Nông sản miền Tây vẫn ùn ứ do lưu thông ách tắc

09/08/2021 - 08:28

PNO - Vào thời điểm này, tại miền Tây Nam bộ, lúa gạo ùn ứ, các nông sản khác cũng tiêu thụ ì ạch.

Đoàn thể vào cuộc “giải cứu” nông sản

Từ hơn 10 ngày qua, chị Nguyễn Thị Việt Hà - chi hội phó Chi hội Nông dân ấp Bình Phú, xã Châu Bình, H.Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre - ngày ngày chạy xe máy khắp vùng chở nông sản lên trụ sở UBND xã Châu Bình để bán dưới sự hỗ trợ của nhiều đoàn viên thanh niên. Do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên đầu ra nông sản của nông dân gặp nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Thị Việt Hà đã đứng ra thu mua nông sản của bà con trong xã, bán lại với giá tại vườn và tự chịu các phí tổn phát sinh.

 

Chị Nguyễn Thị Việt Hà (Bến Tre) bôn ba hằng ngày tìm cách “giải cứu” nông sản giúp bà con nông dân
Chị Nguyễn Thị Việt Hà (Bến Tre) bôn ba hằng ngày tìm cách “giải cứu” nông sản giúp bà con nông dân

Những ngày đầu, người mẹ ba con này chạy xe máy đi thu mua nông sản, sau đó tự đi giao hàng tận nơi cho người mua. Do lượng hàng khách đặt nhiều nên chị Việt Hà phải nhờ các ngành, đoàn thể xã Châu Bình hỗ trợ giao hàng. Bình quân mỗi ngày, chị Việt Hà giúp bà con nông dân tiêu thụ trên một tấn nông sản các loại, gồm đu đủ, nhãn, dưa leo, mướp, khổ qua…

Tại tỉnh An Giang, nông sản cũng gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Tỉnh Đoàn An Giang đã kết nối, giúp nông dân tiêu thụ gần 100 tấn nông sản. Theo anh Lâm Thành Sĩ - Bí thư Tỉnh Đoàn An Giang - từ khi bùng phát dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, nông sản ùn ứ. Bắp đang bước vào kỳ thu hoạch nhưng không bán đi được các tỉnh khác, thương lái cũng không vô mua. 

Để hỗ trợ nông dân, Tỉnh Đoàn đã lập số điện thoại nóng chuyên nhận thông tin qua điện thoại của thanh niên, nông dân, sau đó thông tin cho hệ thống đoàn ở cơ sở; các cán bộ ở cơ sở sẽ tập hợp nhu cầu của nông dân và Tỉnh Đoàn sẽ cho cán bộ đoàn xuống địa phương thu hoạch giúp dân. Tỉnh Đoàn cũng làm việc với các ban, ngành của tỉnh để xin cấp giấy thông hành qua các chốt kiểm soát dịch COVID-19.

Nông dân Trần Văn Nầng - ở ấp Bình Minh, xã Bình Mỹ, H.Châu Phú, tỉnh An Giang - trồng 1,8ha bắp Mỹ, đến kỳ thu hoạch nhưng thương lái không mua. Giống bắp này để lâu sẽ hư hỏng, phải vứt bỏ. Trong khi đang mỏi mòn chờ thương lái, anh được Đoàn Thanh niên đến hỗ trợ bán giúp, thu lại gần đủ vốn. Theo anh Nầng, chi phí thuê đất, mua giống, phân, thuốc gần 130 triệu đồng, nếu không được Đoàn Thanh niên tiêu thụ giúp, coi như mùa này lỗ nặng.

Tại xã Bình Mỹ, việc đi lại rất khó khăn do dịch bệnh, thương lái khó vô tận nơi thu mua nông sản. Do vậy, Xã Đoàn giúp nông dân bán nông sản qua mạng xã hội, kêu gọi mọi người mua ủng hộ. Tại xã, nhiều thanh niên đã được Xã Đoàn huy động giúp thu hoạch và bán nông sản.
Nhưng, những cuộc “giải cứu” trong phạm vi nhỏ không thể “giải” hết bài toán tiêu thụ lúa gạo, trái cây cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn. 

Vựa lúa “úa màu”

An Giang là vựa lúa lớn của miền Tây và cả nước, đặc biệt là vùng tứ giác Long Xuyên (nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp). Chính quyền tỉnh An Giang cho biết, vùng tứ giác này đang còn khoảng 600.000 tấn lúa hàng hóa chờ thu hoạch, khoảng 58.000 tấn rau màu (bắp, sen, đậu nành, rau xanh các loại) cũng cần được tiêu thụ. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, người nông dân cũng gặp khó khăn khi ra đồng thu hoạch lúa. 

Các điểm bán nông sản hỗ trợ nông dân tại TP.Cần Thơ
Các điểm bán nông sản hỗ trợ nông dân tại TP.Cần Thơ

Báo cáo với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc ngày 8/8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, trong tháng Tám này, diện tích lúa thu hoạch ước hơn 76.000 ha, sản lượng trên 425.000 tấn; sản lượng tôm nuôi và cá nuôi gần 13.000 tấn. Địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng nhân công và phương tiện để thu hoạch nhưng việc thu mua nông sản rất chậm do ít thương lái.

Để tự “giải cứu” nông sản, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đồng Tháp đã khảo sát các vùng nguyên liệu; hướng dẫn địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản; công bố đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản trong tỉnh; chủ động kết nối với Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam của Bộ NN-PTNT (Tổ công tác 970); thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp (DN) và thông báo đến các hợp tác xã, tổ hợp tác trong tỉnh để tiêu thụ nông sản.

Từ ngày 21/7 - 5/8, có 73 cơ sở, hợp tác xã, tổ hợp tác được giới thiệu kết nối, tiêu thụ nông sản. Trong đó, có 19 cơ sở rau củ quả, 23 cơ sở cây ăn trái, 24 cơ sở thủy sản, 6 cơ sở lúa gạo, tiêu thụ được 52.058 tấn, gồm 40 tấn thủy sản, 26.816 tấn rau củ quả, 24.400 tấn lúa gạo và 802 tấn trái cây. Dù vậy, hiện phần lớn các loại nông sản chậm được tiêu thụ và giá thấp, nhất là nhãn, chanh, khoai… Trước thực trạng này, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các DN bưu chính tập trung hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử. 

Mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có công văn đề nghị chính quyền các địa phương tại Tây Nam bộ hỗ trợ DN ngành lương thực kết nối vùng sản xuất để tiêu thụ lúa hè thu 2021 đang vào mùa thu hoạch. Theo VFA, do 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành nên việc thu mua, sản xuất và chế biến lúa gạo bị ảnh hưởng lớn. VFA đề nghị các địa phương phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động tiêu thụ lúa gạo, nông sản trong dân, hỗ trợ DN trong việc kết nối vùng sản xuất và đảm bảo khâu vận chuyển lúa tươi từ đồng về nhà máy sấy kịp thời.

Tại cuộc họp giải quyết tình hình tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 7/8, ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch VFA - cho biết, nhiều DN, đặc biệt là DN kinh doanh gạo, không dám ký hợp đồng với đối tác nước ngoài vì lo không giao được hàng do ách tắc trong khâu logistics (kho vận). Ông cho rằng, hệ thống logistics giống như mạch máu của nền kinh tế, nếu không giải quyết được vấn đề logistics thì rất nguy hiểm. Ông nói: “Bây giờ, DN tồn kho quá lớn, chúng tôi có 100.000 tấn thì làm sao mua thêm? Phải đưa lượng hàng đó lưu thông mới được”.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, khó khăn hiện nay là dịp để các tỉnh, thành miền Tây cùng ngồi lại, liên kết với nhau. Không gian kinh tế của ngành hàng lúa gạo không phải phân chia theo địa giới hành chính. Theo ông, lực lượng thương lái cũng đi theo một vòng như DN, chỉ cần đứt khúc một cung đường nào đó thì mọi việc ùn ứ ngay. Do đó, phải tháo gỡ ách tắc trong lưu thông.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, các địa phương cần cam kết với Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lưu thông, không ngăn sông cấm chợ và chỉ đạo cấp xã, huyện cùng thực hiện. 

Thủ tướng giao ba bộ bảo đảm hàng hóa lưu thông

Ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với đại diện DN, các hiệp hội DN và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong đại dịch COVID-19. Thủ tướng nêu rõ, hội nghị tập trung vào bốn từ: đánh giá, giải pháp, thiết thực, hiệu quả. Thời gian tới, Chính phủ sẽ gặp gỡ DN theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề để bàn sâu hơn, có giải pháp phù hợp hơn. 

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, DN đã phản ánh những khó khăn, thách thức hiện nay như: tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm; doanh thu của DN giảm mạnh; dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, đội chi phí giá thành sản phẩm; chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ; việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước giữa một số tỉnh, thành phố; khó khăn về lao động và nhập cảnh cho chuyên gia; khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước… 

Thủ tướng Chính phủ nhắc lại tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phải thực hiện thật tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó phải giãn cách xã hội để tránh lây nhiễm. Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải xây dựng các giải pháp bảo đảm lưu thông hàng hóa; trong đó, mọi chính sách đưa ra phải thực hiện nhất quán, không được đẻ ra các giấy phép con. Thủ tướng giao Bộ Công Thương nhanh chóng kết nối tiêu thụ hàng hóa, giao Bộ NN-PTNT bảo đảm đầy đủ hàng hóa, lương thực, nguyên liệu phục vụ sản xuất và dân sinh.

Từ Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI