Theo cô dâu đi “bắt chồng”

30/06/2022 - 06:00

PNO - Lần đầu tiên trong đời tôi được mời đi ăn cưới tám ngày bảy đêm ở bon Rchai Bư, xã Đắk Búk So, H.Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Đến nơi, chỉ thấy bà già tên Thị Nhai ngồi bên chiếc cầu thang nứt nẻ: “Mọi người theo cô dâu Thị Mai đi “bắt chồng” Điểu Xuân rồi. Cái chân già này không đi nhanh được mới phải ở nhà”.

 

Người H re vẫn giữ tập tục bắt rể
Người M'Nông vẫn giữ tập tục bắt rể

Đã bắt được chồng 60 mùa rẫy 

Nhưng tôi không vội đi ngay, vì câu chuyện của bà Thị Nhai (76 tuổi) răng rụng gần hết, hay móm mém cười, âu yếm nhìn ông già Điểu Khâu.

Điểu Khâu và Thị Nhai cùng sinh ra và lớn lên ở bon Rchai Bư. Đến mùa rẫy thứ 15 thì chàng trai Điểu Khâu muốn nắm cái tay Thị Nhai. Thị Nhai không đẹp, nhưng nhà Thị Nhai cơm canh lúc nào cũng nóng, rượu lúc nào cũng sẵn, chiếu trải không hết, tấm đắp được xếp cao, khách khứa ra vào nhiều… thì “chắc chắn con gái nhà đó sẽ giỏi giang, tháo vát” - Điểu Khâu và cả nhà anh đều nghĩ thế, rất ưng cái bụng.

Nhiều cậu trai bon gần, bon xa lân la gợi chuyện, tìm cách giúp đỡ Thị Nhai và lấy lòng cha mẹ Thị Nhai, nhưng cái bụng Thị Nhai đã có Điểu Khâu rồi. Thị Nhai rủ Điểu Khâu cùng nhau đi cưa răng cửa hàm trên đến sát lợi và giũa nhọn hàm răng dưới, rồi nhuộm răng đen bóng. 

Cha mẹ Thị Nhai thấy Điểu Khâu khỏe mạnh, xốc vác, biết lo lắng cho gia đình của mình, giỏi đan gùi, đan tó, biết tra cán xà gạc, cán cuốc, giỏi đặt bẫy kiếm cá, biết đánh chiêng, thổi sáo, biết dựng nhà… vậy là nhờ ông mối sang hỏi ngay về làm chồng Thị Nhai. 

Đôi vợ chồng già Thị Nhai - Điểu Khâu cưới nhau đã 60 năm
Đôi vợ chồng già Thị Nhai - Điểu Khâu cưới nhau đã 60 năm

Chuẩn bị của cải để đi "bắt chồng" 

Để chuẩn bị cho đám cưới, bà Thị Nhai phải chuẩn bị thật nhiều ché rượu cần, giã thật nhiều gạo nếp, phải muối măng chua cho ngon và phải đủ số thịt heo để cúng và đãi khách. Phải làm cần uống rượu, sắm hàng trăm tô chén, chuỗi cườm để làm quà mừng cho cha mẹ và dòng họ của chồng. Dệt những bộ iêng, khố, áo đẹp cho ông, bà, bố mẹ và cô dâu mặc trong ngày cưới. Sắm sáu chiếc ché làm đồ sính lễ để mang sang nhà trai.

Ông mối dẫn đầu đoàn nhà trai, theo sau là cha mẹ chú rể, chú rể và họ hàng chú rể đi sang nhà gái mang theo một gùi đựng vài chục ống nứa đựng măng chua đậy bằng da trâu, một chiếc lược, một vòng đồng, một cuốc nhỏ, một dao nhỏ, một cái xà gạc, một chuỗi cườm, sáu chiếc ché, một con heo và một con gà trống còn sống.

Ông mối nhà trai mời chú rể trao gùi ống nứa đựng măng chua cho cô dâu. Cô dâu rút hai ống nứa cao nhất có vẽ hoa văn. Ông mối vừa đọc những câu chúc mừng vừa đeo chuỗi vòng vào cổ cô dâu, cài lược vào mái tóc, cài dao vào búi tóc và cuối cùng đeo chiếc vòng vào cổ tay cô dâu. Ông mối nhà gái đeo vòng vào tay chú rể. 

Thị Nhai và Điểu Khâu phải hứa trước mặt hai họ: Nếu sau này bên nào ngoại tình hoặc bỏ nhau sẽ bồi thường cho bên còn lại 16 chiếc ché, tám con trâu, sáu dòng chiêng. (Thỏa thuận giao ước này phụ thuộc vào kinh tế của các gia đình khác nhau). Trong trường hợp có con, phải đền cho con cái số trâu tương đương với số con mà họ sinh được và không được quyền nuôi con. 

Nhớ lại chuyện xưa, già Điểu Khâu cười hở răng, hở lợi: “Người M’Nông mình khi đã trao cho nhau chiếc vòng tay cầu hôn và chuỗi cườm là lời thề nguyền gắn kết trọn đời bên nhau. Nay con cháu đầy nhà, già mới tặng được đôi ngà nhắc nhớ 60 mùa rẫy vợ bước trước, chồng theo sau không rời”. 

Số rượu chuẩn bị cho đám cưới
Số rượu cần chuẩn bị cho đám cưới

“Bắt chồng" thời nay không khác gì thời xưa 

Tôi thấy mình như lạc vào xứ sở hồng hoang khi thấy một tốp đông đàn ông đàn bà hộ tống cô dâu Thị Mai, chú rể Điểu Xuân vào ngôi nhà của cô dâu được trang hoàng rực rỡ. Người nào cũng lủng lẳng trên tay một xâu thịt heo vàng ươm thơm nức. Họ đưa cho tôi một xâu thịt, rồi cứ thế kéo tôi vào nhập cuộc. 

Ông mối hỏi cô dâu và chú rể: “Hai cháu có thay đổi ý định kết hôn không? Cả hai đồng thanh trả lời “Không thay đổi”. Ông mối dặn dò: “Hai vợ chồng đã lấy nhau trước sự chứng kiến của hai họ rồi thì phải yêu thương, chung thủy với nhau đến trọn đời”.

Sau đó cô dâu và chú rể lần lượt công khai rõ trước đây đã từng yêu thương ai, ở đâu, xác nhận hiện nay đã chấm dứt hoàn toàn. Bố mẹ và họ hàng hai họ kể hết tật xấu của con mình cho bên kia biết (chẳng hạn như con trai tôi là đứa hay uống rượu, lười tắm… còn con gái tôi là đứa vụng về, hay ngủ dậy muộn…) để sau này cha mẹ khỏi thất vọng và biết cách khuyên nhủ, dạy dỗ con cái.

Bố mẹ hai bên cùng căn dặn: “Hai con đã thành vợ thành chồng thì bảo ban nhau chăm chỉ làm ăn, phải biết yêu thương và đối tốt với nhau, có hiếu với bố mẹ, hòa thuận với anh em và bon làng. Đừng ham chơi như khi ở với bố mẹ. Không đánh chửi nhau, lúc tức giận không được xúc phạm bố mẹ, dòng họ…”.

Hai ông mối hai bên sẽ kể gia phả để cô dâu và chú rể biết mối quan hệ thân - sơ giữa hai họ, học theo những điều hay lẽ phải và rút kinh nghiệm từ những người đã kết hôn trước. Sau đó chàng rể ôm con gà trống, hai ống nứa đựng măng chua đi theo cha vợ. Cha vợ sẽ chỉ cho con rể biết chỗ ngủ của gia đình, để chú rể tránh vi phạm những luật lệ cấm kỵ của mẹ vợ và gia đình vợ.

Rượu cần được cột một hàng dài. Rượu của bố mẹ cô dâu dành cho con gái một ché to nhất, quanh cổ ché có đeo một chuỗi hạt được cột đầu tiên. Tiếp theo là ché mời bố mẹ và họ hàng nhà chồng, rồi đến ché rượu mừng của họ hàng nhà gái và ché rượu của khách mừng.

Việc góp rượu, tiếp rượu mừng là nghĩa vụ của dòng họ nhà gái thể hiện sự đậm đà trong tình nghĩa họ hàng và sự trọng thị giữa hai bên thông gia với nhau. 

Ông mối chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ sau đó nhường lời cho mẹ cô dâu: “Cha mẹ không có gì, chỉ có ché rượu nhỏ làm quà mừng hạnh phúc cho hai con. Chúc các con sống với nhau thật hạnh phúc, làm ăn có nhiều của cải, sinh được nhiều cháu cho cha mẹ và nuôi chúng khôn lớn như cha mẹ đã nuôi các con”. 

Trong lúc cha mẹ và đôi vợ chồng trẻ uống rượu thì dàn chiêng nổi lên đánh bài “mừng hạnh phúc” rộn ràng. Rồi cần rượu được trao cho ông mối, cha mẹ chồng, họ hàng hai bên cứ từng cặp xen kẽ uống mừng với cô dâu, chú rể.

Hai vợ chồng Thị Mai - Điểu Xuân châm rượu cho khách dự cưới
Hai vợ chồng Thị Mai - Điểu Xuân châm rượu cho khách dự cưới

 

Suốt đời vợ đi trước, chồng theo sau 

“Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, cầu mong cho mọi sự tốt đẹp, êm ấm, sống với nhau đến già, đến trọn kiếp” và hai ông mối bất chợt xô thật mạnh đầu của cô dâu và chú rể vào nhau. Hành động này thể hiện sự “tâm đầu ý hợp” của đôi vợ chồng trẻ.

Cô dâu Thị Mai và chú rể Điểu Xuân này mải thả hồn theo lời nói của ông mối nên bị cụng đầu đến nổ cả đom đóm. Tuy rất đau, đỏ cả mặt mũi nhưng cả Thị Mai và Điểu Xuân đều cười vui vẻ, vì đó là dấu hiệu mang đến hạnh phúc.

Cô dâu Thị Mai bốc từng nắm cơm nếp kèm vài miếng lòng heo bước ra giữa chiếu, quỳ xuống bón ông bà, cha mẹ chồng, cô dì chú bác, ông mối, anh chị em chồng. Điều này thể hiện sự tôn trọng và biết ơn công lao sinh dưỡng của cha mẹ đối với con cái. Đây cũng là lúc cô dâu bày tỏ tình cảm gần gũi, quý mến gia đình chồng của mình. 

Mẹ cô dâu trao cho mẹ chú rể một ché có giá trị để trả công dòng sữa mẹ chồng. Sự trả ơn tượng trưng ấy nhằm an ủi người mẹ đã cho họ nhà gái một đứa con trai khỏe mạnh, giỏi giang. Đồng thời đó cũng là lời hứa sẽ xem con rể như con đẻ của mình.

Sự ân cần của gia đình vợ làm chú rể Điểu Xuân cảm thấy gần gũi và dễ hòa nhập hơn. Và để góp vui cho hạnh phúc của đôi trẻ, họ hàng và khách mời mang đến những ché rượu cần, những chiếc tô bới canh măng chua, gạo để góp thổi cơm đãi khách, thịt lợn, gà và những chuỗi cườm làm vật kỷ niệm. Ai đến trước ăn trước, ai đến sau ăn sau, hết thịt lại mổ tiếp heo, hết cơm lại tiếp tục nấu, rượu mừng khách mang đến cứ đổ nước thật đầy, cần được cắm liên tục, ai say cứ say, ai hát cứ hát, chiêng trống vẫn rộn ràng không ngớt.

Những ngày vui không chỉ của cô dâu, chú rể và hai họ mà còn là niềm vui chung của cả lũ làng bon Rchai Bư. Sau khi bị “bắt”, chàng Điểu Xuân trở thành người của nhà vợ. Và suốt đời luôn vợ đi trước, chồng tiếp bước theo sau. 

Thủy Vũ

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI