Tiếp thu “giáo trình” từ mẹ chồng

24/11/2021 - 06:06

PNO - “Một người mẹ tốt sẽ nuôi dạy những đứa con thật tốt”, khi bắt đầu làm mẹ, đồng nghĩa với việc tôi phải trang bị cho mình thêm nhiều kỹ năng để đồng hành cùng con. Tôi bắt đầu từ việc sửa mình, rèn luyện bản thân với những thói quen, suy nghĩ tích cực mỗi ngày. Trên hành trình ấy, tôi học được rất nhiều điều hay từ quan điểm sống của mẹ chồng.

 

Giờ nào việc nấy

Dù mẹ đã mất cách đây 20 năm nhưng chúng tôi luôn cảm nhận được sự hiện hữu của mẹ qua những câu chuyện chồng kể. 

Tôi cảm nhận rõ rằng con trai tôi đang lớn lên từ những bài học mang “hơi thở” của bà nội, dù chưa một ngày trong vòng tay bà. Chồng tôi thừa hưởng nhiều tính cách từ mẹ. Trong mắt tôi, anh là người cha tâm lý và thông thái. 

Mẹ chồng tôi là người phụ nữ ấm áp, độc lập và trách nhiệm. Mẹ quan niệm người chăm sóc bản thân tốt thì mới có thể chăm sóc cho người khác được. Mẹ đã dạy anh rất nghiêm về việc này thông qua tính kỷ luật “giờ nào, việc nấy”. Khi làm cha, chồng tôi đưa điều này vào rèn luyện trong việc ăn - ngủ - chơi của con.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Mỗi ngày đều đặn sáng - tối, khi nghe hiệu lệnh “đánh răng thôi!”, bé Kỳ Nam, hai tuổi của chúng tôi đã tự giác chạy vào nhà vệ sinh đánh răng cùng bố mẹ. Bé đánh nhẹ nhàng, thật kỹ từng chiếc răng, xúc lại bằng nước muối loãng giúp răng chắc khỏe. 

Cũng theo đó mà Kỳ Nam chấp hành nghiêm giờ nào việc nấy, đến giờ ăn, ngủ luôn giữ kỷ luật. Bản thân tôi cũng bám vào phương châm “giờ nào, việc nấy” không chỉ làm gương cho con mà còn để tiết kiệm thời gian cho mình. Đôi lúc tôi mệt mỏi, muốn bỏ bữa ăn nhưng nghĩ lại lời khuyên của mẹ, dù mệt cũng phải ăn đúng bữa.

Điều nhỏ này, tưởng dễ, nhiều người bỏ qua, nhưng duy trì đều đặn không phải ai cũng làm được. Kỷ luật bàn ăn cho con chính là kỷ luật cho mẹ.

Để cùng con rèn sự tập trung, chúng tôi áp dụng “làm thì không nói, nói thì không làm”. Bố mẹ sẽ làm gương trước, ví dụ khi dạy con kỹ năng thực hành cuộc sống như rót nước, gấp quần áo, dọn dẹp đồ chơi... mẹ sẽ thực hiện trước để con quan sát. Sau đó, bé sẽ làm theo rất nhanh.

Đồng hành cùng con ở kỹ năng này là người lớn cùng làm với con, tuyệt đối tránh nói suông. Lặp đi, lặp lại hành động cùng con cho đến khi bé làm tốt. Điều này sẽ giúp kỹ năng quan sát của con phát triển rất tốt.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Cần bài học từ thực tế

Hồi xưa, mẹ làm nội trợ, là hậu phương cho bố vững vàng gầy dựng sự nghiệp. Có lẽ vì vậy mà mẹ có thói quen chăm sóc mọi người, cả nhà nhớ thương tính chu đáo, thơm thảo của mẹ. Mẹ thể hiện sự quan tâm qua món ăn mẹ làm hoặc chút bánh, hoa quả của những buổi chợ ban sớm. 

Ngày mới làm dâu, tôi còn vụng chuyện kết nối bản thân với các thành viên, bởi là con út trong nhà, quen được nhận hơn “cho”. Sau này chú ý hơn, tôi nhận ra việc mình thường xuyên hỏi han, ghé thăm, đôi lúc có chút quà nhỏ biếu người thân họ hàng giúp mối quan hệ gần nhau, thấu hiểu nhau hơn. 

Trước giờ đi ngủ, hai mẹ con tôi sẽ cùng điểm lại một ngày đã qua bằng trò chơi “mẹ đố - con nghe, con trả lời”. Mẹ con tôi đi vào giấc ngủ với rất nhiều sự biết ơn mà mình đã nhận được trong ngày từ người thân yêu. Chuyện kể hằng đêm trước lúc đi ngủ sẽ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, khơi gợi ước mơ và mang đến cho con một bầu trời tuổi thơ nhiệm màu. Tình yêu thương trong con cũng lớn lên mỗi ngày.

Chồng kể, có lần anh chơi đá banh trong nhà, mẹ nhắc: “Chơi banh trong nhà sẽ bể bình bông đó con”. Anh vẫn cứ chơi và hậu quả là mẹ phải giúp anh thu dọn “chiến sự”. Mỗi lần như vậy, mẹ điềm tĩnh, đầy cảm thông trước hành động của anh, bởi hơn hết ẩn đằng sau đó là thông điệp mẹ muốn anh được học. Mẹ nhỏ nhẹ “Miểng chai thủy tinh sẽ làm con đau”.

Một bình hoa bể, đổi lại cho anh bài học về sự cẩn thận, lắng nghe và cảm nhận sâu sắc sự tôn trọng mẹ dành cho mình dù mình chỉ là một đứa trẻ.

Tác giả và chồng con
Tác giả và chồng con

 

Mỗi lần tôi bị công việc cuốn đi, loay hoay ngay với cả việc chăm sóc con trai thì lại nhớ ra một câu chuyện dạy con của mẹ chồng. “Làm bạn của con” là cách mẹ chồng tôi đã thể hiện rất cụ thể với con cái. 

Một lần đã khuya, mẹ vẫn thấy anh loay hoay giải bài toán khó về sự đo lường của nước. Mẹ lấy hai ly nước đặt trên bàn, bắt đầu làm thí nghiệm để con dễ hình dung. Thay vì ngồi giải thích cách làm cho anh chỉ mất 5 phút, nhưng mẹ chọn bỏ ra 15 phút hoặc đôi khi hàng giờ đồng hồ để khơi gợi cho con sự suy nghĩ, rèn luyện tính kiên nhẫn nhìn nhận sâu vấn đề.

Học cách dạy con thực tế của mẹ, chúng tôi thường cùng con trai làm vườn, thông qua việc tưới cây, tỉa cành, bắt sâu là bài học về sự sinh trưởng của cây. Khi con chạm tay vào tự nhiên, không chỉ là khám phá những bài học thú vị mà còn là cách để “thu nhận tinh chất cái đẹp vào cơ thể”, cái đẹp đó chính là tâm hồn mà chúng tôi muốn cùng con nuôi dưỡng. 

Hiện thực hóa niềm vui của mẹ năm xưa, chúng tôi trồng một giàn hoa trước hiên nhà mẹ. Mỗi lần chạm tay vào cành lan, cành hồng, lòng tôi biết ơn mẹ vô cùng. Mẹ luôn ở đây, chở che, yêu thương và dõi theo gia đình nhỏ của chúng tôi. 

Kim Liên 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI