Thời gian sẽ xua tan tất cả

21/06/2013 - 16:37

PNO - PN - Những ai không biết quá khứ của chị, khi nhìn tấm ảnh hai mẹ con chị tại lễ trao bằng tốt nghiệp đại học của con gái chị ở tòa nhà Quốc hội nước Úc thì cứ tấm tắc khen chị thật hạnh phúc, có con gái ngoan, xinh đẹp,...

Ngày đó, chị đến với anh bằng tình yêu trong sáng của một cô sinh viên mới ra trường, anh thì đã qua hai đời vợ, hơn chị gần 20 tuổi. Cha mẹ chị không chấp nhận anh vì cho là không môn đăng hộ đối. Hạnh phúc mà anh chị tự tạo lập thật khó khăn. Nhà cách xa cơ quan hơn mười cây số, ngày ngày chị đạp xe đạp đi làm, vừa chợ búa, cơm nước, chăm sóc mẹ chồng bị tai biến nằm một chỗ. Sau 5 năm, mẹ chồng mất, chị mới dám sinh con. Do hậu quả của lần sinh khó, lại thêm những stress của cuộc sống, chị bị mất sữa hoàn toàn. Cái khó chồng thêm cái khổ, nhiều hôm chị không đủ tiền mua sữa cho đứa con gái ốm tong như con mèo ướt, lại bệnh tật triền miên. Anh thì không bỏ được tật “vui đâu, chầu đó”, nhậu nhẹt bê tha không chăm sóc gia đình, cả vật chất lẫn tinh thần. Điều khiến chị hãi hùng nhất là những đêm đi nhậu về, anh không chịu vào nhà mà cứ ngồi ngoài hàng hiên trước cửa sổ phòng hai mẹ con chị để chửi rủa, chì chiết, ghen bóng ghen gió, tưởng tượng ra chuyện chị cặp bồ với các ông sếp lớn, với những ông Việt kiều nào đó rồi đem nó rêu rao khắp bạn bè và cơ quan chị. Chị sống không người chia sẻ, cảm thông; uất nghẹn vì những thị phi, gièm pha sau lưng của đồng nghiệp. Họ dựa vào lời chồng chị để thêu dệt làm quà cho nhau trong các câu chuyện “bà tám”. Ngày tháng nặng nề trôi qua, không biết từ lúc nào chị đã không còn yêu anh nữa. Nhưng, vì bổn phận, trách nhiệm phải gìn giữ nền nếp gia phong mà ba má chị vốn xuất thân từ tầng lớp phong kiến rất xem trọng, nên chị tự dặn lòng cắn răng mà sống cho qua kiếp này, để con chị không phải khóc van xin ba mẹ đừng ly hôn.

Thoi gian se xua tan tat ca

Cái vỏ bọc hạnh phúc giả tạo ấy rồi cũng đến ngày bục rách. Một buổi tối, tình cờ hai mẹ con chị về nhà khác giờ với ngày thường và bắt gặp chồng chị cùng người đàn bà khác, ngay trong chính căn phòng của chị. Đắng cay, chị không nói nên lời, đưa con về nhà mẹ ruột tá túc. Trước khi ra khỏi nhà, chị chỉ nói được một câu: “Nếu anh muốn làm chuyện đó thì hãy ly hôn trước đã”. Trên đường trở về nhà ngoại, chị hỏi con gái có còn muốn mẹ níu giữ cuộc sống gia đình này nữa không, con gái chị nói như đinh đóng cột: “Giờ con thấy mẹ phải ly hôn với ba thôi!”. Vài ngày sau, anh vội vàng ký vào đơn ly hôn mà không cần đọc nội dung. Ngày tòa án mời hai người đến làm thủ tục, anh chỉ xin chị một điều: “Em hãy giúp anh đừng để con nghĩ xấu về ba nó”. Chị không yêu cầu anh chu cấp khi con gái lựa chọn sống với chị. Cầm quyết định tòa án cho thuận tình ly hôn, chị thở phào như trút được gánh nặng, đâu ngờ búa rìu dư luận vẫn đang chờ chị trong những ngày tháng sau đó.

Kể từ sau ngày chị báo cáo tình trạng ly hôn cho lãnh đạo cơ quan và chi bộ là bắt đầu chuỗi ngày đau khổ của người mẹ đơn thân. “Bỏ của chạy lấy người”, chị chỉ mang theo cây đàn piano đã gắn bó với hai mẹ con suốt bao nhiêu năm. Chị gần như trắng tay sau cuộc ly hôn. Mẹ và các anh chị em đã giúp chị đến hai phần ba số tiền để mua căn hộ chung cư hơn 60m2, số còn lại chị phải vay trả lãi hàng tháng. Nợ nần không khổ bằng điều tiếng thị phi. Trộm vào nhà lấy mất điện thoại di động, chị mua cái mới, lập tức trong cơ quan có ngay tin đồn ông B. tặng chị điện thoại; thấy chị ly hôn đã lâu mà vẫn một mình lẻ bóng, họ hỏi thẳng vào mặt chị: “Xinh đẹp như bà thì thiếu gì đàn ông, chắc là bà giấu”. Có những hôm xe máy hư, chị đi làm bằng xe ôm thì bị lục vấn: “Ông nào chở vậy, có phải bồ không?”. Chị là cán bộ có năng lực nhưng khi không được bổ nhiệm vào vị trí trưởng thì lập tức có dư luận vì chị yêu người có vợ nên bị tố cáo lên cấp trên. Như kẻ tội đồ, chị sống trong u uất, bị giám sát chặt chẽ ngay cả lúc đi công tác cho đến cả khi về quê đám giỗ, xem có ông nào đi cùng không. Nhiều lúc nghĩ quẫn, chỉ muốn kết thúc cuộc đời. Nhưng, chị không thể chết vì chị đâu chỉ sống cho riêng mình. May mà ông trời chẳng cho ai tất cả nhưng cũng chẳng lấy hết của ai mọi thứ, con gái chị sống rất bản lĩnh, cháu tập xe đạp và tự đi học để mẹ không phải đưa đón hàng ngày; thường động viên mẹ mỗi khi chị rơi vào tâm trạng lo lắng: “Mẹ yên tâm, con là người sống lạc quan, trong trường con có nhiều bạn hoàn cảnh cũng giống nhà mình, chiều nào con cũng thấy ba dượng, mẹ kế tới rước chúng về”. Có lẽ đó là chỗ dựa vững chắc, quan trọng nhất, là niềm vui, là động lực giúp chị vững vàng gạt bỏ mọi điều thị phi để đi qua giông tố một cách bình an. Rồi chị chuyển công tác về cơ quan mới, con chị vào một trường đại học danh tiếng của Úc, cháu tốt nghiệp hai bằng cử nhân và học tiếp lên thạc sĩ; những ngày cuối tuần và dịp nghỉ hè cháu đi làm thêm để chị không phải vất vả kiếm tiền lo các khoản chi tiêu cho con gái nơi đất khách quê người.

Thời gian đã dần xua đi mọi nỗi khổ đau của chị.

Khánh Tâm 

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: lyhonlaloithoat@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchuyennhavi /strCate=chuyennha

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchamevaconvi /strCate=chamevacon

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEphongcachsongvi /strCate=phongcachsong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh