TPHCM: Tạm dừng bán vé số, dịch vụ ăn uống và xe ôm công nghệ kể từ 0g ngày 9/7

08/07/2021 - 15:27

PNO - UBND TPHCM ra văn bản yêu cầu tạm dừng đại lý vé số và vé số dạo, dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày kể từ 0g ngày 9/7.

 

Từu 0g ngày 9/7, tạm dừng bán vé số, dịch vụ ăn uống và xe ôm công nghệ
Từ 0g ngày 9/7, tạm dừng bán vé số, dịch vụ ăn uống và xe ôm công nghệ

Theo đó, ngày 8/7 UBND TPHCM có văn bản hướng dẫn về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 cho cơ quan chức năng và người dân thực hiện. 

Tạm dừng bán vé số, dịch vụ ăn uống mang về, xe ôm công nghệ

UBND TP yêu cầu tạm dừng hoạt động bán vé số bao gồm đại lý vé số và bán vé số dạo, tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày kể từ 0g ngày 9/7. Thành phố tiếp tục tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.

Đối với chợ đầu mối, chợ truyền thống, nếu không đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch thì tạm thời đóng cửa và thực hiện các biện pháp khắc phục.

Các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu…); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, khử khuẩn; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét, ra khỏi nhà không đúng quy định, không có lý do chính đáng sẽ bị phạt. UBND phường, xã, thị trấn tổ chức các đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24 giờ, không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp người dân ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định trên và không có lý do chính đáng.

Các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp thật sự cần thiết mới đến làm việc tại công sở. Dừng toàn bộ các cuộc họp tại cơ quan công sở (ngoại trừ các cuộc họp chống dịch, các cuộc họp để xử lý các vấn đề cấp bách của đơn vị). Khi tổ chức cuộc họp phải được người đứng đầu phê duyệt, đảm bảo không tập trung quá 10 người trong một phòng, tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.

UBND TPHCM giao Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe ôtô, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu, sản xuất, hàng hóa và một số xe taxi chở người dân đến, đi từ bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cần thiết.

Dừng hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe ôm (thường gọi là xe ôm công nghệ).

Chủ động phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh lân cận, tổ chức giao thông tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân được lưu thông thuận lợi. Chủ động kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động hàng không và đường sắt đến, đi từ TPHCM.

Gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 150.000 tấn/tháng

UBND TP giao Sở Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn, tăng lượng hàng hóa cung ứng cho các hệ thống phân phối hiện đại; gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 -150.000 tấn/tháng. Yêu cầu tiểu thương và thương nhân tại 3 chợ đầu mối tổ chức tiếp nhận hàng hóa thông qua các chằn vựa, trung bình một ngày đêm tiếp nhận 4.000 - 5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống.

Công an TPHCM tổ chức lại hoạt động của 12 chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 do TP kiểm soát.

UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện cũng thành lập các chốt kiểm soát tại các khu phố, ấp và ở những tuyến đường trọng điểm, khu vực trọng điểm. Đồng thời, kiểm tra đôn đốc triển khai phương án điều tiết hàng hóa, thực phẩm thiết yếu cho người dân.

Cũng theo UBND TPHCM, hiện nay số ca nhiễm tăng nhanh nhưng nguồn lực phòng chống dịch của TP vẫn đảm bảo. TP đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh và luôn duy trì hàng hóa phong phú, dồi dào tại các siêu thị, chợ truyền thống. Đề nghị người dân không mua tích trữ hàng hóa và không tập trung đông người tại siêu thị, chợ truyền thống; bình tĩnh, tin tưởng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI