TP.HCM giảm mức thu tiền sử dụng đất

31/05/2013 - 09:57

PNO - Ngày 30/5, tại cuộc họp với Bộ Tài nguyên - môi trường về công tác quản lý đất đai, ông Nguyễn Hữu Tín - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết đã ký quyết định ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất ở đối...

Quyết định mới này có hiệu lực sau 10 ngày.

Theo đó, hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất ở đối với diện tích đất vượt hạn mức đất ở của hộ gia đình, cá nhân tại TP.HCM được chia làm ba mức áp dụng cho ba khu vực khác nhau, không phân biệt trường hợp công nhận quyền sử dụng đất hay chuyển mục đích sử dụng.

Các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận có hệ số điều chỉnh là 2 (tức bằng hai lần bảng giá đất do UBND TP ban hành hằng năm); các quận 2, 6, 7, 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú áp dụng hệ số điều chỉnh là 1,5; các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè áp dụng hệ số điều chỉnh là 1,3. Riêng huyện Cần Giờ hệ số là 1,1.

Trường hợp người dân đã hoàn thành xong các thủ tục, đã đóng tiền sử dụng đất và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (giấy chủ quyền nhà đất) thì không được tính lại. Những trường hợp người dân đã được cấp giấy chủ quyền nhà đất nhưng vẫn còn ghi nợ tiền sử dụng đất và những trường hợp người dân đã nhận thông báo thuế nhưng chưa đóng tiền sử dụng đất thì sẽ được tính lại tiền sử dụng đất theo quy định này.

* Tại buổi họp trên, UBND TP.HCM cũng đề xuất với Bộ Tài nguyên - môi trường về việc cấp giấy chủ quyền nhà đất cho các hộ dân bị vướng dự án “treo” do lỗi của chủ đầu tư. Sau này, chủ đầu tư muốn tiếp tục thực hiện dự án phải “mua” lại đất đã có giấy chủ quyền của người dân. Theo UBND TP, đây là một hình thức “chế tài” vì chủ đầu tư đã thực hiện dự án không đúng tiến độ đã cam kết.

Tại cuộc họp, UBND các quận huyện cho rằng các mốc thời gian để xác định nhà đất đủ điều kiện tồn tại không thống nhất đã gây lúng túng khi thực hiện công tác cấp giấy chủ quyền nhà đất.

Cụ thể, nghị định hướng dẫn Luật đất đai quy định việc chuyển nhượng đất bằng giấy tay trước ngày 1/7/2004 được xem là hợp pháp; Luật nhà ở lại cho phép công nhận nhà xây dựng sai phép, không phép trước ngày 1/7/2006 là hợp pháp.

Trong khi đó, nghị định 23 năm 2009 về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực xây dựng cho phép những công trình xây dựng trái phép trước ngày 1/5/2009 được tồn tại. Đại diện của Tổng cục Quản lý đất đai và Bộ Tài chính đề nghị công nhận và cấp giấy chủ quyền nhà đất cho những trường hợp xây dựng trước ngày 1/5/2009 (ngày nghị định 23 có hiệu lực).

“Nhà luôn gắn liền với đất, không có lý do gì cho tồn tại nhà trái phép lại không công nhận diện tích đất mà căn nhà nằm trên đó” - đại diện Bộ Tài chính lập luận.

Theo D.N.HÀ (Tuổi Trẻ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI