Thanh xuân của mẹ đâu rồi?

19/05/2020 - 05:23

PNO - Đúng là thanh xuân người phụ nữ giống một ly trà thật. Có người, ly trà của họ vừa nóng vừa đắng, có người vừa nguội vừa nhạt, cũng có người vừa mát vừa ngọt.

Năm nào cũng vậy, cứ trước các ngày lễ lớn là tôi thấy mẹ chồng bày biện đủ thứ vật dụng để nhuộm tóc. Mái tóc của bà đã bạc gần hết, nên thỉnh thoảng bà lại “níu kéo thanh xuân” bằng cách mua thuốc nhuộm tóc về ngồi tự nhuộm trước gương. Chủ nhật vừa rồi cũng vậy. Vì ở nhà nên tôi quyết định phụ mẹ một tay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thật ra, tôi mới về làm dâu vài năm thôi, nên cũng chưa có nhiều dịp để làm điều gì cho mẹ. Cho đến chiều hôm đó, ngồi nhuộm lại mái tóc đã bạc của bà, tôi thấy lòng mình rưng rưng. Lâu nay, tôi ít để ý đến vẻ ngoài của mẹ nên cũng không biết mái tóc kia giờ đã bạc gần hết đầu, làn da đã nhăn nheo và mắt bên phải của bà đã yếu. Tôi giật mình nhận ra mẹ già đi rất nhiều.

Mới hôm nào, trên sân khấu làm lễ cưới, lúc bà xuất hiện, ai cũng trầm trồ khen ngợi “mẹ chồng thật trẻ đẹp và sang trọng”. Vậy mà hôm nay, mẹ trở nên già nua như vừa trải qua mấy mươi năm trời.

Tôi nhận ra tóc mẹ rụng nhiều quá, mái tóc xơ khô và dễ rối. Mẹ bảo: “Hồi đó tóc mẹ dài, đen và đẹp lắm, đâu có như bây giờ”. Tôi cười an ủi: “Hồi mẹ còn trẻ, tóc có nhiều dưỡng chất nên khỏe. Giờ mẹ già, tóc phải bạc, phải rụng là chuyện bình thường. Má con ở quê cũng vậy, giờ tóc bà đã bạc trắng cả đầu”.

Đúng là phụ nữ, ai cũng có một thuở thanh xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống. Vẻ đẹp đó thể hiện qua mái tóc, làn da. Khi già đi, sau quãng đường còng lưng nuôi con khôn lớn, dành cả thanh xuân để chăm sóc gia đình, thì tóc bạc, da nhăn, mắt mờ là điều tất yếu. Khó người phụ nữ Việt nào có thể giữ được thanh xuân lâu dài, bởi họ phải gánh quá nhiều vất vả, gian truân để lo trọn vẹn cho chồng con.

Sếp tôi là một phụ nữ xinh đẹp, hiện đại, và mẹ của sếp cũng vậy. Dù già nhưng bà vẫn “quần là áo lượt”, mỹ phẩm, trang điểm khi ra đường. Hôm trước, có lần bà lên thăm con gái rồi ở lại vài ngày. Lúc về, bà “xin” con gái mấy cây son và mấy chai dưỡng thể.

Mỹ phẩm sếp mua toàn loại tốt và đắt tiền, thấy mẹ ngỏ ý xin vài món mang về quê dùng thì sếp từ chối yêu và bảo: “Trời trời, coi mẹ chị kìa, đã không mua mỹ phẩm cho con gái thì thôi, giờ còn đòi lấy hết mấy cây son mới mua của chị…”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi biết sếp nói thế chứ trong lòng vui và hạnh phúc lắm. Chị gom hết son mẹ thích, cả những mỹ phẩm hàng hiệu chị mua nhưng chưa dùng để tặng mẹ. Tôi nghĩ, đó cũng là cách mà chị muốn giữ lại chút thanh xuân cho bà.

Má tôi thì khác. Không biết thời trẻ của má thế nào, chứ từ khi ý thức được việc làm đẹp, tôi chưa lần nào thấy má “biết” chăm chút cho bản thân. Hồi tôi còn ở quê, chưa bao giờ má mua cho tôi mỹ phẩm hay bất cứ vật dụng làm đẹp nào.

Có lẽ, cuộc sống của má khổ cực, chân lấm tay bùn, cả ngày cong lưng ngoài đồng nắng cháy rồi quanh quẩn với khói bếp rơm rạ, nên chẳng bao giờ thấy má đi làm đẹp. Tôi nhớ, duy nhất một năm, đêm giao thừa má lên nhà bé Châu con cô Hải làm móng chân móng tay và uốn lại mái tóc ăn tết.

Vì khách đông, nên má phải đợi rất lâu mới được cô chủ làm đẹp cho, đến gần giao thừa mới về tới nhà. Khỏi phải nói, đêm đó ba chì chiết, nặng nhẹ với má cỡ nào. Từ đó về sau, tôi không bao giờ thấy má bước đến tiệm uốn tóc thêm lần nào nữa.

Bữa trước, má gọi điện vô nhờ tôi mua giùm chai nhuộm tóc loại tốt để má tự nhuộm tại nhà. Hứa với má rồi, mà lu bu công việc nên tôi quên luôn. Tới chừng má đón xe đò vào Sài Gòn khám bệnh, lúc thấy má cột lại mái tóc sau hành trình dài mấy trăm cây số, tôi mới chợt nhớ.

Hôm đó, sau khi khám bệnh xong, má ở lại chơi một ngày, tôi ngỏ ý chở má ra salon cho thợ nhuộm và uốn lại mái tóc. Nói mãi má vẫn nhất định không đi. Má nói má sợ ba nghĩ má vào đây chơi, làm tóc làm tai chớ bệnh hoạn gì. Vậy là tôi lại lỡ cơ hội tìm lại chút thanh xuân cho má.

Dạo trước, tôi thấy trên mạng xã hội, dân tình xôn xao “thanh xuân như một ly trà” như một “hot trend” với các biến thể khác nhau. Tôi chợt nghĩ, đúng là thanh xuân người phụ nữ giống một ly trà thật. Có người, ly trà của họ vừa nóng vừa đắng, có người vừa nguội vừa nhạt, cũng có người vừa mát vừa ngọt. Có người, thanh xuân của họ là một khoảng thời gian đầy thơ mộng, yêu thương, nhưng cũng có người là chuỗi ngày đắng cay, cơ cực.

Thanh xuân của mỗi người phụ nữ đi qua và luôn để lại “dấu tích” ở quãng đời về già của họ, như má ruột tôi ở quê, như mẹ chồng tôi ở thành phố, như người mẹ của sếp mà tôi gặp đôi lần. 

Đi làm lại rồi, bạn đã “tút tát” lại thanh xuân của mình chưa? 

Huyền Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI