“Tấm vé đến thiên đường” - từ phim đến… nhà tôi

20/11/2022 - 06:00

PNO - Phim "Tấm vé đến thiên đường" không thuộc dạng “bom tấn” nhưng thực sự chạm đến tôi ở thời điểm này, độ tuổi này...

Tôi đã từng nghĩ “biết thế ngày đó”

Dịp 20/10 vừa qua, chồng tôi đặt vé xem phim Tấm vé đến thiên đường. Bộ phim khiến tôi hài lòng vì có hài, lãng mạn, có những khoảng lặng, có chút suy ngẫm. Ở tuổi không còn trẻ trung nông nổi như hồi 20, cũng chưa có nhiều trải nghiệm cuộc đời như tuổi 40, 50, tôi rất quan tâm đến ứng xử giữa vợ chồng và giáo dục con. 

Chuyện kể về một đôi vợ chồng trung niên, đã ly hôn sau nhiều năm và họ có chung một cô con gái. Cả hai ghét nhau nhưng vẫn chung mối quan tâm là con và luôn có mặt trong mỗi dấu mốc của con. Lần gặp này là một sự kiện quan trọng và có phần đột ngột vì con gái của họ chuẩn bị kết hôn với một chàng trai cách nhà hàng triệu dặm chỉ sau một tháng gặp gỡ trong chuyến đi chơi sau tốt nghiệp đại học. 

Cũng giống bao cha mẹ khác, họ muốn đưa ra lời khuyên, muốn can thiệp vào quyết định của con, muốn con “không đi vào vết xe đổ của cha mẹ”. Người mẹ cho rằng con đang lặp lại những gì mẹ làm thời trẻ: gặp một người và nghĩ là mình yêu người đó nhất, rồi sinh con, rồi mâu thuẫn, đường ai nấy đi. 

Có phải cha mẹ thường nói: “con nên thế này, con nên thế kia, con đừng làm việc đó, đừng chơi với đứa đó, đừng yêu người đó”… Nghe quen không? Rất quen nhỉ! Cha mẹ luôn muốn rút kinh nghiệm những sai lầm của mình ở con cái, muốn con chọn cái này vì sẽ “tốt hơn”, nhưng không thể. 

Vợ chồng tác giả rất hạnh phúc bên cậu con trai đáng yêu
Vợ chồng tác giả rất hạnh phúc bên cậu con trai đáng yêu

 

Tôi và chồng cũng có những lúc tranh cãi, giận dỗi, cũng từng hơn một lần tôi đã nghĩ “biết thế ngày đó…”. Nhưng rồi dần dần, tôi hiểu ra và chấp nhận rằng mọi chuyện hiện tại, những người tôi gặp, người tôi chọn, chính là người tôi cần gặp và cần chọn.

Bởi vì nếu quay lại, tôi của ngày đó, đã chọn công việc đó, thích người như thế, tôi đã luôn sống hết mình để không phải nuối tiếc, và vì vậy mới có tôi hiện tại. Nghĩ hướng tích cực hơn, thì mọi chuyện cũng không tệ, vợ chồng tôi đã và đang vui vẻ, hạnh phúc, đâu phải chỉ toàn cãi vã. 

Một điều khác khiến tôi chú ý trong phim và quan sát từ cuộc sống là những khó khăn về kinh tế. Đó là một thử thách lớn với những cặp vợ chồng trẻ trong những năm đầu sau đám cưới.

Lúc này, ai cũng nghĩ đến một căn nhà, có nhà rồi thì muốn có xe hơi, muốn con học ở môi trường tốt, muốn nhiều hơn nữa. Khi có biến cố xảy ra, sẽ mâu thuẫn nhiều lắm, tại anh, tại cô, tại ngày đó. Mâu thuẫn sẽ phá vỡ hết tất cả những vui vẻ, hạnh phúc trước đó. 

Trong bộ phim, qua lời kể của người bố với bạn của con thì ông đã nỗ lực mua đất và xây một căn nhà ở bên hồ - nơi người mẹ rất thích. Tuy nhiên, một vụ cháy xảy ra và mọi thứ tan biến, những lần cãi nhau, những mâu thuẫn, những chán ghét, đổ lỗi khiến họ rời xa nhau và dù đã đường ai nấy đi, họ vẫn ghét bỏ nhau, luôn “gây chiến” bất cứ khi nào nhìn thấy nhau. 

Vợ chồng tôi cũng từng có thời gian căng thẳng. Có những ngày tôi luôn muốn tránh mặt, tránh nói chuyện với chồng cho đến tận lúc đi ngủ. Đó là khi mới cùng nhau mua được một căn chung cư ở thành phố, áp lực trả nợ khiến chồng lao vào công việc, tôi cũng muốn làm tốt công việc bán hàng để góp sức phần nào. Thời điểm dịch bệnh, chúng tôi còn phải trông con vì trường học chưa mở cửa, ông bà ở xa.

Đỉnh điểm là một lần, cả hai (mà chủ yếu là tôi) dùng những lời lẽ nặng nề, quy chụp nhau ngay trước mặt con. Cũng may là chúng tôi đã biết nhận sai và xin lỗi nhau, chưa nóng giận đến mức viết đơn ly hôn - điều mà tôi thấy bây giờ dường như dễ dãi hơn so với thời của cha mẹ tôi. 

Sao phải đợi đến ngày mai?

Trong phim, có một câu thoại của người vợ mà tôi ấn tượng: “Em thích trông con, nhưng em sợ nếu cứ ở nhà một ngày nào đó em không còn nhận ra bản thân nữa”. 

Tôi từng có suy nghĩ giống như thế. Tôi thích bên con, nhưng đồng thời cũng sợ rằng cứ mãi ở nhà thì bản thân sẽ tụt hậu, kém cỏi hay bị coi thường vì “ăn bám”, “ở nhà chồng nuôi”...

Tôi nghĩ về bản thân trong quá khứ, đã từng nhiệt huyết ra sao, năng động thế nào, khác tôi bây giờ chỉ thích quanh quẩn bên con. Thường thì các bà vợ không muốn hoặc khó nói ra điều khiến mình lo lắng, nhất là khi điều đó lại có liên quan đến chồng, đến tiền bạc. Tôi từng như vậy, tôi cứ úp mở, bóng gió với chồng chuyện tôi ở nhà trông con thì anh ấy phải lo làm ăn là đúng. Tôi nói vừa như kể công, vừa như để tự bào chữa cho sự thiếu tự tin của mình. 

Vợ chồng tôi đã trò chuyện rất nhiều, động viên nhau rất nhiều để hiểu nhau hơn và thống nhất về định hướng trong gia đình. Tôi đã học cách nói ra cảm nhận, suy nghĩ của mình, kiểu “em cảm thấy buồn”, “em sợ người ta nghĩ em là không làm gì mà cứ để chồng lo”… thay vì chụp mũ đối phương “anh thật vô tâm”, “anh chỉ biết làm việc”…

Và thật kỳ diệu, khi nghe những điều đó, chồng tôi cũng mở lòng động viên: “Anh chưa bao giờ nghĩ thế, em cứ làm điều em thấy thoải mái”. 

Cuối cùng, tôi chấp nhận rằng tôi cứ bên con khi con còn nhỏ, để chồng yên tâm tập trung làm việc. Chồng cũng sẽ dành thời gian trong ngày để chơi cùng con, dắt con đi dạo để tôi có thời gian cho riêng mình.

Tôi không biết sau này liệu chúng tôi có tiếp tục cùng chung suy nghĩ, liệu vẫn bên nhau nhìn con khôn lớn và già đi cùng nhau hay không? Chỉ là bây giờ tôi biết sống chậm lại để chấp nhận hiện tại, để hiểu mình và chồng con hơn, hài lòng với cuộc sống, như câu nói của người vợ trong phim “sao phải đợi đến ngày mai”. 

Vợ chồng trong phim cuối cùng đã nắm tay nhảy khỏi thuyền để lưu lại nơi hòn đảo xinh đẹp với con gái, tôi tin những khúc mắc, những câu hỏi, những lời chưa nói đã được tháo gỡ và thấu hiểu. Một bộ phim đáng xem, dành cho những người đã và đang lập gia đình. 

Nguyễn Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI