Thế giới bước vào cuộc đua sản xuất máy thở

06/04/2020 - 12:00

PNO - 30% bệnh nhân COVID-19 nhập viện có khả năng phải thở máy. Giới y tế lo ngại vì lượng máy thở có giới hạn.

Báo cáo từ Imperial College London (Anh) ước tính 30% bệnh nhân COVID-19 nhập viện có khả năng phải thở máy. Dù vậy, lượng máy thở có giới hạn và bài toán ai được, ai mất chính là điều làm giới y tế sợ hãi.

Máy thở quyết định khả năng sống còn 

Từ đầu tháng Ba, các bệnh viện tại miền bắc nước Ý đã tràn ngập bệnh nhân COVID-19. Các bác sĩ buộc phải đưa ra quyết định bệnh nhân nào sẽ được chăm sóc đặc biệt bởi lượng máy thở có giới hạn. Theo lời kể của bác sĩ Christian Salaroli trên tờ Corriere della Sera, hàng trăm bệnh nhân bị suy hô hấp nặng và nhiều người trong số họ không được tiếp cận với bất cứ thứ gì ngoài mặt nạ ô-xy. Ông nói: “Chúng tôi đánh giá khả năng chữa trị dựa trên tuổi tác và điều kiện sức khỏe, giống như thời chiến tranh. Tất cả tiêu chí ghi sẵn trong sách”. Tính đến sáng 5/4, Ý đã có hơn 124.000 người nhiễm COVID-19 và hơn 15.000 người thiệt mạng.

Máy thở do công ty Draeger, Đức sản xuất trưng bày tại một triển lãm thiết bị y tế vào tháng 3/2020 - Ảnh: Getty Image
Máy thở do công ty Draeger, Đức sản xuất trưng bày tại một triển lãm thiết bị y tế vào tháng 3/2020 - Ảnh: Getty Image

Tình trạng tương tự đang diễn ra tại New York, Mỹ khi tính đến ngày 4/4, tiểu bang có hơn 113.000 ca nhiễm và 3.565 người chết vì COVID-19. Nhân viên cấp cứu nhận lệnh rằng, nếu không cảm nhận được mạch đập của bệnh nhân có triệu chứng như đau tim, họ sẽ không đưa người đó đến bệnh viện và chỉ liên hệ đội xử lý pháp y vì phải tập trung cho những ca bệnh có tỷ lệ cứu chữa cao hơn. Để ứng phó tình hình nghiêm trọng, tiểu bang New York đã ký hợp đồng mua 17.000 máy thở, chủ yếu từ các công ty Trung Quốc, và chỉ khoảng 2.500 đã được giao, kèm theo đó là 1.000 máy do công ty Alibaba trao tặng.

Các nước tăng cường sản xuất máy thở

Dữ liệu từ Anh cho thấy, 33/98 người sử dụng máy thở tại London có thể vượt qua tử thần, con số này ở Vũ Hán (Trung Quốc) chỉ là 3/22, nhưng nếu không được thở máy và chăm sóc tích cực, bệnh nhân suy hô hấp do COVID-19 chắc chắn sẽ chết. Vì vậy, cuộc đua sản xuất máy thở là điều các quốc gia cần thực hiện, bên cạnh điều chế thuốc, vắc-xin và sản xuất khẩu trang.

Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) cho biết, toàn đất nước chỉ có 8.175 máy thở và đang khẩn trương tìm cách mua thêm. Chính phủ ước tính quốc gia hơn 66 triệu dân có thể cần tới 30.000 máy ở đỉnh điểm của đại dịch và đã đặt hàng 10.000 máy mới từ công ty công nghệ Dyson. Một số công ty khác - bao gồm một nhánh của tập đoàn Airbus, Meggit và GKN - cũng đang tìm cách cung cấp thêm máy thở dựa trên các thiết kế hiện có.

Đức, quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 thuộc hàng cao tại châu Âu, lại chỉ có tỷ lệ tử vong khoảng 0,8%. Lý giải con số khả quan này, nhiều chuyên gia lưu ý rằng bên cạnh việc xét nghiệm diện rộng để khoanh vùng ca nhiễm, Đức có nhiều máy thở hơn hẳn so với các nước láng giềng, ở mức khoảng 25.000 máy; trong khi Pháp có khoảng 7.000, còn Ý là hơn 5.000. Berlin đang có kế hoạch sản xuất thêm khoảng 10.000 máy thở để ứng phó với tình trạng xấu nhất khi dịch bệnh lan rộng.

Tại Mỹ, nhà sản xuất xe hơi Ford và “gã khổng lồ” công nghiệp General Electric (GE) đã cam kết sẽ cùng nhau sản xuất 50.000 máy thở trong vòng 100 ngày. Việc sản xuất sẽ bắt đầu vào ngày 20/4, với khoảng 500 nhân viên làm việc gần như 24/7 ở ba ca. Nhiều nhà sản xuất khác cho biết, họ sẽ trang bị lại dây chuyền sản xuất để chế tạo thiết bị y tế. Công ty ô tô điện và năng lượng xanh Tesla sẽ bắt đầu sản xuất máy thở tại nhà máy sản xuất pin mặt trời của mình ở New York, trong khi nhà sản xuất ô tô Volkswagen của Đức tại Mỹ cho biết họ đang thử nghiệm sử dụng máy in 3D để chế tạo các bộ phận của máy thở.  
Tương tự tại Pháp, nhà sản xuất mặt nạ phòng độc Air Liquid đã hợp tác với nhà sản xuất phụ tùng xe hơi Valeo, nhà sản xuất ô tô PSA và công ty thiết bị điện Schneider Electric để sản xuất khoảng 10.000 máy thở vào giữa tháng Năm. Chính phủ Pháp đã dành 4 tỷ euro (4,4 tỷ USD) bổ sung cho ngân sách y tế nhà nước để tài trợ cho khẩu trang và máy thở.

 

Tấn Vĩ (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI