Trong cuộc sống lứa đôi, hy sinh thế nào thì... khôn?

18/08/2019 - 10:30

PNO - Chúng ta phải tìm được câu trả lời cho câu hỏi: sự hy sinh trong tình yêu hôn nhân là ý nghĩa hay vô nghĩa? Theo tôi, hy sinh là một trong những khả năng cơ bản cần có trong hôn nhân.

Không cần phải hy sinh hoàn toàn bản thân mình, cũng không nên lấn át người kia, chỉ cần mỗi người giảm đi một chút thôi. Ví dụ tối thứ Bảy một người thích xem phim, một người muốn nghe hòa nhạc, thì tuần này chúng ta xem phim, tuần sau chúng ta đi nghe hòa nhạc. 

Trên đời chẳng thể nào tồn tại cặp đôi nào mà mọi sở thích và suy nghĩ đều giống nhau. Vậy sao không nhường nhịn, hy sinh một phần lợi ích cá nhân để đổi lại, bạn sẽ có một người yêu thương mình, cũng hy sinh một phần cuộc sống riêng của người ấy cho bạn, sẽ cùng bạn vượt qua những khó khăn.

Trong cuoc song lua doi, hy sinh the nao thi... khon?
Hy sinh như thế nào để sự hy sinh ấy không vô nghĩa. Hình minh hoạ

Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể nói rằng sự hy sinh phần cá nhân là một trong những cơ sở để tạo dựng một mối quan hệ chia sẻ. Nhưng chia sẻ cuộc sống của mỗi người với người kia không có nghĩa là hủy bỏ hoàn toàn phần cá nhân, từ bỏ những đam mê và sở thích cá nhân của họ, mà những đam mê, sở thích đó luôn phải được trau dồi và tôn trọng hết mức có thể. Nếu một trong hai người thích làm những điều mà không đi ngược lại với quan điểm người kia, như đọc sách, tập yoga, khiêu vũ, thể thao, nấu ăn hoặc bất cứ điều gì họ đam mê, thì đó là những điều cần được tiếp tục nuôi dưỡng. 

Nếu từ bỏ hoàn toàn sở thích cá nhân thì đó lại là hy sinh ngu ngốc, không mang lại lợi ích gì cho người kia hoặc cho mối quan hệ, trái lại có thể làm hỏng tất cả bởi vì sẽ gây tổn hại một cách không cần thiết cho người hy sinh, nhường chỗ cho những cảm giác tiêu cực sớm muộn sẽ tràn vào cuộc sống của vợ chồng.

Nhiều người đàn ông cũng khẳng định rằng: “Tôi không muốn hy sinh, tôi muốn cân bằng. Mỗi cá nhân có giá trị như nhau. Tình yêu dựa trên sự cân bằng, hợp tác dẫn đến chung hưởng hạnh phúc, sao lại phải hy sinh?”. Ví dụ người chồng thích đi đá bóng vào chiều Chủ nhật hằng tuần, nhưng anh lại hy sinh ở nhà với vợ. Anh tự cho rằng vợ cần anh ở nhà mà không tìm hiểu xem thực sự vợ anh có muốn như vậy không. Dần dần, anh sẽ bứt rứt khó chịu vì nhu cầu thể thao của mình bị thiếu hụt dẫn đến những cử chỉ lời nói thiếu tế nhị với vợ. Rồi họ cãi nhau và dẫn đến nhiều hệ lụy khác. 

Hay một ví dụ khác, rất thường gặp ở phụ nữ thế hệ trước “đổi mới”, người vợ thường nhường hết miếng ngon cho chồng con mà không hiểu rằng, chồng con họ khi buộc phải ăn món được nhường đấy đâu thấy ngon lành gì. Ai có thể ăn ngon được khi biết vợ nhường hết cho mình. Hơn nữa, khi hy sinh người ta thường đòi hỏi được đáp lại một cách vô thức. Nếu một ngày người vợ kể trên có chuyện bực mình với chồng, chị đau khổ nghĩ bụng (hoặc khóc lóc kể lể): mình hết lòng với chồng con, vậy mà... 

Tóm lại, một mối quan hệ lành mạnh và hạnh phúc nói chung là kết quả của rất nhiều sự hy sinh cái "tôi" để làm những điều có lợi cho “chúng ta”.

Đặng Tố Nga (Torino, Ý)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI