta chùng lòng, thậm chí khóc theo. Trong đôi mắt đó, luôn ẩn chứa lòng trắc ẩn, tình yêu thương, sự bao dung của một người mẹ, người vợ nhưng đồng thời cũng chứa đựng sự phản kháng và lòng kiêu hãnh.

Viola Davis: Ngoi sao phi thuong
“Mọi người khi trưởng thành đều xứng đáng có cơ hội về giấc mơ Mỹ”, Viola Davis.

Đó là lý do vì sao các đạo diễn độc lập tại Hollywood đều nghĩ ngay đến Viola Davis khi họ cần những vai diễn có chiều sâu, đòi hỏi bộc lộ sức nặng nội tâm. Từ The Help (2011) - một bộ phim về đề tài nô lệ, người da màu bị kỳ thị dù thế giới đã đổi thay, Fences (2016) - cuốn phim phác họa chân dung và tấm lòng của người phụ nữ da đen, âm thầm chịu đựng rất nhiều vấn đề của cuộc sống trong bối cảnh nhiều biến động của nước Mỹ vào thập niên 50, cho đến Widows (2018) - cuốn phim xoay quanh sự “nổi dậy” của 4 người phụ nữ yếu đuối, phụ thuộc vào chồng mà Davis là người dẫn đầu xốc lại tinh thần.

"Phía sau vẻ ngoài yếu đuối của một người phụ nữ là nguồn năng lực, là tình yêu mà có thể vì một lý do nào đấy, bị khuất lấp" - Davis nói về vai diễn trong Widows.

Stacey Snider - đồng Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng sản xuất DreamWorks  -bày tỏ: “Bạn không thể rời mắt mỗi khi cô ấy xuất hiện trên màn hình. Mọi người cần phải nhớ rằng thành công đến với Viola Davis không phải một sớm một chiều. Từng vai nhỏ nhiều năm qua đã giúp cô ghi điểm rất nhiều”.

Viola Davis: Ngoi sao phi thuong
Viola Davis (bên phải) cùng Octavia Spencer trong The Help.

Mỗi vai diễn Davis đóng đều đa chiều, mỗi bộ phim Davis tham gia đều vén lên bức màn về cuộc sống ở Mỹ, về giấc mơ Mỹ với người da màu, những bất công họ phải chịu đựng dù là ở những năm giữa thế kỷ XX hay đã bước sang thế kỷ XXI. Đó cũng là cách Davis bày tỏ quan điểm của cô trước những vấn đề về sắc tộc, màu da chưa bao giờ thôi nóng bỏng tại nước Mỹ.

Tháng 8 năm 2011, Viola Davis lần đầu được đóng vai chính, đó là nhân vật Aibileen Clark trong phim The Help, do đạo diễn Tate Taylor thực hiện. Để đóng phim này, Viola đã phải ăn thật nhiều gà rán để tăng 8kg. The Help đã cho thấy sức hút đặc biệt khi nó được công chiếu. Với kinh phí 25 triệu USD, phim đã thu về được hơn 205 triệu USD trên toàn thế giới.

Năm 2014, Viola Davis tham gia series ăn khách của đài ABC How To Get Away With Murder. Vào vai luật sư kiêm giáo sư luật tại trường Đại học - Annalise Keating - Viola thể hiện hình ảnh một phụ nữ da màu dữ dội, quyết đoán, thông minh, tài giỏi và xảo quyệt nhưng cũng nhạy cảm và yếu đuối.

Viola Davis: Ngoi sao phi thuong
Viola trong How To Get Away With Murder

Những câu nói của Annalise Keating trở thành những phát ngôn mạnh mẽ về nữ quyền, sự bình đẳng của một thế giới không phân biệt chủng tộc: “Đừng bao giờ cướp cơ hội của những học sinh khác. Kể cả khi các anh chị muốn thể hiện sự thông minh của mình trước mặt mọi người đi chăng nữa”, “Đó không phải chỉ là về sự thật và công bằng. Đó còn là việc ai sẽ kể câu chuyện thuyết phục nhất tại tòa án"...

Nhờ vai diễn này, Davis đã trở thành nữ diễn viên người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử nhận được giải Nữ diễn viên truyền hình xuất sắc nhất ở hạng mục phim chính kịch.

Trong bài phát biểu, cô chia sẻ: "Tôi nhìn thấy một đường ranh giới trong tâm trí mình. Bên kia đường ranh giới đó, tôi thấy cánh đồng xanh đầy hoa và những phụ nữ da trắng xinh đẹp đang chìa tay ra muốn kéo tôi sang đó. Nhưng dường như không có cách nào để tôi vượt qua nó cả. Điều duy nhất khác biệt giữa phụ nữ da màu với những phụ nữ khác là cơ hội. Bạn không thể thắng giải Emmy cho vai diễn mình không được nhận. Cám ơn Taraji P Henson, Kerry Washington, Meagan Goods và Halle Berry. Cảm ơn các bạn vì đã giúp chúng tôi vượt qua đường ranh giới đó".

Viola Davis: Ngoi sao phi thuong
Viola trong Widows

Sự đa dạng trong việc thể hiện tính cách nhân vật và nỗ lực với tư cách của một người da đen, Viola Davis làm việc không ngừng nghỉ. Từ khi bén duyên với nghệ thuật vào năm cuối phổ thông, Davis dường như không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào, để được sống và làm công việc mình ao ước từ nhỏ, từ sân khấu Broadway, truyền hình cho đến điện ảnh.

Giới phê bình ở Mỹ nói vui rằng, Oscar tự hào vì đã được khắc tên Viola Davis chứ không phải cô cần tự hào vì đã đạt được giải thưởng này.

Trailer phim Widows:

Ngôi sao không chối bỏ nguồn gốc bản thân

Sinh ra tại đảo Rhode, Mỹ, Viola Davis là con gái của một người giúp việc, cha là người chăm sóc ngựa đua. Cô lớn lên trong gia đình có 6 anh chị em ở khu ổ chuột, không có hệ thống ống nước, không có lò sưởi, thậm chí không điện và luôn bị người da trắng phân biệt đối xử. “Mọi người không bao giờ dùng chung một vòi nước mà chúng tôi đã dùng. Họ gọi chúng tôi bằng những từ ngữ khó nghe”, cô nói.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Viola Davis theo học ngành sân khấu ở Cao đẳng Rhode Island và tốt nghiệp vào năm 1988. Một năm sau đó, cô tiếp tục học ngành diễn xuất tại trường tư thục Juilliard. Ở cái tuổi xấp xỉ 30, khi nhiều phụ nữ da màu đã "an phận" với một cuôc sống bình yên bên gia đình, thì Viola vẫn miệt mài khổ luyện.

Năm 1995, hai năm sau khi tốt nghiệp trường Juilliard, Davis có được vai diễn đầu tiên trong vở kịch nổi tiếng Seven Guitars. Vai diễn giúp cô nhận đề cử Tony (một giải thưởng ở mảng nghệ thuật sân khấu Hoa Kỳ do cánh Sân khấu Hoa Kỳ và Liên hội Broadway trao tặng hàng năm tại New York) và chiến thắng giải thưởng Outer Critics Circle (cũng là một giải thưởng thường niên của sân khấu).

Những thành tích của Viola trong mảng kịch nghệ chưa dừng lại ở đó khi cô thắng giải Tony với vai diễn trong vở King Hedley II năm 2001. Năm 2010, thành tích này được lặp lại nhờ vai diễn Rose Maxson trong vở kịch Fences của August Wilson. Viola Davis là nữ diễn viên người Mỹ gốc Phi thứ hai chiến thắng giải thưởng này, sau Phylicia Rashad.

Viola Davis: Ngoi sao phi thuong
Viola Davis là minh chứng sẽ chẳng có gì bất khả thi nếu bạn thực sự có niềm tin và không ngừng nỗ lực.

“Tôi là một trong số 17 triệu đứa trẻ trong đất nước này không biết bữa ăn kế tiếp của mình đến từ đâu. Và tôi đã làm tất cả để kiếm ăn. Tôi đã ăn cắp, đã từng nhảy vào những thùng rác to lớn chứa đầy giòi bọ để tìm thứ gì đó nhét vào miệng. Tôi kết thân với những ai có mẹ có thể nấu ba bữa ăn chỉ để sống sót qua ngày. Tôi đã hi sinh cả tuổi thơ chỉ vì đói kém… và lớn lên trong nỗi xấu hổ tột cùng”, Viola nói trong bài phát biểu tại buổi gây quỹ Power of Women - một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức về nạn đói của Mỹ, vào năm 2014.

“Tôi đang khóc. Tôi không mong chờ rằng tôi sẽ đến đây để khóc. Tôi dự định đến để uống thật nhiều champagne nhưng giờ tôi lại khóc. Tôi không tham gia chiến dịch này để cứu thế giới. Tôi tham gia để cứu bản thân mình. Bạn biết đấy, người ta nói rằng không bao giờ là quá già để có một tuổi thơ hạnh phúc. Thời thơ ấu của tôi đã tràn đầy kỷ niệm hạnh phúc nhưng nó cũng ám ảnh tôi về nghèo đói”.

Viola Davis: Ngoi sao phi thuong
Thời niên thiếu ám ảnh về cái đói nhưng Viola Davis không bao giờ quên nguồn gốc của bản thân ngay cả khi đã trở thành ngôi sao hạng A tại Hollywood.

“Tôi biết nhiều người buồn vì những người Mỹ gốc Phi như tôi luôn phải đóng vai người giúp việc. Nếu những gì cộng đồng người Mỹ gốc Phi muốn, thì đó cũng là điều tôi muốn. Tôi nghĩ rằng chúng ta muốn được thấy những nhân vật khác trên màn bạc hơn là những người giúp việc.

Nhưng cho dù thế nào, bất chấp mọi lời chỉ trích, thì The Help vẫn là một câu chuyện hay. Trái tim tôi đã thắt lại khi đọc kịch bản phim. Những người phụ nữ trong câu truyện này giống như mẹ tôi, bà tôi… Những người phụ nữ được sinh ra và lớn lên ở miền Nam xa xôi, làm việc trên những cánh đồng bông và thuốc lá, chăm sóc con họ và con của mọi người, thu vén nhà cửa.

Tôi thấy vinh dự khi được xỏ đôi giày của họ, được kể những câu chuyện của họ. Những câu chuyện của họ rất có giá trị” - Viola Davis chia sẻ khi bị chỉ trích tham gia vào bộ phim được cho là làm tôn nên vai trò của phụ nữ da trắng.

Viola Davis: Ngoi sao phi thuong
Viola Davis: Ngoi sao phi thuong
Bài phát biểu của Viola Davis tại lễ trao giải Oscar 2017 khiến nhiều nam diễn viên da màu nổi tiếng phải bật khóc.

Viola Davis đã bước qua tất cả những lời chỉ trích đó để tiếp tục khẳng định bản thân và tỏa sáng. Bởi trải qua đói nghèo, qua những tháng ngày cùng cực, Davis hiểu rõ những giá trị cô đang theo đuổi. “Khi bạn ở trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, bạn sẽ chẳng sợ con đường phía trước chông gai. Giấc mơ của tôi lớn hơn nỗi sợ hãi nhiều” - Davis nói về quyết định trở thành diễn viên. Nhưng đó không phải là vì danh tiếng, mà vì “Khi diễn xuất, tôi được là chính mình”.

Trên sân khấu Oscar 2017, Davis giản dị và bày tỏ lòng biết ơn: “Tôi đã trở thành nghệ sĩ, cám ơn Chúa cho tôi làm nghệ sĩ, vì công việc duy nhất của chúng ta là ca tụng ý nghĩa của cuộc sống này”.

Lê Phan (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI