Ủy ban Thương mại châu Âu thông qua Hiệp định thương mại Việt Nam – EU

21/01/2020 - 18:23

PNO - Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA) vừa bỏ phiếu ủng hộ hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA).

Chiều 21/1 (giờ Việt Nam), INTA đã họp tại Bruxelles, Bỉ để bỏ phiếu khuyến nghị phê chuẩn hiệp định thương mại tự do giữa châu Âu với Việt Nam (EVFTA). Kết quả, EVFTA được thông qua với tỷ lệ 29 thuận, 6 chống và 5 phiếu trắng.

Ủy ban cũng đồng ý thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư với Việt Nam (EVIPA), với tỉ lệ phiếu 26 thuận, 7 chống và 6 phiếu trắng. Giờ đây, hai thỏa thuận sẽ được đem ra cho toàn thể nghị viện châu Âu bỏ phiếu, dự kiến vào khoảng giữa tháng 2/2020.

Việc Ủy ban thương mại quốc tế EU ủng hộ hai hiệp định cho thấy châu Âu đang rất mong muốn mở rộng thương mại với Việt Nam, và rộng hơn là khu vực Đông Nam Á.

Đại diện EU và Việt Nam ký kết Hiệp định EVFTA tại Hà Nội vào ngày 30/6/2019. Tuy nhiên Hiệp định vẫn cần Nghị viện châu Âu thông qua mới có hiệu lực.
Đại diện EU và Việt Nam ký kết Hiệp định EVFTA tại Hà Nội vào ngày 30/6/2019. Tuy nhiên Hiệp định vẫn cần Nghị viện châu Âu thông qua mới có hiệu lực.

Ông Geert Bourgeois, một thành viên của Nghị viện châu Âu đăng tin trên Twitter kèm hashtag #goednieuws (nghĩa là “tin tốt” trong tiếng Hà Lan): "Hiệp định thương mại và đầu tư giữa EU - Việt Nam đã được thông qua bởi Ủy ban thương mại quốc tế. Đây là tín hiệu tích cực trong thời kỳ bảo hộ và gia tăng căng thẳng thương mại. Thương mại tự do, công bằng sẽ tạo ra sự thịnh vượng, cơ hội việc làm trong và ngoài EU".

Đồng thời, ông Geert nhận định: “Bên cạnh tầm quan trọng kinh tế và địa chính trị, tôi tin rằng thỏa thuận sẽ đẩy nhanh tiến trình cải cách bên trong Việt Nam. Việc thông qua sẽ thúc đẩy thêm tiến bộ về tiêu chuẩn lao động, môi trường kinh doanh và tôn trọng nhân quyền”.

Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng hoá từ EU ngay khi EVFTA có hiệu lực. Phần còn lại sẽ giảm dần về 0%, và xóa bỏ trong giai đoạn 10 năm. Ngoài ra, EU sẽ giảm hơn 70% thuế quan đối với hàng hoá Việt Nam ngay sau khi hiệp định có hiệu lực và hướng đến xóa bỏ trong 7 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, để Nghị viện châu Âu có thể dễ dàng thông qua EVFTA, Việt Nam phải tham gia thêm 3 công ước của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) liên quan đến quyền của người lao động.

Linh La (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI