Thị trường vật tư y tế Trung Quốc: Vàng thau lẫn lộn, giá cả leo thang

26/04/2020 - 06:00

PNO - Tình trạng thiếu nguyên liệu đang gây náo loạn thị trường vật tư y tế ở Trung Quốc, khiến giá các sản phẩm cần cho cuộc chiến chống COVID-19 tăng vọt.

Tờ Nhật báo Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn tin từ hơn một chục nhà sản xuất hoặc kinh doanh thiết bị y tế ở Trung Quốc, xác nhận việc thiếu hụt vải không dệt, polypropylen (dùng cho khẩu trang phẫu thuật và áo choàng), nitrile (sản xuất găng tay), cũng như các bộ phận của máy thở và nhiệt kế.

Một nhà sản xuất được yêu cầu cung cấp áo choàng phẫu thuật cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của chính phủ phương Tây, nhưng phải hủy thỏa thuận sau khi giá mỗi chiếc áo choàng tăng từ 80 xu Mỹ lên hơn 3 USD trong vài tuần.

Giá nguyên vật liệu sản xuất thiết bị y tế như vải không dệt có lớp bảo vệ đã tăng rất cao và trở nên khan hiếm.
Giá nguyên vật liệu sản xuất thiết bị y tế như vải không dệt có lớp bảo vệ tăng rất cao và trở nên khan hiếm

Một mặt, sự thiếu hụt là điều dễ hiểu. Các quan chức hải quan tiết lộ trước đó vào tháng 3, Trung Quốc đã xuất khẩu gần 4 tỷ khẩu trang, 37,5 triệu áo choàng và áo cách ly, 16.000 máy thở và gần 4 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm. Việc sản xuất quá mức làm cạn kiệt dự trữ hóa chất và nguyên liệu cần thiết để sản xuất vải.

Vào ngày 24/2, nhà sản xuất thiết bị y tế Sinopec thiết lập 10 dây chuyền sản xuất vải không dệt, thêm hai dây chuyền nữa vào đầu tháng 3. Ở thời điểm đó, công ty sản xuất ra 18 tấn vải không dệt mỗi ngày. Số nguyên liệu này dùng sản xuất thành 3,6 triệu khẩu trang N95 hoặc 18 triệu khẩu trang phẫu thuật vào giữa tháng 4.

David Sun - thương nhân chuyên kinh doanh thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) tại thành phố Nghĩa Ô - nói rằng giá vải không dệt có lớp bảo vệ trước khi đại dịch xảy ra có giá khoảng 20.000 nhân dân tệ (2.825 USD) mỗi tấn.

Bây giờ, nếu người mua có thư giới thiệu của chính phủ, vải có giá dưới 200.000 nhân dân tệ mỗi tấn (28.300 USD); nhưng nếu không có, giá thị trường có thể là 500.000 nhân dân tệ (70.700 USD) mỗi tấn.

Chủ một nhà máy sản xuất khẩu trang họ Liu ở Phúc Kiến cho biết, ông đã tiếp cận với một nhà cung cấp đáng tin cậy nhưng hiện giá cả dao động rất nhiều, không chỉ do nhu cầu quá cao mà còn do nhà cung cấp địa phương tích trữ. Dù vậy, ông Liu vẫn có thể chịu đựng chi phí nguyên liệu mà không ảnh hưởng đến giá thành phẩm ít nhất là cho đến nay.

Một nhà sản xuất vải không dệt có lớp bảo vệ độc lập trong khu công nghiệp Cixi gần Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang nói rằng sự biến động giá cả, mức tiêu chuẩn giảm, với sự khan hiếm của vải dẫn đến hàng loạt sản phẩm không đạt tiêu chuẩn ồ ạt đổ vào thị trường.

Thị trường Trung Quốc xuất hiện hàng nhái, kém chất lượng. Buộc chính phủ phải siết chặt xuất khẩu nhằm hạ nhiệt thị trường và đảm bảo uy tín ở ngoài quốc tế.
Thị trường Trung Quốc xuất hiện hàng nhái, kém chất lượng buộc chính phủ phải siết chặt xuất khẩu nhằm hạ nhiệt thị trường và đảm bảo uy tín ở ngoài quốc tế

Một chuyên gia về nguồn cung ứng tại Thượng Hải cho biết nhóm của ông đã thử nghiệm nhiều mẫu từ các lô hàng khẩu trang gửi đến Anh và các nước châu Âu khác, vốn được cho là làm từ vải phủ lớp bảo vệ.

Ông tiết lộ: “Chất lượng rất tệ, chúng tôi đã kiểm tra chúng trong phòng thí nghiệm và thấy rằng chúng không có lớp phủ cần thiết để cản các giọt bắn. Điều này giải thích lý do tại sao rất nhiều người bị bệnh”.

Các nhà chức trách ở Trung Quốc và nước ngoài quyết định truy quét các thương nhân giả mạo trên thị trường, đưa ra luật xuất khẩu mới cứng rắn hơn, theo đó mọi đơn hàng vật tư, thiết bị y tế đều phải được hải quan kiểm tra, đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Mặt khác, các chính phủ nước ngoài quyết định bỏ qua lớp trung gian trong khu vực tư nhân nhằm giảm thiểu rủi ro mua phải các thiết bị y tế chất lượng kém, giá đắt. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng có một kho dự trữ PPE cho các giao dịch mang tính quốc gia.

Tấn Vĩ (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI