Hàn Quốc:

Tranh luận về tính hợp pháp của việc gửi trẻ đến nhà trẻ với các thiết bị ghi âm

15/06/2023 - 16:55

PNO - Nhiều bà mẹ cho rằng các CCTV được lắp đặt tại các trung tâm chăm sóc trẻ em thường không có âm thanh, nên sẽ khó phát hiện các hành vi lạm dụng trẻ em.

Tháng trước, một bà mẹ Hàn Quốc đã chia sẻ câu chuyện của mình trên Mómholic, một diễn đàn trực tuyến phổ biến của các bà mẹ và những người sắp làm mẹ, thu hút cả sự ủng hộ và chỉ trích.

Cuộc tranh luận nóng lên về việc gửi trẻ em đến nhà trẻ với các thiết bị ghi âm giọng nói giấu kín có phù hợp hay hợp lý, sau khi một số bà mẹ chia sẻ kinh nghiệm của họ về việc này trên cộng đồng trực tuyến. Họ nói rằng các thiết bị ghi âm được sử dụng như bằng chứng xác thực nếu có trường hợp lạm dụng trẻ em xảy ra tại các trung tâm chăm sóc trẻ. Nhưng một số ý kiến phản đối cho rằng việc này đã đi quá xa khi đạo đức nghề giáo sẽ bị xúc phạm nếu các giáo viên phát hiện ra những thiết bị như vậy đang được sử dụng để theo dõi họ. 

Một giáo viên và một cậu bé chơi tại một trung tâm chăm sóc ban ngày ở quận Songpa của Seoul vào Chủ nhật. Korea Times ảnh của Wang Tae-seok
Một giáo viên đang chơi cùng trẻ  tại một trung tâm chăm sóc ban ngày ở quận Songpa của Seoul vào Chủ nhật -  Ảnh: Wang Tae-seok/Korea Times

Người đăng bài cho biết cô đã gửi đứa con 22 tháng tuổi đến nhà trẻ với một thiết bị ghi âm nhỏ trong cặp. Cô từng rất ngạc nhiên khi nghe con quát "Ăn nhanh" trong lúc chơi với búp bê. Không chỉ có vậy, bé khóc mỗi sáng, không chịu đi đến nhà trẻ. Sau đó, người mẹ đã nộp đơn trình lên cảnh sát cáo buộc một trong những nhân viên chăm trẻ ngược đãi với con mình sau khi kiểm tra đoạn ghi âm và nghe thấy giọng nói: "Tôi hoặc em, một trong hai phải đi khỏi đây”, rồi bỏ mặc bé và dùng bé để răn đe những đứa trẻ khác không bắt chước bé.

Khi từ khóa "máy ghi âm nhà trẻ" được tìm kiếm trên cổng thông tin trực tuyến Naver, một số thiết bị ghi âm nhỏ được rao bán với nhiều mẫu mã khác nhau, từ vòng cổ cho đến móc chìa khóa và các loại huy hiệu. Một số sản phẩm có các cụm từ quảng cáo như “Hãy giữ an toàn cho con em của chúng ta”.

Nhiều phụ huynh cùng đồng tình với cách làm này, vì họ cho rằng các CCTV được lắp đặt tại các trung tâm chăm sóc trẻ em thường không có âm thanh, nên sẽ khó phát hiện các hành vi lạm dụng trẻ em.

Vào năm 2019, một tòa án quận ở Daegu đã công nhận giọng nói của một người trông trẻ được cha mẹ ghi lại làm bằng chứng trong vụ ngược đãi trẻ em đối với một em bé 10 tháng tuổi và phạt người trông trẻ này. Phán quyết được giữ nguyên bởi Tòa án Tối cao. Trường hợp này chứng minh rằng an toàn của đứa trẻ được ưu tiên hơn hành vi ghi hình bất hợp pháp trong trường hợp lạm dụng trẻ em.

Trên thực tế, các chuyên gia pháp lý cho biết việc gửi trẻ em đến các trung tâm chăm sóc với các thiết bị ghi âm giấu kín này có thể được xem như phạm pháp luật, việc ghi âm các cuộc trò chuyện mà không có sự đồng thuận của các bên có thể bị phạt tù tới 10 năm. Các giáo viên mầm non luôn phải chịu nhiều khó khăn bắt nguồn từ sự ngờ vực của cha mẹ.

"Chúng tôi được trả lương thấp và phải chịu nhiều căng thẳng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc vì tình yêu khi được chăm sóc cho đứa trẻ", một nhân viên của một trung tâm chăm sóc trẻ em ở quận Dongjak, Seoul chia sẻ. "Nếu tôi phát hiện ra máy ghi âm trong túi hoặc quần áo của bọn trẻ, điều đó có thể ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần của tôi" - cô nói tiếp.

Một số ý kiến trên bài đăng cũng đồng cảm với những khó khăn của các nhân viên chăm trẻ đang phải trải qua “Tôi nghĩ làm nhân viên chăm sóc là một công việc cực kỳ khó khăn. Tôi thậm chí chưa bao giờ nghĩ đến việc gửi con mình đến nhà trẻ với một thiết bị ghi âm được giấu kín như vậy. Những người làm như vậy thật sự đã đi quá xa", một bạn đọc bình luận.

Tuấn Huy (theo Koreatimes)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI