Tưởng cổ vật, hóa ra chỉ là... vật cũ

22/10/2019 - 09:51

PNO - Tưởng tờ giấy photocopy là tờ sắc phong vua ban từ cách đây hàng trăm năm, những người giữ đình đã bảo vệ và nâng niu cất giữ hàng chục năm.

Trong những ngày qua (từ 16/10 - 21/10/2019), khi đi thực tế tại một số địa phương tìm hiểu công tác quản lý di tích, đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân TP.HCM đã gặp phải vô số bất ngờ. 

Tưởng tờ sắc phong, nào ngờ chỉ là tờ giấy photocopy

Tại đình Tân Phước, đường Âu Cơ, phường 9, quận 11, TP.HCM, ngày 17/10, một cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin quận 11 hào hứng giới thiệu với đoàn giám sát: “Đình Tân Phước có tuổi đời hàng trăm năm, hiện đang lưu giữ sắc phong công nhận thành hoàng làng của vua Tự Đức vào năm 1852”. Sắc phong này được những người quản lý đình cất giữ cẩn thận trong một chiếc hộp gỗ dài.

Tuong co vat, hoa ra chi la... vat cu
Tờ giấy photocopy nhưng được cất giữ như một tờ sắc phong ở đình Tân Phước, quận 11, TP.HCM

Ông Trần Văn Trung - Hội trưởng Ban trị sự đình Tân Phước - quyết định đem tờ sắc phong này cho những đại biểu hội đồng nhân dân xem.

Ông cẩn thận mở chiếc hộp, lấy ra tờ giấy thật dài. Tất cả đều nín lặng vì đoán đây hẳn là một vật rất quý báu, vì theo ông Trung, ông đã phát hiện và lưu giữ tờ sắc phong này vào năm 1995, khi tu sửa đình Tân Phước.

Tuy vậy, khi ông trải tờ giấy ra, chuyên viên của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đều xác nhận đây chỉ là 2 tờ giấy photocopy khổ A4, hoàn toàn không phải là tờ sắc phong bản gốc.

Tuy nhiên, những chuyên viên này cũng không đọc được chữ Hán có trong tờ giấy cũng như không thể xác định được đây là loại văn bản gì. Dù phát hiện ra sự thật đáng thất vọng nhưng những người giữ đình Tân Phước vẫn rất cẩn thận và nâng niu cuốn lại tờ giấy cũ, cất lại vào hộp gỗ đen. 

Tuong co vat, hoa ra chi la... vat cu
Dù biết đây không phải là tờ sắc phong nhưng người dân vẫn rất nâng niu tờ giấy cũ có thể chứa đựng thông tin về lịch sử đình Tân Phước

Điều đáng nói là sự thật về tờ sắc phong chỉ được phát hiện khi đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM đi thực tế và cũng là lúc đình Tân Phước đang làm hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử.

Nếu không có việc giám sát và cũng như không có quy định xin chứng nhận di tích lịch sử, lẽ nào những đình chùa miếu mạo cứ mặc nhiên rơi vào quên lãng, hoặc được khoác chiếc áo lịch sử không có thật từ tình cảm của người dân? 

Thật giả cổ vật chùa Giác Viên

Ông Trần  Phi Long - Quyền chủ tịch UBND quận 11 - báo cáo với đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân TP.HCM chiều 21/10: “Khi kiểm đếm cổ vật, hiện vật tại chùa Giác Viên, dựa trên sổ sách, chúng tôi thấy số lượng đầy đủ. Nhưng dư luận đồn đại những cổ vật trong chùa bây giờ là giả, còn cổ vật thật đã bị đánh tráo. Nói thật, chúng tôi không có chuyên môn nên không thể phân biệt được đâu là cổ vật thật, đâu là cổ vật giả”.

Tuong co vat, hoa ra chi la... vat cu
Ông Trần Phi Long - Quyền chủ tịch UBND quận 11 - cho biết quận không thể nào phân biệt được cổ vật thật hay giả ở chùa Giác Viên

Cách đây 2 năm, dưới thời trụ trì cũ, tình trạng ở chùa Giác Viên được gọi là bát nháo. Chính ông Trần Phi Long cho biết: “Viên trụ trì này chơi cờ bạc, trai gái, ăn thịt chó, làm mất tôn nghiêm trong chùa. Chùa lại quản lý theo kiểu cha truyền cho nối. Kể từ khi có hòa thượng từ chùa Giác Lâm về trụ trì, chùa Giác Viên mới đi vào nề nếp, trật tự”.

Tuy vậy, lúc này, dư luận đồn rằng, số cổ vật trong chùa Giác Viên - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia - có thể đã bị đánh tráo. 

Tuong co vat, hoa ra chi la... vat cu
Chùa Giác Viên - một trong những ngôi chùa lâu đời tại TP.HCM, được xây dựng từ năm 1850

Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Đạt - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM - cho rằng: “Khi kiểm định, kiểm kê các di tích lịch sử - văn hóa hay kiến trúc, các quận huyện nên phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM. Việc giữ gìn cổ vật trong các di tích là vô cùng quan trọng vì đó như là linh hồn của di tích. Nếu bị lấy cắp đi rồi, có truy tìm cũng không còn nguyên vẹn di tích được nữa”.

Tính đến hết tháng 9/2019, TP.HCM có 172 di tích đã được xếp hạng, trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử), 56 di tích quốc gia (2 di tích khảo cổ học, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử), 114 di tích cấp thành phố (66 di tích kiến trúc nghệ thuật, 48 di tích lịch sử) và 100 công trình, địa điểm thuộc Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh TP.HCM giai đoạn 2016-2020.

Về công năng, mục đích sử dụng di tích, trong tổng số 172 di tích đã xếp hạng, có 72 di tích là cơ sở tín ngưỡng (chiếm 42%), 35 di tích là cơ sở tôn giáo - Phật giáo (chiếm 20,3%), 41 di tích là trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội (chiếm 23,8%), 24 di tích là công trình, địa điểm thuộc quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất của tư nhân (chiếm 13,9%).

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI