Thế giới ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ trong 3 ngày liên tiếp

07/07/2023 - 22:06

PNO - Nhiệt độ trung bình của Trái đất tiếp tục ở mức cao kỷ lục vào ngày 6/7, giữa một tuần được đánh giá là nóng nhất lịch sử ngành khí tượng.

 

Người dân che nắng khi đi bộ giữa đợt nắng nóng ở Bắc Kinh, vào ngày 23/6. (Ảnh: REUTERS)
Người dân che nắng khi đi bộ giữa đợt nắng nóng ở Bắc Kinh, vào ngày 23/6. (Ảnh: REUTERS)

Theo dữ liệu từ Máy phân tích khí hậu của Đại học Maine (Mỹ) - một công cụ sử dụng dữ liệu vệ tinh và máy tính mô phỏng để đo lường tình trạng khí hậu của thế giới, nhiệt độ trung bình trên hành tinh đạt 17,23oC trong ngày 6/7, vượt qua mốc 17,180C được thiết lập vào ngày 4/7 và ngang bằng mức của ngày 5/7.

Nhiều nơi trên Trái đất đang trải qua nắng nóng nguy hiểm - điển hình như huyện Tỉnh Hình, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ghi nhận nhiệt độ 43,3oC, hoặc ghi nhận thời tiết ấm áp bất thường - ví dụ như Nam Cực, nơi nhiệt độ trên phần lớn lục địa lên tới 4,5oC.

Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã đưa ra một lưu ý thận trọng về những phát hiện của công cụ Maine, nói rằng họ không thể xác nhận toàn bộ dữ liệu mà mô hình máy tính cung cấp.

NOAA cho biết: “Mặc dù chúng tôi không thể xác thực hoàn toàn kết luận phân tích của Đại học Maine, nhưng chúng tôi nhận ra rằng chúng ta đang ở trong thời kỳ ấm áp bất thường do biến đổi khí hậu”.

Nhiều nhà khoa học khí hậu coi dữ liệu từ Đại học Maine là một dấu hiệu đáng lo ngại khác của biến đổi khí hậu trên toàn cầu và không hề ngạc nhiên trước cảnh báo.

Robert Watson - cựu chủ tịch Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc – nhận định, các chính phủ và khu vực tư nhân “không thực sự cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”, và mọi người dân cũng vậy.

Ông Watson cho biết thêm: “Tất cả đều yêu cầu năng lượng rẻ, thực phẩm rẻ và không muốn trả phần chi phí môi trường dùng sản xuất thực phẩm và năng lượng”.

Tấn Vĩ (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI