Tiếng đàn con trai người bán vé số

07/08/2017 - 09:58

PNO - Giai điệu rộn ràng của bản Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ vừa kết thúc, tiếng piano ca khúc Diễm xưa vang lên da diết nối liền mạch cảm xúc và sự ngạc nhiên của ban giám khảo Học viện Âm nhạc và trình diễn nghệ thuật Soul (TP.HCM).

Thí sinh trình diễn cho biết, đây là lần đầu em được ngồi vào một cây đàn piano. Em là Võ Duy Khang - con trai một người bán vé số nghèo.

Tieng dan con trai nguoi ban ve so
Điều hạnh phúc nhất của anh Lai là gieo hạt mầm âm nhạc cho con trai

Đam mê của cha

Anh Võ Văn Lai bị liệt một tay từ khi còn nhỏ. Nhà nghèo nên anh phải làm đủ nghề cho đến khi dừng lại ở cái bàn bán vé số trước cửa nhà. Khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời mà anh thường nhắc tới chính là hai năm thi đậu vào khoa Lý luận sáng tác, Viện Quốc gia âm nhạc (nay là Nhạc viện TP.HCM). Thế rồi niềm đam mê ấy đứt ngang do hoàn cảnh, anh trở về Bến Tre lao động kiếm sống, nuôi mẹ già.

Bán vé số nhưng niềm đam mê âm nhạc không lụi tắt, anh dành thời gian dạy nhạc cho những đứa trẻ nghèo xung quanh. Nhà chúng tình cờ có loại đàn nào, anh dạy loại đàn ấy: organ, ghita, sáo, kèn, harmonica… Bài giảng miễn phí của anh gieo vào lòng những đứa trẻ nghèo niềm mơ ước.

Có đứa lớn lên trở thành ca sĩ, có đứa thi vào nhạc viện. Điều hạnh phúc nhất anh Lai làm được là gieo hạt mầm âm nhạc vào lòng đứa con trai khi bé nằm dưới chiếc bàn bán vé số lắng nghe cha thổi kèn và hát thầm.

Chừng hai-ba tuổi, bé Duy Khang đã bập bõm từng nốt trên chiếc đàn đồ chơi chạy pin, tự đàn được những bài nhạc ngắn. Nhìn con vẽ những đường kẻ loằng ngoằng trên bàn, trên vách và nói rằng trong đầu mình vang lên những giai điệu, anh Lai phát hiện ra niềm đam mê và khả năng âm nhạc của con. Anh bắt đầu chú tâm dạy con nhạc lý.

Một lần, có người bạn thân ghé nhà chơi, bỏ quên cây đàn organ. Khang đã ngồi vào, mày mò chơi nhạc. Thấy con tự học mà chơi tốt quá, người cha quay clip và tự hào đăng lên youtube. Bạn bè anh Lai khen ngợi, xúm nhau góp tiền mua cho thằng bé chiếc đàn organ, niềm đam mê của bé Khang đã được chắp cánh.

Tieng dan con trai nguoi ban ve so
Trong căn nhà rách nát bừa bộn luôn vang lên tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng kèn của hai cha con

14 tuổi, Duy Khang đã có hơn mười năm chơi nhạc. Cậu có thể tập và chơi không ngừng nghỉ giờ này qua giờ khác, đến nỗi cha cậu nhiều khi lo cho sức khỏe của con, phải ngăn cản. Khang từng sáng tác cả trăm bài hát, có khi là ngẫu hứng hát lên thành giai điệu và được cha giúp đặt lời; có khi cha gợi ý chủ đề để sáng tác.

Thỉnh thoảng, Khang đi biểu diễn cho các đám tiệc, sinh nhật, các lễ hội của trường lớp. Tiền thù lao chỉ vài ba chục ngàn đồng, hoặc chỉ được một bịch đồ ăn mang về cho cả nhà, nhưng với cậu, đó là niềm vui lớn. 

Đi thi để được sờ vào cây đàn piano

Ở vùng quê, những bản nhạc cổ điển mà Khang công phu tập chả mấy ai biết đến, có cô giáo còn dè bỉu, mắng mỏ: tập cho nhiều, cùng lắm cũng chỉ đi đánh cho đám tiệc,  đám ma. Nhiều lần thấy con trai buồn, anh Lai động viên: người chơi và hiểu nhạc phải có tâm hồn đẹp.

Anh kể cho con nghe những khó khăn khi xưa của mình: học nhạc mà không có đàn, lâu lâu phải chạy qua nhà thầy giáo có cây đàn piano để xin tập một nốt nhạc. Thầy cũng chẳng mở đàn lên, chỉ hát một nốt đúng cao độ cho tập theo. Anh nói với Khang: “Giờ con có cây đàn là quý lắm rồi”.

Nghe mách có cuộc thi tuyển học bổng Trịnh Công Sơn, anh Lai quyết định đưa con lên TP.HCM thi, vì nghĩ chắc sẽ có số tiền nho nhỏ đóng học phí cho con, còn Duy Khang chỉ mơ điều duy nhất: “Đậu rớt không quan trọng, miễn là con được một lần chơi trên cây đàn piano từng thấy trên truyền hình”. Những clip chơi đàn của Khang giúp cậu bé vượt qua vòng sơ tuyển và cùng 7 thiếu nhi nghèo khác lọt vào vòng 2. Chạy vay góp vài trăm ngàn, anh Lai đưa con lên TP.HCM.

Ngày đi thi, hai cha con được mẹ chiên cho hai chén cơm, ăn cho chắc bụng. Sợ con đói, anh Lai mua thêm chiếc bánh bao, nhưng Khang chỉ cắn một miếng rồi nhường cha. Người cha nghèo cất chiếc bánh vào giỏ để dành cho bữa trưa trên đất Sài Gòn. Hành trang nghèo nàn là vậy, nhưng tiếng đàn Duy Khang đã thuyết phục được ban giám khảo: cậu lọt vào vòng 3. Bước khỏi phòng thi, Khang cười khoe cha: “Đã, quá đã!”.

Những ngày này, ở vùng quê nghèo Bến Tre có một cậu bé ngày ngày tập hít đất để luyện hai tay cho cứng, vì gõ phím đàn piano nặng hơn phím organ. Thỉnh thoảng, cậu phụ cha bán vé số, xin cha 20 ngàn đồng mua ly nước trong một quán cà phê có cây piano điện để xin tập ké cho đỡ ngại. Còn cha cậu, người đàn ông ngồi sau quầy vé số trên vỉa hè, rụt rè viết vào trang facebook của mình dòng chữ: “Cứ mơ đi…”. 

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI