Tiền Giang: Đàn ngựa trơ xương vì cỏ không thiết yếu

26/08/2021 - 20:15

PNO - Trại ngựa phục vụ du lịch của người dân nằm trong khu phong tỏa, người dân không được phép ra ngoài cắt cỏ nên đàn ngựa trơ xương, chết dần chết mòn...

Đàn ngựa 25 con của ông Đặng Văn Lộc (ấp Thới Thạnh, cù lao du lịch xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) đang chết mòn vì không có cỏ ăn. Nguyên nhân do trại ngựa của ông nằm trong khu phong tỏa, ông không được phép ra ngoài cắt cỏ cho ngựa ăn.

Xe ngựa phục vụ du khách từng là sản phẩm du lịch khá đặc thù tại tỉnh Tiền Giang
Xe ngựa phục vụ du khách từng là sản phẩm du lịch khá đặc thù tại tỉnh Tiền Giang

Tối 26/8, trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Đặng Văn Lộc, chủ trại ngựa cho biết đàn ngựa 25 con của ông giờ chỉ còn 11 con và đang ở trong tình trạng ngoắc ngoải chờ chết.

Ông cho biết thêm, khoảng 3 tháng nay, dịch bùng phát nên hoạt động du lịch tạm ngưng. Dù vậy, ông vẫn phải tốn chi phí mua thức ăn, thuê người đi cắt cỏ cho ngựa ăn. Thấy không thể chăm lo hết cho đàn ngựa, ông Lộc tìm cách bán bớt được 8 con, còn 17 con nằm chờ thời phục hồi du lịch, phục vụ khách tham quan.

Gần đây, chính quyền lập các chốt kiểm soát phòng dịch và phong tỏa khu vực ấp Thới Thạnh (do có ca dương tính), ông không thể ra ngoài để kiếm thức ăn cho ngựa.

Những ngày qua, ông Lộc đành đứt ruột xẻ thịt 7 con ngựa chết đói. "Số thịt ngựa được xẻ ra một phần đem phân phát cho bà con chòm xóm, một phần đem bán nhằm thu hồi, gỡ gạc được phần nào hay phần đó", ông Lộc nói.

Người dân phải xẻ thịt những con ngựa quá ốm yếu phân phát cho bà con chòm xóm...
Người dân phải xẻ thịt những con ngựa quá ốm yếu phân phát cho bà con chòm xóm...

Cũng theo ông Lộc, tất cả đàn ngựa 25 con ban đầu của ông có được nhằm phục vụ du lịch đều phải sang tận Tà Keo (Vương quốc Campuchia) để mua về, mỗi con ngựa có giá từ 30 đến 35 triệu đồng. "Hiện đàn ngựa chỉ còn 10 con ngựa, trong đó có 2 con đang yếu dần, nay mai chắc không qua khỏi", ông Lộc thông tin.

Chủ đàn ngựa cho biết thêm, lúc khu vực ông ở chưa phong tỏa, một con ngựa mỗi ngày có thể ăn hết một bao cỏ. Dần dần khi không thể đi xa cắt cỏ được nữa, ông giảm khẩu phần ăn từ từ, đến hiện tại thì trong khu vực ông ở không còn bãi cỏ nào ngựa có thể ăn được nữa.

Mới đây, để cứu vãn đàn ngựa, ông đã lên UBND xã Thới Sơn xin cho qua chốt đi cắt cỏ (cách đó khoảng 4km) nhưng không được chấp thuận. "Tôi gặp trực tiếp xin giúp đỡ nhưng ch tịch xã nói không phải thiết yếu nên không thể cấp giấy cho đi được", ông Lộc cho biết thêm.

"Tôi xét nghiệm âm tính nhiều lần rồi mà vẫn không được đi. Bãi cỏ nằm dưới chân cầu Rạch Miễu, đi cắt thì ở ngoài chỗ vắng, ngoài bụi ngoài bờ, có tiếp xúc với ai đâu. Bầy ngựa chỉ có thể ăn loại cỏ chỉ và cỏ sữa thôi", chủ trại ngựa nói tiếp.

Những con ngựa ốm đói ngoắc ngoải chờ chết vì không có cỏ ăn
Những con ngựa ốm đói ngoắc ngoải chờ chết vì không có cỏ ăn

Được biết, tại cù lao Thới Sơn, ông Lộc kinh doanh mô hình xe ngựa phục vụ du khách khi đến đây tham quan. Mô hình này góp phần làm đa dạng các loại hình du lịch tại địa phương nói riêng và cả miền Tây Nam bộ nói chung. Bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngành du lịch đang tê liệt, gần 2 năm nay gia đình ông Lộc không có doanh thu, nay phải đau đớn nhìn đàn ngựa dần lụi tàn.

"Giờ tôi cũng không biết làm sao nữa, nhìn đàn ngựa mình nuôi bao lâu nay, cả gia sản giờ lâm vào cảnh này, đứt ruột lắm", ông Lộc nói. Chủ đàn ngựa nêu mong mỏi các cấp chính quyền có hướng hỗ trợ, giúp đỡ cho gia đình ông tìm cách cứu vãn những con ngựa ốm đói đang còn sót lại...

Cuối giờ chiều nay, 26/8, phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM đã tìm cách liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Phong - Chủ tịch UBND xã Thới Sơn về việc có hướng nào để hỗ trợ người dân địa phương trong vấn đề nêu trên. Chủ tịch UBND xã Thới Sơn cho biết đang bận công tác phòng chống dịch nên chưa thể thông tin và mong thông cảm.

Đông Phong 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI