"Trị" tội ngoại tình: cần sự thông minh

05/04/2022 - 11:30

PNO - Truy tìm chứng cứ chứng minh người bạn đời vi phạm chế độ một vợ, một chồng là hành trình không dễ. Kể cả khi đã nắm được chứng cứ thì việc ứng xử sao với chúng cho phù hợp mong muốn, mục đích của mình lại đòi hỏi sự thông minh, sáng suốt của người trong cuộc. Đó là lời khuyên của thạc sĩ - luật sư Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc chi nhánh TP.HCM - Công ty Luật TNHH Bizlink, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân H.Bình Chánh, TPHCM.

 

Thạc sĩ - luật sư Lê Thị Hồng Vân
Thạc sĩ - luật sư Lê Thị Hồng Vân

Phóng viên: Pháp luật quy định rõ việc xử phạt vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, nôm na là tội ngoại tình. Tuy nhiên, để thu thập chứng cứ chứng minh cho tội này dường như lại quá gian nan?

Thạc sĩ - luật sư Lê Thị Hồng Vân: Quả thật, việc xác định một người vi phạm chế độ hôn nhân không hề dễ dàng, cần phải có chứng cứ chứng minh họ có hành vi ngoại tình (clip, hình ảnh “quan hệ nam nữ” ngoài vợ/ngoài chồng, biên bản của công an về hành vi này) hoặc hành vi tổ chức chung sống như vợ chồng với người khác, có con với người khác.

Nói về hành vi ngoại tình thì nhiều vụ việc nổi lên gần đây với rất nhiều hình ảnh ghi lại cảnh thân thiết, nắm tay, choàng vai, hôn nhau ở nơi công cộng đến chốn khá riêng tư. Ở khía cạnh dư luận xã hội, có thể cho rằng họ có quan hệ không trong sáng; còn khía cạnh luật pháp, chưa thể xem đây là chứng cứ ngoại tình.

Có rất nhiều trường hợp, người vợ/chồng “bắt quả tang” chồng/vợ mình đang có hành vi ngoại tình với người khác - tôi tạm gọi là tình nhân - để trừng trị tình địch hơn là trừng trị chồng/vợ mình. Vậy nhưng nếu tình nhân không thừa nhận việc biết người kia là người đang có vợ/chồng thì nhiều khả năng tình nhân cũng thoát tội, trừ khi người này cũng đang có hôn nhân hợp pháp khác. 

Nói về hành vi đã có vợ/chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác thì việc chứng minh bạn đời của mình đang chung sống như vợ chồng với người khác đòi hỏi phải thu thập chứng cứ cả một quá trình lâu dài chung sống, tức họ có tổ chức cuộc sống chung như sinh hoạt, ăn, ngủ, thuê nhà hay mua nhà chung sống công khai coi nhau như vợ chồng… như một gia đình thứ hai. Việc này đòi hỏi sự chịu đựng và kiên nhẫn của người trong cuộc để có thể thu thập đủ chứng cứ.

* Thưa bà, gần như bế tắc trong truy tìm chứng cứ cũng là nỗi đau của không ít người nhưng luật đã quy định thì dù khó, hẳn cũng có nhiều “con đường”?

- Thời gian qua, nổi lên nhiều câu chuyện đi bắt ghen, đánh ghen ngay tại khách sạn, phòng trọ. Tôi không cho đây là hành động đúng, dù tôi rất chia sẻ với cảm xúc của những người vợ/chồng; đặc biệt người đi đánh ghen vốn đang là nạn nhân dễ dàng trở thành “tội đồ”, đối mặt tội làm nhục người khác hoặc cố ý gây thương tích…

Choàng vai, nắm tay, ôm hôn... chưa được xem là chứng cứ ngoại tình (Ảnh minh họa)
Choàng vai, nắm tay, ôm hôn... chưa được xem là chứng cứ ngoại tình (Ảnh minh họa)

Do nhu cầu xã hội, rất nhiều người đã tìm đến dịch vụ thám tử tư (dù pháp luật Việt Nam hiện chưa có hướng dẫn chính thức để dịch vụ này hoạt động hợp pháp trên thực tế) để nhờ thu thập chứng cứ ngoại tình. Tuy vậy, câu chuyện lợi bất cập hại khi sử dụng dịch vụ thám tử tư vẫn thường xuyên xảy ra, ví dụ như bị chính thám tử tư tạo chứng cứ giả để lấy tiền hoặc tống tiền đối tượng bị thu thập…

Về nguyên tắc, việc ghi âm, ghi hình người khác phải được phép của người đó. Thu thập chứng cứ trong vụ việc ngoại tình cần có sự khéo léo, nhạy bén và tinh tế của người trong cuộc. Nếu không sử dụng chứng cứ một cách khôn ngoan và thận trọng sẽ phản tác dụng, còn có thể vi phạm pháp luật (như: xâm phạm uy tín, danh dự người khác hoặc phát tán tài liệu, hình ảnh thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình…). Ngược lại, chứng cứ từ việc ghi âm, ghi hình để phục vụ cho một vụ việc hợp pháp nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình sẽ được xem xét đúng quy định pháp luật.

Khi xem xét chứng cứ có hợp pháp, thuyết phục hay không, ngành tòa án hoặc các cơ quan điều tra sẽ thẩm định về nguồn gốc (ai thu thập, ở đâu, thu thập thế nào, là sự thật hay bị cắt ghép…) để công nhận hoặc không công nhận. 

* Hôn nhân thì mỗi nhà mỗi cảnh. Người thì muốn có chứng cứ để dễ dàng ly hôn hoặc lợi thế hơn trong phân chia tài sản, giành quyền nuôi con nhưng cũng có người chỉ muốn hả hê và… ngộ hơn, là để chồng quay về với mình. Quan điểm của bà thế nào trong cảnh sắc này?

- Tôi đồng ý với sự đa sắc mong muốn này trong bức tranh hôn nhân chung. Khi xét xử một vụ án hôn nhân, ngoài việc xét nguyên nhân mâu thuẫn gia đình, khi giải quyết chia tài sản, tòa án còn xét đến yếu tố “lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ chồng” (điều 59, Luật Hôn nhân và gia đình 2014). 

Hôn nhân hạnh phúc hay không có nhiều lý do nhưng ngoại tình là hành vi sai trái, không tôn trọng bạn đời, gia đình lẫn xem thường pháp luật. Việc xét xử theo hướng bất lợi cho họ là sự cần thiết, thậm chí cần sự quyết liệt, nghiêm minh hơn từ hội đồng xét xử để đảm bảo quyền lợi cho người còn lại cũng như mang tính răn đe, ngăn ngừa chung cho xã hội, bảo vệ tính uy nghiêm của pháp luật, bảo vệ nền tảng, tế bào của xã hội văn minh - bình đẳng. Do đó, thu thập chứng cứ phục vụ cho mong muốn trong trường hợp này là hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên trong thực tế, không ít người dù không muốn ly hôn vẫn có nhu cầu nắm chắc chứng cứ và rất khổ sở để truy tìm chứng cứ. Như vụ việc đang được một tòa án cấp huyện thụ lý, người chồng muốn ly hôn để được sống với người tình, người vợ không đồng ý. Quá trình chờ tòa xét xử, người vợ liên tục đi “bắt quả tang” và mời cả công an đến làm chứng. Trong trường hợp này, người vợ chỉ muốn “quậy” cuộc tình của chồng, làm cho cô gái kia bẽ mặt mà rời bỏ người yêu. Từ đó, người vợ hy vọng chồng sẽ quay về với mình, rút đơn ly hôn mà không hiểu rằng các chứng cứ đó chỉ càng làm rõ thêm mối quan hệ hôn nhân của họ đã không còn khả năng hàn gắn.

Lại cũng có nhiều người đi thu thập chứng cứ bạn đời ngoại tình để níu kéo chồng/vợ từ bỏ người tình mà trở về gia đình, yêu thương mình hơn. Đơn cử, người chồng phát hiện vợ ngoại tình, muốn có chứng cứ để người vợ biết lỗi, hối cải mà nhất mực chung thủy sau khi được chồng tha thứ. Tôi cho rằng việc thu thập chứng cứ trong những trường hợp này là không cần thiết, phản tác dụng, “sai cách”.
 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Việc thu thập chứng cứ ngoại tình có thể phản tác dụng (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

* Vậy, lời khuyên của bà là gì?

- Phải biết rõ mình muốn gì. Chỉ khi biết rõ mình muốn gì thì mới lên “đối sách” cho thỏa đáng. Trong hôn nhân, mỗi người nên có sự hiểu biết, thông minh, sáng suốt, khéo léo để biết mình cần gì và phải ứng xử ra sao để đạt mục đích lẫn bảo vệ được bản thân. 

Nếu xác định để có lợi thế hơn trong tranh chấp hôn nhân thì khi phát hiện vợ/chồng ngoại tình, người chồng/vợ cần bình tĩnh để có thời gian thu thập đủ chứng cứ. Cần nói thêm rằng, nhiều người rất thông minh, chỉ cần một cuộc đối thoại trực tiếp với bạn đời cũng có thể có đủ chứng cứ dựa trên thú nhận ngoại tình của đối phương.

Còn muốn giữ gia đình, muốn có lại tình yêu, tại sao mình không chăm sóc cho các giá trị của mình trước tiên? Nhiều người đặt hết niềm tin, hạnh phúc của bản thân vào bạn đời khiến khi mất họ hoặc không còn được yêu là thấy chán chường, đau đớn, sau đó làm nhiều việc rất điên rồ như đày đọa bản thân, hành hạ đối phương…

Hạnh phúc nên do chính mình tạo nên, với tất cả những giá trị mình có và gìn giữ, tôn trọng chúng; không phụ thuộc vào người còn lại. Để làm được điều này, mỗi người phải tự chủ, biết quản lý tài sản, đầu tư kiến thức cho bản thân, học cách độc lập… để ngay cả khi hôn nhân tan vỡ cũng có thể sống tốt, vui vẻ với cuộc đời của mình. Khi đã đủ mạnh mẽ và nội lực tràn đầy, các “khổ chủ” hãy quyết định nên “tha thứ” hay chia tay trong lịch sự và đầy kiêu hãnh.

* Cảm ơn bà đã chia sẻ. 

Tuyết Dân (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI