Thời tiết giao mùa, có nên cho con vào miền Nam 'lánh nạn'?

30/04/2016 - 11:01

PNO - "Cho rằng con trai mình hợp với cơ địa trong đó, gia đình anh Hùng quyết định để cháu trong đó cho đến khi cứng cáp mới đón ra ngoài này"

Giao mùa là lúc nhiệt độ thay đổi, nóng lạnh, nắng mưa bất thường khiến hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu.  Đặc biệt vào giao mùa hè, không khí lúc ẩm, lúc hanh khô có thể khiến cho các loại virus gây bệnh sinh sôi mạnh.

Cho rằng khí hậu miền Nam ôn hòa hơn ngoài Bắc, ít nhất là không có mùa đông khắc nghiệt, không ít các bậc cha mẹ đã cho con vào đó để 'lánh nạn'.

Anh Trần Hùng (31 tuổi, Cầu Giấy) cho biết, nhà anh có 2 cháu, một bé 3 tuổi rưỡi và một bé 16 tháng tuổi. Con gái đầu 3 tuổi rưỡi thì rất khỏe mạnh, ít ốm nhưng cu con thứ 2 thì ốm liên tục.

"Bắt đầu từ tháng thứ 4 thì cháu bị cảm cúm rồi chuyển sang ho, rồi thành viêm phổi. Và từ đó tới nay cháu phải đi viện rất nhiều lần để điều trị căn bệnh này. Mỗi lần đi viện thì cháu phải tiêm nhiều ngày hoặc phải uống nhiều loại kháng sinh mạnh kết hợp với nhau."

" Khi đã bị viêm phổi từ nhỏ rất hay bị lặp lại, nhất là những lần thay đổi thời tiết hoặc khi trời lạnh." Sau khi nghe nhiều người nói thời tiết trong miền Nam ít biển đổi và ít lạnh hơn ở ngoài Hà Nội, anh Hùng đã quyết định gửi cháu vào thành phố Phan Thiết và nhờ bà ngoại trong đó chăm sóc.

Thoi tiet giao mua, co nen cho con vao mien Nam 'lanh nan'?
Thương con, anh quyết định cho cháu vào miền Nam và chịu cảnh xa con mấy năm trời.Ảnh minh họa

Trong đó thời tiết vốn mát mẻ, ôn hòa, bé Hoàng, con trai anh Hùng sau khi vào được hơn 1 tháng đã có chuyển biến tốt. "Lúc trước bé rất hay bị sốt cao kéo dài 2-3 ngày liền và ho liên tục. Sau khi vào đó với bà ngoại 1 thời gian, cháu gần như không còn sốt và chỉ ho khoảng 5 lần mỗi ngày."

Cho rằng con trai mình hợp với cơ địa trong đó, gia đình anh Hùng quyết định để cháu với bà ngoại cho đến khi cứng cáp mới đón ra ngoài này. Sau 3 năm, cháu Hoàng đã hơn 6 tuổi, anh Hoàng mới đón cháu về nhà.

"Nhìn thấy con trai khỏe mạnh vui vẻ, tôi và vợ vô cùng hạnh phúc. Cu cậu được cái vào trong đó hợp nước, bụ bẫm, da lại trắng trẻo hồng hào khác hẳn hồi nhỏ".

Tuy nhiên, đằng sau đó là nỗi buồn của cha mẹ khi phải xa con trong quãng thời gian mà đứa trẻ cần tình yêu thương của cha mẹ nhất.

Anh Hùng chia sẻ: "Cũng buồn lắm mỗi khi con ngã hay bị đau, con chỉ khóc và gọi bà. Con ít nói chuyện với bố mẹ và cả ngày chỉ đòi gọi điện về cho bà. Mong là qua thời gian, vợ chồng tôi có thể bù đắp những thiếu sót tình cảm cho cháu !"

PGS-TS Nguyễn Văn Bàng (Phó trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai) chia sẻ, thời tiết thay đổi, giao mùa khiến trẻ thường mắc các bệnh như: ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, đau đầu, sốt, toàn thân khó chịu, viêm mũi, viêm V.A, viêm họng cấp… và ho thường là dấu hiệu cho các bệnh này.

Nếu bệnh nhẹ, bác sĩ khuyến cáo không nên dùng kháng sinh cho trẻ. Phương pháp chữa trị chủ yếu là làm long đờm, ăn uống đầy đủ. Nếu được chăm sóc tốt, nhiều trẻ sẽ tự khỏi sau đó vài ba ngày. Nếu trẻ đang bú mẹ, giai đoạn này, bạn nên tăng cường cho trẻ bú mẹ. Nếu trẻ đã bước vào tuổi ăn dặm, bạn nên cho trẻ ăn những loại thức ăn dễ tiêu, ít chất béo, ít chất ngọt và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Khi trẻ bị ngạt mũi, trước bữa ăn, bạn nên nhỏ mũi cho trẻ (dùng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mũi dành cho trẻ) để làm thông mũi trẻ. Trong những ngày thời tiết như thế này, cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, đặc biệt là khu vực tai, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.

Minh Châu (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI