Thênh thang hẻm phố

14/03/2021 - 05:40

PNO - Hẻm phố luôn thanh bình vì tránh được khói bụi và tiếng ồn. Nắng chiếu vào hẻm đỡ gắt hơn, mưa xiên vào hẻm cũng đỡ ầm ào, những đêm có trăng hẻm sẽ càng tuyệt nếu biết chọn góc nhìn để đóng khung vào tầm mắt vầng sáng hài hòa, có nét mềm mại tựa như một bức tranh.

Những con phố sầm uất với những dãy nhà cao tầng, những làn xe và cửa hiệu mặt tiền, hàng quán sáng trưng đèn điện chưa bao giờ hấp dẫn tôi. Mỗi lần đặt chân đến bất kỳ thành phố nào, tôi cũng chỉ muốn tìm tòi, chui vào những con hẻm nhỏ với không gian chật hẹp nhưng gần gũi, đậm hơi thở đời thường. 

Nếu những tuyến phố trung tâm luôn được quy hoạch gọn ghẽ và ngăn nắp, hiếm khi thay hình đổi dáng, thì ở những con hẻm quanh co, mỗi lần ghé thăm là một cảm xúc khác.

Góc ban công của một ngôi nhà mới hôm nào còn trống trải, thì hôm nay đã được phủ đầy sắc màu của những chậu hoa nhỏ. Một bức tường sơn vàng đơn điệu tháng trước bây giờ đã được ai đó vẽ lên một bức tranh mới mẻ, tràn đầy cảm hứng.


Hẻm phố luôn thanh bình vì tránh được khói bụi và tiếng ồn. Nắng chiếu vào hẻm đỡ gắt hơn, mưa xiên vào hẻm cũng đỡ ầm ào, những đêm có trăng hẻm sẽ càng tuyệt nếu biết chọn góc nhìn để đóng khung vào tầm mắt vầng sáng hài hòa, có nét mềm mại tựa như một bức tranh.

Dạo trong hẻm, chẳng ai muốn đi nhanh, vì sẽ có rất nhiều điều bình dị, đẹp đẽ níu chân người: gánh đậu hũ thơm hương gừng của bà lão phúc hậu dừng lại bên đường, một cửa hàng hoa tươi được bài trí đơn giản, ngân lên một vài khúc nhạc du dương, hay một chú mèo lười đang uể oải phơi mình, lim dim dưới hàng hiên ngập nắng…

Người sống trong hẻm đa phần đều thuộc tầng lớp lao động, vất vả nhưng hiền hòa. Mỗi ngày, người lớn có thể lân la ra ngõ để hỏi thăm nhau tình hình làm ăn, thời tiết.

Đôi khi, khoảnh nhỏ vuông vức cuối hẻm còn được trưng dụng để đặt một chiếc bàn con, nơi các bô lão chiều chiều đánh cờ tướng, uống nước trà. Trẻ con trong hẻm ném lon, tạt dép, túm tụm chơi đồ hàng, nhảy dây… Những trưa nắng, những chiều hè, đôi khi hẻm cũng ồn lên bởi tiếng trẻ con chí chóe.

Nói đến đây, tôi chợt nhớ đến bộ phim có tựa đề Reply 1988. Đây không chỉ là cái tên nằm trong top những bộ phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc mà nó còn là bộ phim gây thương nhớ cho rất nhiều thế hệ khán giả Việt Nam.

Những ai sinh ra và lớn lên vào thập niên 1990 đều dễ dàng bắt gặp mình trong đó. Những gia đình khó khăn trong một căn hẻm nhỏ nheo nhóc với đàn con đông đúc đang tuổi ăn, tuổi lớn. 

Phụ huynh thì vất vả, đôi khi túng thiếu vì thu nhập thấp, đầu tắt mặt tối, nhưng lũ trẻ lại lớn lên trong hạnh phúc.

Chúng có thể xem hàng xóm là nhà, có thể gọi những cô chú không họ hàng thân thích bằng những danh xưng gần gũi như người thân ruột thịt. Bọn trẻ có hội, có nhóm để gắn kết và vui chơi, để chỉ cần tan học là có thể tụ tập theo kiểu "không cần điện thoại nhưng sẽ biết tìm nhau ở đâu vào lúc 5 giờ chiều". 

Trong góc hẻm đó, gia đình nào có món gì ngon thì cùng chia cho cả xóm, khi gia đình nào gặp hoạn nạn thì những người còn lại xúm xít san sẻ khó khăn... Sống trong hẻm, con người dễ trao đi tình cảm và sự gắn bó, không khác gì ở những làng quê. 

Tôi có cô bạn là chủ một tiệm đồ handmade. Có dịp ghé ngang cửa hàng, tôi bảo: "Tiệm của cậu dễ thương, hàng hóa rất chất lượng và phong phú, nhưng thật đáng tiếc là nó nằm sâu trong hẻm nên sẽ hạn chế khách hàng”.

Bạn tôi nói: “Không hẳn đâu, những ai yêu cái đẹp handmade, chắc chắn họ sẽ biết cách đi tìm và muốn đi tìm. Khách hàng của tui thênh thang lắm”. 

Phải rồi, nơi chật chội nhất không hẳn là nơi có không gian chật hẹp nhất mà là nơi có những căn nhà được đánh số vô tri, sống vài năm chưa biết tên hàng xóm, nơi mà ở đó con người chỉ biết sống vội, cấp tập đến rồi đi, lướt qua nhau không hề gây thương nhớ. Còn trong những con hẻm kia, nhịp sống gợi mở, thênh thang vô cùng. 

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI