Khủng hoảng khí hậu, sóng nhiệt cực đoan chỉ là khởi đầu?

07/07/2023 - 16:37

PNO - Những sự kiện biến đổi khí hậu cực đoan xảy ra gần đây cho thấy sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của Trái đất trước những tác động tiêu cực của con người.

Khi nhiệt độ ở nhiều quốc gia đang nóng đến mức “sôi sục” trong tuần này, các nhà khoa học cho biết các kỷ lục về nhiệt độ trung bình của Trái đất là một dấu hiệu rõ ràng về việc phát thải của con người đang làm môi trường nóng lên như thế nào.

Kim Cobb, 1 nhà khoa học khí hậu tại Trường đại học Brown (một trường thành viên của Ivy League, Mỹ) cho biết: “Biến đổi khí hậu xảy ra theo nhiều cách... không chỉ đơn thuần là nóng.”

Các rạn san hô đang chết dần, bão Nor'easter dữ dội hơn và khói cháy rừng đã "đầu độc" bầu không khí ở phần lớn khu vực Bắc Mỹ vào mùa hè này là một trong nhiều dấu hiệu khác của tình trạng khủng hoảng khí hậu.

"Việc hành tinh của chúng ta ngày càng nóng lên do sử dụng nhiên liệu hóa thạch không phải là điều bất ngờ, nhưng nó gây nguy hiểm cho con người và cho cả hệ sinh thái mà chúng ta phụ thuộc. Chúng ta cần phải nhanh chóng ngăn chặn điều đó" - Stefan Rahmstorf (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Potsdam, Đức) cho biết.

Một số những sự kiện khí hậu diễn ra “lần đầu tiên” trong thời gian gần đây cho thấy biến đổi khí hậu đã gây tác động đến hành tinh này, trong đó có cả những thứ chúng ta chưa hề biết đến.

Khói từ đám cháy rừng ở Canada - hình ảnh được chụp vào 2 tháng 6 vừa qua (Ảnh: AP/Noah Berger)
Khói từ đám cháy rừng ở Canada - hình ảnh được chụp vào 2/6 vừa qua - Ảnh: AP/Noah Berger

Dữ liệu mới được Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus công bố, nhiệt độ đại dương đã ấm lên một cách “đặc biệt” ở Bắc Đại Tây Dương với sóng nhiệt biển “cực đoan” trong khu vực gần Ireland, Vương quốc Anh và ở Biển Baltic.

Khói một số đợt cháy rừng bắt nguồn từ miền bắc Canada là nguyên nhân về chất lượng không khí ở mức nguy hiểm tại miền đông Bắc Mỹ. Khói độc do các đợt cháy rừng đã trở nên quen thuộc ở Bờ Tây nước Mỹ, nhưng các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến cháy rừng và khói có nhiều khả năng xảy ra và dữ dội hơn. 

Khi nước biển Thái Bình Dương ấm lên, hiện tượng El Nino đang hình thành sớm hơn bình thường 1 hoặc 2 tháng. Hiện tượng này thay thế La Nina - có chức năng làm mát nước biển Thái Bình Dương, góp phần làm giảm nhiệt độ toàn cầu. Tổ chức Khí tượng thế giới dự đoán có 98% khả năng ít nhất 1 trong 5 năm tới sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận, vượt qua năm 2016 khi hiện tượng El Nino cực kỳ mạnh.

Theo Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia thuộc Đại học Colorado Boulder (Mỹ), có 11,7 triệu km2 được bao phủ bởi băng ở Nam Cực được đo vào ngày 27/6, con số này thấp hơn gần 2,6 triệu km2 so với mức trung bình của ngày này trong giai đoạn 1981-2010. Nói cách khác, một khu vực băng tuyết có diện tích gần gấp 4 lần Texas đã biến mất khỏi thế giới.

Hà Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI