Tuổi già, sao cho vui?: Ta lui về bên lề vui

25/02/2023 - 05:56

PNO - Từ khi nghỉ hưu đến nay, đã gần 15 năm trôi qua, chưa bao giờ nhà thơ Võ Quê… rảnh. Ngoài ca Huế, làm thơ, viết báo, niềm vui tuổi già của ông bây giờ còn là chơi với cháu và chăm sóc vườn nhà.

Từng công tác tại Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, năm 2008, nhà thơ Võ Quê nghỉ hưu. Từ đó đến nay, đã gần 15 năm trôi qua, ông chưa bao giờ… rảnh. Ông viết báo, bút ký, làm thơ, soạn lời ca Huế, viết lời dẫn cho các tác phẩm của bạn văn tại Huế. 

Đặc biệt, với tình yêu dành cho ca Huế, từ khi nghỉ hưu, ông càng có thêm thời gian để “gạn đục khơi trong”, góp phần giúp dòng chảy của loại hình ca cổ này thêm xuyên suốt, mượt mà.

“Ông MC” Võ Quê tại thính phòng ca Huế
“Ông MC” Võ Quê tại thính phòng ca Huế

Sau giải phóng, Võ Quê đã vận động, đề xuất đưa ca Huế xuống sông Hương, đồng thời mời nghệ sĩ từ các tỉnh, thành khác đến Huế cùng giao lưu, biểu diễn. Ông chia sẻ: “Lúc đó, quan họ, chèo ở miền Bắc cũng mờ nhạt. Mấy anh em phụ trách Hội Văn nghệ Bắc Ninh, Thái Bình, Bình Trị Thiên chúng tôi liền nghĩ ra một chương trình giao lưu để góp phần khuấy động phong trào. Anh em Huế mời các nhóm quan họ, chèo ngoài đó vào đây biểu diễn và đưa Câu lạc bộ Ca Huế đi diễn ở Thái Bình, Hà Nội, Quảng Ninh. Ở phía Nam, đoàn cũng đến giao lưu biểu diễn tại Đà Nẵng, Quảng Nam, TPHCM rất nhiều lần”. 

Thời kỳ mới gầy dựng, bên cạnh không gian diễn xướng tại 47 Trần Hưng Đạo có bán vé tối thứ Tư, thứ Bảy hằng tuần; chúng tôi còn hợp nhau lại thuê đò biểu diễn trên sông Hương. Trước giải phóng, các nghệ nhân, nghệ sĩ đã từng đưa ca Huế xuống đò để đàn ca cho những người yêu thích ca Huế thưởng thức. Ca Huế lúc đó được mến mộ và lan tỏa trong không gian bồng bềnh rất đặc biệt. Giờ mình học hỏi, cũng làm tương tự để ca Huế hay hơn, tốt hơn”.

Sau này, nhóm Ca Huế của Hội Văn nghệ do Võ Quê dẫn đầu đã qua Mỹ tham dự Liên hoan Dân ca quốc tế ở Lowell, cùng nhiều chuyến xuất ngoại khác đi Pháp, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc…

Chỉ từ 1, 2 đội ca Huế biểu diễn trên những chiếc đò chở cát sạn buổi ban đầu, ca Huế trên sông Hương dần phát triển mạnh mẽ, trở thành “đặc sản” khiến du khách nào khi đến cố đô cũng đều muốn thưởng thức.

5 năm sau khi về hưu, ông Võ Quê nhận ra ca Huế trên sông Hương dần nhạt nhòa do bị thương mại hóa, ông và những người yêu ca Huế lại lần nữa đưa ca Huế lên bờ.

Tối thứ Ba hằng tuần, tại Bảo tàng Văn hóa Huế (25 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh), những nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế nổi tiếng như: Minh Mẫn, Thanh Hương, Thanh Tâm, Diệu Liên, Kim Vàng, Quỳnh Hoa, Lệ Hoa, Đỗ Hùng, Hồng Lê, Quỳnh Nga, Đình Hưng… luôn sẵn sàng các làn điệu, bài bản lớn: Cổ bản, Phẩm tuyết, Tứ đại cảnh, Nam ai, Nam Bình, Phú lục, Long ngâm… để phục vụ miễn phí du khách và người dân Huế.

Ở tuổi 75, nhà thơ Võ Quê không chỉ tham gia chỉnh sửa, soạn lời cho các bài ca, điệu lý hay thiết kế, dàn dựng các tiết mục, chương trình, mà còn làm “ông MC” dẫn chương trình rất linh hoạt, duyên dáng.

Gần đây, với dự án đưa ca Huế vào trường học do Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp cùng Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức, ông nhiệt tình hưởng ứng, luôn nhận lời giao lưu, tập huấn, trò chuyện cùng học sinh để lan tỏa đến thế hệ mai sau tình yêu văn chương, nhạc cổ.

Tôi hỏi ông, động lực nào để làm người dẫn đường, truyền lửa miệt mài, tỉnh táo và không màng lợi danh. Ông đáp: “Nguồn năng lượng không nằm ở mình. Hấp lực ở tha nhân. Chính những người trẻ năng động, những người bạn diễn tài hoa là động lực kéo tôi lên khỏi chiếc ao tù đọng của tuổi già. Tôi luôn quan niệm, sống ở đời, bất cứ điều gì khi ta chơi tốt thì thành việc, khi việc tốt liền trở thành chơi. Ca Huế với tôi là công việc, là tâm huyết trọn đời, nhưng đó cũng là một cuộc chơi vi vu, chân chính, bất chấp tuổi tác”.

Ngoài ca Huế, làm thơ, viết báo, niềm vui tuổi già của ông bây giờ còn là chơi với cháu và chăm sóc vườn nhà.

Nhà thơ Võ Quê luôn ung dung, vui sống
Nhà thơ Võ Quê luôn ung dung, vui sống

Ông nói người già không nên giữ cháu mà chỉ nên chơi với cháu. Khi không đủ sức khỏe, khác tư duy giáo dục mà xung phong giữ cháu, dạy cháu là sinh chuyện ngay. 

Trong 2 ngày cuối tuần, ông luôn dành thời gian để chơi cùng cháu nội An Khang. Ông chia sẻ: “Giữ và dạy trẻ là nhiệm vụ của ba mẹ nó, mình chỉ chơi thôi. Bày trò gì vui mà chơi. Khi không mang tâm thế áp đặt, dạy dỗ, cháu sẽ thân thiện, quý mến ông. Những khi ú òa, bịt mắt bắt dê, chơi xếp hình, xếp chữ, tôi gắng luyện cho cháu không nói đớt, nói ngọng, sai chính tả. Được chừng ấy thôi cũng mãn nguyện lắm rồi. Người già không đủ sức thực hiện những cái chính thì lui về hỗ trợ mấy điều nho nhỏ bên lề. Ta lui về bên lề vui”.

Cách trò chuyện tếu táo, bình dị nhưng đầy ý nghĩa, thâm trầm của ông đánh thức trong tôi một tinh thần an nhiên, vui sống. “Cuộc đời thành một trò chơi/ Khổ đau hạnh phúc là trời cho ta”. Nhà thơ Võ Quê đã từng gieo vần và đến nay ông vẫn đang sống trên tinh thần tự trào an nhiên, đầy ắp nghĩa tình như vậy. 

Nhà thơ Võ Quê - sinh năm 1948, ở làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác thơ năm 16 tuổi và có tác phẩm đầu tiên được xuất bản vào năm 1969. Ông được biết đến với biệt tài làm thơ lái rất tự nhiên và độc đáo. Đến nay, ông đã xuất bản trên 20 tập thơ, lời ca Huế, văn, truyện ngắn và bút ký.

Về sự nghiệp viết, ông tâm niệm: “Cuộc sống và tác phẩm văn học là một. Nhà văn sống đẹp, sống tốt với đời, với người để mỗi trang văn, mỗi tứ thơ luôn lấp lánh hạnh phúc, ngợi ca sự hướng thiện”.

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI