Sắp xếp đời mình khi còn có thể

15/03/2018 - 16:28

PNO - Có lẽ chúng ta bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc đến cảm xúc của bản thân, sắp xếp đời mình, sống cuộc sống của chính mình hơn là đặt đời mình vào bàn tay của con cái.

Sân chùa đầy lá. Người ken nhau từng bước, mùi hương xộc vào mắt cay nồng. Ngồi dưới tán cây đa mát rượi, nhìn cơ man nào là người đi viếng chùa đầu năm mới, với rất nhiều dáng vẻ, tôi nghe lòng bâng khuâng, mơ hồ nhận ra dù là ai, dường như chúng ta đều có những khoảng trống chênh vênh, đôi khi thiết tha lắm một nơi nương tựa, dẫu là chốc lát.

Sap xep doi minh khi con co the
Ảnh minh họa

 “Cháu có con chưa?”. Tôi giật mình trước câu hỏi nhẹ nhàng, thân mật của người đàn bà luống tuổi ngồi kế bên. Trông bà thật đẹp. Chiếc áo sơ-mi tay dài màu nâu được cắt may rất khéo, phối với quần tây màu kem khiến bà toát lên vẻ chỉnh chu nền nã. Chỉ sau nụ cười và ánh mắt như sẵn sàng nghe chuyện của tôi, bà xoay xoay chiếc lá vàng trong tay, ánh mắt buồn xa xăm, bà miên man kể về mình, như lâu lắm rồi mới có dịp.

Bà đi sang Mỹ định cư khi hai con, một trai một gái còn tuổi tiểu học. Sang bên ấy vài năm thì ông mất. Một mình bà, bỏ quên sách vở và những viên phấn, bỏ quên ánh mắt ấm áp của những người đàn ông hướng về mình.

Gần 20 năm bà cố gắng làm việc để hòa nhập vào một xã hội mà có giàu tưởng tượng đến mấy bà cũng không thể hình dung. Khó nhọc vô cùng cho một thân phận tha hương. Bà chỉ biết làm việc, làm việc và con cái.

Các con lớn, hơn 5 năm nay bà ở một mình. Một năm đôi ba lần chúng đến thăm. Bà ngồi bên bàn ăn, nghe các con cháu ngồi bên kia nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ, về những vấn đề mà bà cứ ngẩn ngơ như mình đi lạc.

Giấc mơ về một rặng dừa xanh bên dòng sông ngầu đục phù sa, về một vùng ánh nắng ấm áp, về ngôi chùa nghi ngút khói hương trở đi, trở lại trong bà. “OK. Mẹ cứ về Việt Nam nếu mẹ thấy thích”. Câu nói của hai đứa con nhẹ nhàng như buông một vật gì đó vướng tay. “Cũng buồn cháu nhỉ?”, bà nói nhẹ, không nhìn tôi, ánh mắt hướng về những mảnh lá vàng bị dẫm nát nằm tơi tả trên nền xi-măng xỉn màu.

Mẹ gọi điện báo ông mất. Ông gần 90 tuổi, nhà sát vách nhà tôi ở quê và có họ xa với mẹ. Bà mất lâu lắm, mất vì băng huyết khi sinh cậu Út. Mẹ kể, lúc ấy mẹ đã lớn, mỗi ngày thấy ông bế cậu đi khắp xóm để xin bú thép. Biết bao người đàn bà góa chồng, cả những cô con gái, thoáng chùng lòng khi thấy một mình ông nách bốn con.

Có tin ông cảm tình với bà này cô kia, sự thật thế nào chưa rõ, chỉ biết đến ngày ông già yếu cũng thui thủi một mình đi chợ nấu ăn, lúc nằm một chỗ cũng chỉ có cô giúp việc nhà cậu Út ngày hai lần mang cơm và lau dọn sơ sơ. Những đêm cúp điện hay mưa to sấm giật đùng đùng, mẹ qua ngồi cạnh ông, nghe ông gọi tên từng đứa con mà ứa nước mắt. 

Chị đồng nghiệp tái hôn khi đã ngoài 50 tuổi. Tôi đi đám cưới tập hai cũng vài lần, toàn là những người thân quen cả. Lần nào, tôi cũng thấy vẻ bối rối có chút ngại ngùng trong ánh mắt của những người trong cuộc. Duy buổi tiệc tuyên hôn của chị lần này tôi không tìm ra điều đó.

Sap xep doi minh khi con co the
Ảnh minh họa

Mắt sáng lấp lánh, chị cười suốt buổi, chiếc áo dạ hội dài màu xanh ngọc khiến chị rạng rỡ và trẻ trung đến ngỡ ngàng. Chị ôm lấy tôi, nói nhỏ khi tiễn tôi về: “Chị cần có người bầu bạn em à. Con cái không thể bên mình mãi. Chúng có cuộc đời của chúng. Từ chối cơ hội lần này, tuổi già của chị sẽ tội nghiệp. Và cũng tội cho con phải không?”.

Những lời nói của chị cứ luẩn quẩn mãi trong đầu tôi. Có lẽ chúng ta bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc đến cảm xúc của bản thân, sắp xếp đời mình, sống cuộc sống của chính mình hơn là đặt đời mình vào bàn tay của con cái. Bởi lẽ con rồi còn có con của chúng, có những vấn đề riêng của chúng.

Một căn nhà, một số tiền, một bạn đời, những người bạn thân có lẽ phải được chuẩn bị khi hãy còn có thể, hơn là cả cuộc đời gom lại trao hết cho những đứa con để rồi con bay đi - lẽ tất nhiên - mình khuỵu xuống trong nỗi tủi hờn và sự xót thương của người khác. Có nên chăng? 

Loan Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI