PNO - PNCN - Họ yêu nhau, cưới nhau rồi cùng nhau phá rừng, làm rẫy. Bao nhiêu mùa tiêu điều thất bát, con cái bệnh tật ốm đau, họ đã nếm trải tất cả và tưởng như không gì có thể chia cắt được tình chồng, nghĩa vợ. Nhưng bỗng một...
CÂY KHÔNG THỂ LẶNG…
Tháng 2/2007, anh N.H. và chị P.T.T.N. đưa nhau ra tòa ly hôn sau gần 20 năm chung sống. Tòa quyết định chị N. và anh H. mỗi người nuôi dưỡng trực tiếp một đứa con chung (một cháu sinh 1995 - chị N. nuôi, cháu sinh 1998 - anh H. nuôi). Riêng con gái lớn là N.T.A. đã 20 tuổi nên không được đề cập trong bản án này.
Theo chị N., tài sản chung của họ khá lớn, nhưng khi ra đến tòa, chị mới “bật ngửa” khi biết hơn 64.000m2 đất rẫy với hàng trăm ngàn cây cao su, cà phê tới kỳ thu hoạch là tài sản riêng của anh. Chị không hiểu và cũng chẳng có cách gì chứng minh được tiền mua đất là của chung vợ chồng, rằng chị và anh cùng đứng ra vay mẹ anh, mẹ chị mấy lần để có tiền mua đất. Trong khi anh lại chuẩn bị đầy đủ các chứng từ rằng đất rẫy này, anh chỉ đứng tên mua giùm cho mẹ ruột của anh. Cuối cùng, với sự “tự nguyện của anh H.” tại tòa, chị N. và ba đứa con được chồng cho hưởng căn nhà cấp bốn tọa lạc trên 600m2 đất.
Uất ức vì bị chồng dùng thủ đoạn chiếm đoạt hết tài sản, chị N. kháng cáo, nhưng cấp phúc thẩm vẫn giữ y bản án ban đầu. Tay trắng, chị trở về ngôi nhà nhỏ, tiếp tục làm thuê làm mướn nuôi dạy các con. Vụ án chia tài sản sau ly hôn vẫn còn trong thời hạn kháng cáo giám đốc thẩm, nhưng vì không tiền, chị N. đành phó mặc cho số phận. Chị chỉ liên lạc với tòa bằng đường công văn, giấy tờ với hy vọng một ngày tòa sớm xử lại vụ kiện.
Sau khi chia tay, chị N. sống cùng ba đứa con ở căn nhà cũ, anh H. không trực tiếp nuôi đứa con được “chia” tại tòa. Tiền gửi cho con, anh chỉ đưa đúng cho con, không thèm đưa qua vợ. Thoạt đầu, chị N. không hay chồng gửi tiền cấp dưỡng mà bỗng nhiên thấy con trai mới chín tuổi có tiền tiêu vặt quá nhiều. Khi vặn hỏi con, chị N. mới hay từ sau tháng 3/2007, tức một tháng sau ngày ly hôn, anh H. đều đưa cho cháu bé 500.000đ. Chị N. giận, gọi chồng cũ hỏi cho ra lẽ, thì anh H. thản nhiên nói: “Tôi gửi tiền cấp dưỡng đó!”. Từ đấy, anh coi như xong nghĩa vụ. Khi đứa con trai mà anh không được phân công “trực tiếp nuôi dưỡng” bị bệnh phải nằm viện hay bị tai nạn giao thông gãy chân phải đi cấp cứu, chị N. gọi cầu cứu, anh cũng không đếm xỉa.
Chị P.T.T.N. (phải) ngày ngày dán giấy hàng mã, nuôi các con ăn học mà vẫn không yên với người chồng cũ
VÌ GIÓ CHẲNG CHỊU DỪNG!
Biết chị N. có quyền khiếu kiện đòi hỏi anh H. không chỉ là thay đổi việc cấp dưỡng nuôi con mà còn có thể đòi bồi hoàn công sức lao động của chị với hơn 64.000m2 đất (như bản án phúc thẩm ngày 14/7/2009 đã nêu), anh H. không yên. Cho nên dù vừa lo vun quén cho cuộc sống riêng của mình với người vợ mới (cô N.T.T.), anh ta vừa thấp thỏm theo dõi động tĩnh của mấy mẹ con chị N.
Đầu năm 2011, khi nghe cô T. nói T.A., cô con gái lớn cho người lạ số điện thoại riêng của T., làm người đó gọi đến quấy rầy, anh H. đã đưa T. đến nhà cũ gọi T.A. ra cho cô này hành hung. Ông bố này giữ con gái lại cho cô vợ mới dùng kéo đâm thủng tay con. Như chưa hả giận, cô T. còn giật sợi dây chuyền trị giá hơn hai triệu đồng của T.A.
T.A. tố cáo hành vi của cha và người vợ mới ra công an huyện Phú Giáo, nhưng cơ quan này chỉ mời hai bên lên lấy lời khai rồi… im lặng. Dường như thấy dễ chọc phá chị N. và các con, cô T. đã liên tục gây hấn với gia đình T.A. Khi chị N. đến thăm cha chồng bệnh nặng ở nhà cô em chồng cũ, thì cô T. đã mắng chửi chị N. và dùng gạch hành hung chị. Hành vi đó của T. đã bị TAND huyện Phú Giáo tuyên phạt bốn tháng tù giam.
Tháng 3/2013, T. ra tù và tiếp tục quay về xã An Bình, thách thức mẹ con chị N. Hơn một năm trôi qua, vụ án cô T. đâm T.A. vẫn chưa được công an huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương ra quyết định khởi tố hành vi cố ý gây thương tích khiến dư luận bức xúc… Chị Lê Ngọc Thủy, ngụ ở ấp Bình Thắng, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, hàng xóm sát nhà chị N. cho biết: “Sự việc tổ chức đánh người, giật tài sản rõ ràng như ban ngày, vậy mà không hiểu sao công an im lặng?”. Mới đây, cơ quan này trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ: “Chưa đủ chứng cứ khởi tố vụ án, nhưng vì nhiều việc quá, chưa ra quyết định không thụ lý vụ việc”.
Khi phóng viên đến xác minh đơn kêu cứu của T.A. và chị N., rất nhiều người dân xung quanh ấp Bình Thắng đã kéo đến xin làm chứng cho hành vi côn đồ của cô T. lẫn anh H. Cụ bà Lê Thị Chín, nhà sát vách chị N. nói: “Tôi chưa từng thấy người nào tệ bạc như H., đã ruồng bỏ vợ con, nay vì hiềm khích nhỏ, còn kéo đến đánh đập con gái thật nhẫn tâm. Tới khi vợ mới bị bắt vì hành hung con N., nó còn đủ can đảm để chạy về đây quỳ xuống xin N. bãi nại cho vợ nó. H. từng thẳng thừng tuyên bố, sẽ quậy cho đến chừng nào cô N. bỏ cuộc trong vụ tranh chấp tài sản mới thôi”.
Chị N. khẳng định: “Không phải tôi tham tiền, nhưng việc anh ấy làm mọi cách để chứng minh tôi chẳng có chút công lao nào trong tiệc khai phá mấy chục ngàn mét vuông rẫy đó khiến tôi vô cùng tủi nhục. Gần 20 năm, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, cùng chồng gom góp, vay mượn để tạo dựng đất đai, cuối cùng thành người ra đi tay trắng, làm sao mà không đau khổ. Cho dù có chết, tôi cũng theo vụ kiện này!”.
NGHI ANH
CHỊ N. VẪN ĐƯỢC LUẬT PHÁP BẢO VỆ VỀ NHIỀU MẶT
Theo điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự thì trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đơn tố giác hoặc kiến nghị khởi tố vụ án, cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh và quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Kết quả giải quyết đơn tố giác phải được gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp và thông báo cho người tố giác tội phạm biết.
Theo đó, nếu đã quá một năm kể từ ngày bị hại làm đơn tố cáo mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Phú Giáo, Bình Dương vẫn chưa ban hành quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án và cũng chưa có văn bản thông báo cho người tố cáo biết kết quả xử lý đơn là vi phạm pháp luật. Cô T.A. có thể khiếu kiện sự tắc trách của cơ quan này.
Hành vi đe dọa, bêu riếu, thách thức của cô T. với T.A. tùy tính chất mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự về các tội danh như: làm nhục người khác, vu khống, đe dọa giết người…
Nếu cô T. có các hành vi nói trên, T.A. có thể làm đơn tố cáo đến công an đề nghị điều tra xử lý theo pháp luật. Ngoài ra T.A. có thể làm đơn nhờ Hội Phụ nữ phối hợp với chính quyền và công an địa phương can thiệp và có biện pháp bảo vệ.
Điều 56, Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Mức cấp dưỡng cho con do cha mẹ thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết”.
Như vậy, trường hợp trên của chị N., kể cả người con trai (đã đủ 18 tuổi) vẫn có quyền yêu cầu người cha cấp dưỡng nuôi con, nếu người cha không cấp dưỡng thì nhờ tòa án giải quyết.
Đối với đứa con mà anh H. nhận nuôi, nhưng thực tế lại giao cho chị N. nuôi là không đúng quy định. Chị N. có thể yêu cầu tòa án giải quyết thay đổi người nuôi con, theo hướng giao đứa con sinh năm 1998 cho chị N. được quyền trực tiếp nuôi giữ và chăm sóc (hợp thức hóa quyền nuôi con) và giải quyết luôn vấn đề cấp dưỡng nuôi con cho phù hợp.