Trong mưa bom, hoa tình yêu vẫn nở - Bài 3: Lời thề son sắt

21/04/2025 - 16:01

PNO - Giữa khói lửa ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tình yêu đến với anh bộ đội Đồng Minh Quang và cô giao liên Phạm Thị Mỹ tại chiến trường Tây Nam Bộ tự nhiên như hơi thở…

Tình yêu của họ chớm nở trong gian khó, vun đắp bằng sự sẻ chia và niềm tin, bền bỉ vượt bao thử thách để đơm hoa, kết trái.

Ông Quang thường bày bằng khen, huân chương và những kỷ vật để gợi lại kỷ niệm ngày xưa cho vợ,  khi tuổi già đã làm bà lúc nhớ, lúc quên - ẢNH: NHÃ CHÂN
Ông Quang thường bày bằng khen, huân chương và những kỷ vật để gợi lại kỷ niệm ngày xưa cho vợ, khi tuổi già đã làm bà lúc nhớ, lúc quên - Ảnh: Nhã Chân

“Nếu chẳng may anh không về, em gắng chiến đấu thay cả phần anh…”

Sau nửa thế kỷ Bắc Nam liền 1 dải, chúng tôi đến TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu để lắng nghe câu chuyện tình yêu vượt thời gian của vợ chồng ông Đồng Minh Quang (nay là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh khóm 1, phường 7, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) và bà Phạm Thị Mỹ, khi ông bà đã ở tuổi 82.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, anh thanh niên Đồng Minh Quang sớm dấn thân vào cuộc kháng chiến cứu nước khi vừa tròn 15 tuổi. Đến năm 1960, Mặt trận Giải phóng miền Nam ra đời, ông trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn 195 (sau này phát triển thành Trung đoàn 195 vào năm 1972). Chiến trường chính ông tham gia trải dài khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, anh bộ đội Minh Quang tình cờ gặp gỡ cô giao liên Phạm Thị Mỹ. “Ấn tượng đầu tiên hả? Bà ấy đẹp lắm! Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền hậu, lại cùng có truyền thống gia đình cách mạng nên khiến tôi “đổ” liền” - ông Quang bồi hồi nhớ lại.

Đưa ánh mắt trìu mến dõi theo người bạn đời, ông Quang chậm rãi kể về lời tỏ tình năm xưa. Khi ấy, trong hành trang của người chiến sĩ chẳng có gì quý giá ngoài đôi khăn thêu hình chim bồ câu. Vậy là ông trao bà 1 chiếc, gửi gắm tình cảm chân thành, hẹn ngày bà gật đầu sẽ báo cáo lên cấp trên.

“Em ở nhà yên tâm công tác và chăm sóc các con. Anh nhận nhiệm vụ đi xa, nếu chẳng may không trở về, em hãy cố gắng chiến đấu thay cả phần anh. Còn nếu anh may mắn sống sót, ngày đất nước sạch bóng quân thù, vợ chồng mình sẽ trùng phùng”

(trích thư ông Đồng Minh Quang để lại cho vợ trước khi lên đường sang Campuchia làm nhiệm vụ vào năm 1967)

Không lễ hỏi rình rang, không áo cưới đẹp, không người thân 2 họ, ông Quang và bà Mỹ nên duyên vợ chồng bằng một lễ tuyên bố giản dị vào cuối năm 1962, sau chưa đầy 1 năm quen nhau. “Cha mẹ tôi ở xa quá, không ai đến được. Thời điểm đó chiến tranh ác liệt, có được buổi lễ như vậy là quý lắm rồi. Vừa làm lễ xong, hôm sau mỗi người lại một phương, tiếp tục nhiệm vụ” - ông Quang trầm giọng.

Dù tuổi đã cao, ông Quang vẫn nhớ rõ mồn một từng mốc thời gian quan trọng của cuộc kháng chiến và những kỷ niệm với người vợ hiền. Năm 1964, sau 2 năm chung sống, vợ chồng ông có con đầu lòng. Tuy nhiên, vì công việc hiểm nguy, ông bà đành gửi con thơ cho nhà ngoại chăm sóc. Năm 1967, khi ông Quang đang chiến đấu ở Vĩnh Long, còn bà Mỹ hoạt động tại Cần Thơ, ông bất ngờ được điều động sang Campuchia. Đó là nhiệm vụ tuyệt mật, không được tiết lộ cho ai hay biết, kể cả vợ con.

Lo lắng cho người vợ vừa sinh con thứ hai, sợ bà bất an nếu chồng bặt vô âm tín, ông lén để lại cho vợ 1 bức thư. Ông nhớ lại từng con chữ: “Em ở nhà yên tâm công tác và chăm sóc các con. Anh nhận nhiệm vụ đi xa, nếu chẳng may không trở về, em hãy cố gắng chiến đấu thay cả phần anh. Còn nếu anh may mắn sống sót, ngày đất nước sạch bóng quân thù, vợ chồng mình sẽ trùng phùng”.

Bặt tin chồng, bà nuốt nỗi lo vào lòng, biến cách xa thành ý chí quật cường, vừa hoạt động cách mạng vừa tảo tần chăm sóc con nhỏ, tin tưởng vào ngày đoàn tụ. Gần 5 năm nơi chiến trường Campuchia, đến năm 1971, ông được điều về miền Tây Nam Bộ.

Tưởng chừng cánh cửa trùng phùng đã mở, nào ngờ, một lần làm nhiệm vụ, bà bị lộ, lọt vào tầm truy lùng gắt gao của địch. Bà buộc phải trở về quê chồng ở Bạc Liêu ẩn náu. Hay tin vợ đang trong vòng nguy hiểm, lòng ông như lửa đốt.

May mắn thay, không lâu sau, ông được phân công hành quân về U Minh. Trên đường đi ngang qua Bạc Liêu, vợ chồng ông đã có 1 đêm ngắn ngủi gặp mặt. “Gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Đêm ấy, vợ chồng tôi thức trắng, tâm sự từ chuyện nhà đến chuyện chiến trường. Bà ấy rơi nước mắt. Chúng tôi chỉ biết ôm nhau thật chặt, thề với lòng, hứa với nhau son sắt một lòng, vững tin rồi sẽ tới ngày mai tươi sáng” - giọng ông nghẹn lại.

Ảnh tư liệu qúy của gia đình ông Quang
Bức ảnh hiếm hoi của vợ chồng ông Quang, bà Mỹ ngày còn trẻ - Ảnh do nhân vật cung cấp

“Hòa bình rồi sao vợ chồng mình vẫn cách xa?”

Sau ngày đất nước thống nhất, ông đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong ngành giao thông vận tải tỉnh Minh Hải, rồi Bạc Liêu. Ở hậu phương, bà một mình gánh vác gia đình, tần tảo chăm lo cho 8 người con và ruộng vườn, san sẻ gánh nặng kinh tế với chồng. Tưởng chừng hòa bình sẽ mang lại những ngày tháng sum vầy cho đôi vợ chồng ấy, nào ngờ ông lại tiếp tục xa vợ khi được cử đi học tập ở miền Bắc suốt 3 năm (1985-1987).

Trong quãng thời gian đó, bà lại một mình cáng đáng mọi bề, nuôi dạy các con ăn học. Có lần bà tâm sự trong thư: “Thời chiến xa nhau không nói, hòa bình rồi sao vợ chồng mình vẫn cách xa?”. Biết vợ tủi thân khi chồng đi xa biền biệt, ông viết thư an ủi, đồng thời đặt niềm tin tuyệt đối vào người vợ hiền, tin bà sẽ vượt qua khó khăn, giữ tròn bổn phận làm vợ, làm mẹ.

“Tôi tham gia kháng chiến từ năm 1958, đến năm 2004 mới nghỉ hưu. Suốt một đoạn dài đó, công lao lớn nhất thuộc về bà nhà tôi. Thời chiến thì cùng nhau đồng cam cộng khổ, thời bình lại một tay bà làm lụng, nuôi đàn con khôn lớn. Chỉ tiếc là giờ đây, bà ấy không còn nhớ rõ nữa…” - ông Quang nghẹn ngào bày tỏ.

Gần như toàn bộ câu chuyện tình yêu của ông Quang và bà Mỹ được tái hiện qua lời kể của ông. Bởi lẽ, sau cơn bạo bệnh năm 2019, trí nhớ của bà đã không còn như trước, lúc nhớ, lúc quên. Vậy nhưng, có một điều bà vẫn luôn nhắc đi nhắc lại với niềm tự hào và nụ cười móm mém rạng ngời trên khuôn mặt mỗi khi có khách đến thăm: “Tôi được Nhà nước tặng giấy khen phụ nữ đảm đang. Tôi nuôi dạy tới 8 đứa con ăn học thành người, đàng hoàng tử tế mà!”.

Những năm tháng một mình nuôi con, chờ chồng có lẽ là phần ký ức khắc sâu nhất trong tâm trí người mẹ, người vợ ấy. Bà hào hứng kể: “Nào là dặm lúa, cày ruộng, nhổ cỏ… việc gì tôi cũng làm để ông ấy yên tâm đi học, rồi công tác. Hồi trẻ, ông nhà tôi đẹp trai lắm, ai gặp cũng khen…”.

Ông ngồi bên, nụ cười rạng rỡ, nắm chặt đôi bàn tay gầy gò, in hằn dấu vết thời gian của vợ, tiếp lời: “Tiếc là tấm bằng khen của bà ấy đã bị cơn bão năm 1997 cuốn mất. Tôi cũng mất nhiều kỷ vật quan trọng, cả bằng khen lẫn huân chương”.

Biết vợ không còn nhớ rõ chuyện xưa, ông Quang thường cẩn thận bày những tấm giấy khen, huân chương ra, chậm rãi kể từng kỷ niệm, mong khơi gợi chút ký ức đẹp đẽ, hào hùng trong tâm trí bà. Thế nhưng, chúng tôi hiểu, hạnh phúc lớn nhất với ông bà không phải là những tấm bằng khen, huân chương mà là được sống trong cảnh đất nước thanh bình, con cháu nên người.

63 năm là đồng chí, là chồng vợ, câu chuyện tình yêu vượt qua bom đạn chiến tranh, cách sống trọn nghĩa vẹn tình trong thời bình của ông bà chính là mạch nguồn yêu thương, tự hào, để con cháu nhìn vào đó mà sống cuộc đời ý nghĩa.

Trong những năm tháng kháng chiến, ông Quang đã vinh dự nhận nhiều huân chương cao quý, trong đó có 4 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Đến thời kỳ xây dựng đất nước, ông lại được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cùng nhiều bằng khen.

xin mời xem clip

Nhã Chân - An Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI