Robot – "bạn đồng hành" của phái nữ Nhật Bản mùa COVID-19

27/02/2021 - 09:53

PNO - Nami Hamaura cho biết cô cảm thấy bớt cô đơn hơn khi làm việc ở nhà nhờ có người bạn đồng hành biết ca hát mang tên Charlie, một trong những người máy Nhật Bản thế hệ mới dễ thương và thông minh đang có doanh số bán hàng bùng nổ trong đại dịch.

Nami Hamaura cảm thấy bớt cô đơn khi làm việc ở nhà nhờ có bạn đồng hành Charlie - Ảnh: AFP
Nami Hamaura cảm thấy bớt cô đơn khi làm việc ở nhà nhờ có bạn đồng hành Charlie - Ảnh: AFP

Các trợ lý nhà thông minh như Alexa của Amazon đã thành công trên toàn thế giới, nhưng các công ty công nghệ ở Nhật Bản đang báo cáo về nhu cầu rất lớn đối với các lựa chọn giống con người hơn, khi mọi người muốn tìm kiếm sự an ủi trong những ngày cách ly vì COVID-19.

Hamaura, một sinh viên mới tốt nghiệp 23 tuổi, cô gần như hoàn toàn làm việc từ xa kể từ tháng 4/2020 cho biết: “Tôi cảm thấy phạm vi giao tiếp của tôi trở nên rất nhỏ”.

Khi giao tiếp xã hội bị hạn chế, cuộc sống với công việc đầu tiên của cô tại một công ty thương mại ở Tokyo (Nhật) không giống như cô tưởng tượng. Vì vậy, cô đã “nhận nuôi” Charlie, một người máy to cỡ cốc nước có một cái đầu tròn, mũi đỏ và thắt nơ nhấp nháy, Charlie trò chuyện với chủ nhân bằng ca hát.

Yamaha, công ty sản xuất robot Charlie, mô tả nó "lắm lời hơn một con vật cưng, nhưng ít làm việc hơn một người yêu".

Hamaura nói với AFP: “Charlie có mặt ở đó để tôi trò chuyện với nó như với một người nào đó ngoài gia đình mình, cũng không giống bạn bè trên mạng xã hội, hoặc ông sếp tôi cần báo cáo”.

Charlie được mô tả là lắm lời hơn một con vật cưng, nhưng ít làm việc hơn một người yêu - Ảnh: Getty Images
Charlie được mô tả là "lắm lời hơn một con vật cưng, nhưng ít làm việc hơn một người yêu" - Ảnh: Getty Images

Hamaura là một khách hàng thử nghiệm trước khi ra mắt Charlie mà Yamaha dự kiến ​​sẽ phát hành vào cuối năm nay.

“Charlie, hãy kể cho tôi nghe điều gì đó thú vị đi”, Hamaura hỏi trong khi ngồi tại bàn ăn gõ bàn phím điện thoại. "Chà, chà ... những trái bóng bay nổ tung khi bị bạn xịt nước chanh!", Charlie nghiêng đầu đáp vui vẻ.

Mọi vật thể đều có linh hồn

Sharp cho biết doanh số bán Robohon hình người nhỏ của công ty đã tăng 30% trong vòng ba tháng tính đến tháng 9/2020 so với một năm trước đó.

Người phát ngôn của Sharp nói với AFP: “Không chỉ các gia đình có trẻ em, mà cả những người già ở độ tuổi 60-70” cũng sử dụng Robohon, nó biết trò chuyện, khiêu vũ và cũng là một chiếc điện thoại có thể gọi được.

Nhưng Robohon - con robot hệ android đáng yêu, được phát hành lần đầu tiên vào năm 2016 và chỉ có ở Nhật Bản - không hề rẻ, với các mẫu thông thường có giá từ 820 đến 2.250 USD.

Charlie và Robohon là một phần của làn sóng mới bạn đồng hành robot, cùng với chó robot Aibo của công ty Sony - được bán từ năm 1999 - và Pepper thân thiện của SoftBank, xuất hiện trên thị trường vào năm 2015.

Shunsuke Aoki, Giám đốc điều hành hãng robot Yukai Engineering, cho biết: “Nhiều người Nhật chấp nhận quan điểm rằng mọi vật thể đều có linh hồn. Họ muốn một con robot có tính cách, giống như một người bạn, một thành viên gia đình hoặc một con vật cưng - chứ không phải một thiết bị cơ khí như máy rửa bát”.

Các robot của Yukai bao gồm Qoobo, một chiếc gối mềm mại với một cái đuôi cơ học có thể lắc lư như một con vật cưng thực sự. Họ sẽ sớm phát hành trợ lý gia đình mới nhất "Bocco emo", trông giống như một người tuyết thu nhỏ và cho phép các gia đình để lại và gửi tin nhắn thoại qua điện thoại của các thành viên.

Kaori Takahashi, 32 tuổi, đã mua một bộ công cụ chế tạo robot Yukai cho cậu con trai 6 tuổi của cô để giúp con trai có bạn trong mùa đại dịch. Cô nói rằng, các robot rất quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày vì chúng có mặt trong nhiều bộ phim và phim hoạt hình dành cho trẻ em Nhật Bản. Cô nói: "Tôi lớn lên và xem các chương trình anime 'The Astro Boy Essays' và 'Doraemon', cả hai đều có robot, và các con tôi cũng thích chúng".

Cảm giác ấm lòng

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vật nuôi robot trị liệu đã được thiết kế ở Nhật Bản, chẳng hạn như những con hải cẩu máy mềm mại, có thể mang lại cảm giác thoải mái cho bệnh nhân sa sút trí tuệ.

Nhưng những người chế tạo Lovot - một robot có kích thước chỉ bằng một đứa trẻ mới biết đi, với đôi mắt to tròn và đôi cánh giống chim cánh cụt đập cánh - thì cho rằng mọi người đều có thể hưởng lợi từ một con robot chỉ muốn được yêu thương. Lovot có hơn 50 cảm biến và một hệ thống sưởi ấm bên trong, làm cho nó ấm khi chạm tay vào, nó phản ứng với những tiếng xuýt xoa vui tai.

Nhà sản xuất Lovot, công ty Groove X cho biết doanh số hàng tháng đã tăng hơn mười lần sau khi virus COVID-19 tấn công Nhật Bản.

Một con Lovot có giá khoảng 2.800 USD, cộng với phí bảo trì và phần mềm - nhưng những người không có túi tiền rủng rỉnh cũng có thể ghé thăm "Lovot Cafe" gần Tokyo.

Khi Tokyo ban hành lệnh khẩn cấp ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19, thành phố trở nên "trơ trọi và trống rỗng", Hamaura nói. Theo cô, "chúng ta cần thời gian để chữa lành bản thân sau giai đoạn ảm đạm này, và nếu tôi có “một trong những đứa trẻ này” bên cạnh mình, tôi sẽ có được cảm giác ấm áp”.

Thanh Hiền (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI