Tình yêu trẻ mãi không già

03/04/2021 - 09:52

PNO - Những người hàng xóm cùng khu phố (P.4, Q.Tân Bình) thường dành sự ngưỡng mộ cho hai ông bà già nhưng tâm hồn như vẫn còn rất trẻ.

Khán giả cuộc thi Tiếng hát 50+ do Ngôi nhà chào buổi sáng - GMH tổ chức vào dịp trước tết Tân Sửu 2021 rất ngưỡng mộ giọng hát của ông Triệu Văn Hân (76 tuổi) qua ca khúc Hà Nội linh thiêng hào hoa (nhạc sĩ Lê Mây).

Nếu ai quen biết người bạn đời của ông, bà Nguyễn Thị Thảo (75 tuổi), sẽ càng khâm phục ông bà và mối tình già của họ. Bà Thảo luôn bên ông trong suốt các vòng thi từ sơ khảo đến chung kết. Ông Hân thì nói rằng giải thưởng cuộc thi hát này của ông là món quà ý nghĩa dành tặng vợ, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới. 

Tiếng hát 50+ không phải cuộc thi âm nhạc đầu tiên ông Hân tham gia. Trước đó, ông đoạt giải nhất các cuộc thi Giai điệu quê hương, Liên hoan giọng ca mùa Xuân 2006. Ở sân chơi âm nhạc nào, bà Thảo cũng sát cánh bên chồng. Hai ông bà từng có mặt ở cuộc thi Tiếng hát mãi xanh của Đài truyền hình TP.HCM. 

Ông Triệu Văn Hân và vợ - bà Nguyễn Thị Thảo - trong buổi thi chung kết Tiếng hát 50+
Ông Triệu Văn Hân và vợ - bà Nguyễn Thị Thảo - trong buổi thi chung kết Tiếng hát 50+

Những người hàng xóm cùng khu phố (P.4, Q.Tân Bình) thường dành sự ngưỡng mộ cho hai ông bà già nhưng tâm hồn như vẫn còn rất trẻ. Vợ chồng thường xuyên cùng nhau tập dưỡng sinh, văn nghệ, khiêu vũ.

Trong tấm thiệp ông tặng vợ những năm tháng thanh xuân, có lời nhắn: “Em mãi là mùa xuân bất tận trong anh”. Cho đến giờ, trong lòng của một người già U80, người vợ hiền vẫn đúng nghĩa là “mùa xuân bất tận”. 

Tình yêu của hai ông bà bắt đầu khi cả hai học ở thành phố Hải Dương những năm thập niên 1960. Hai người vừa học vừa dạy bổ túc văn hóa, tham gia văn nghệ phục vụ nhân dân vùng lúa Hải Dương. 

Khi chàng trai Triệu Văn Hân vào đại học, cô thiếu nữ Nguyễn Thị Thảo tiếp tục làm việc kiếm tiền phụ giúp gia đình, nuôi các em ăn học. Khi thì cô gánh nước, lúc làm cả việc bốc vác ở bến thuyền.

Tình yêu của họ vượt qua gian khổ, chia cách, trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt. Triệu Văn Hân luôn bên cạnh, động viên, khuyến khích người yêu ôn thi đại học. Nhờ sự động viên đó, Nguyễn Thị Thảo sau đó đã trở thành cô giáo.

Tháng 10/1972, hai người kết hôn. Đám cưới là một đoàn xe đạp dài mấy mươi mét về nơi sơ tán. Trong gian khổ, vợ động viên chồng hăng hái đi xây dựng những vùng nông thôn hẻo lánh và cất “tiếng hát át tiếng bom“ cho đến ngày thống nhất. 

Hòa bình, ông bà được phân công vào Nam công tác tại trường Vật tư Nông nghiệp 2. Ông là hiệu trưởng, bà là giáo viên. Vợ chồng ổn định cuộc sống và tham gia phát triển phong trào văn nghệ tại huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. 

Năm 2000 ông về hưu và sống tại TP.HCM. Ông bà không chỉ hoạt động văn nghệ tích cực mà còn dạy hát, dạy múa cho học sinh - sinh viên và người cao tuổi ở khu phố. Có người nhận xét giọng hát của ông “gừng càng già càng cay”, còn ông lý giải các giải thưởng nho nhỏ ông có được đều nhờ người vợ hiền luôn sát cánh, động viên. 

Ở tuổi đôi mươi, khi phải làm việc vất vả kiếm tiền nuôi dưỡng ước mơ, bà Thảo từng viết bài thơ Gánh nước đêm: Phố xá thưa dần gánh nước đêm/ Lặng lẽ bước qua khỏi bậc thềm/ Nước xối trong thùng hay trong mắt/ Trắng trong nước bạc ánh trăng đêm. Bây giờ, khi đã ở tuổi về chiều bà lại viết bài thơ Ký ức dòng sông, kỷ niệm 50 năm ngày cưới: Nơi quê nhà có con sông yêu dấu/ Nằm phơi mình trên thảm mạ xanh xanh. Bài thơ được ông Hân phổ nhạc. 

Nửa thế kỷ nhìn lại, tiếng thơ ấy không còn là nỗi niềm riêng mà là tiếng lòng tỏ bày tình yêu đối với dòng sông quê hương, dòng sông đất nước, và cũng chính là dòng sông luôn dạt dào sức sống của một tình yêu trẻ mãi không già. 

Thúy Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI