Ra chợ để đắm mình trong hương vị yêu thương

13/04/2017 - 06:30

PNO - Chợ sớm của quê tôi bây giờ đèn đuốc sáng choang, không còn cảnh đèn dầu, đèn măng-sông lờ nhờ như xưa nữa.

Không biết tự bao giờ, tôi rất yêu những buổi chợ sớm. Rau, cá tươi xanh thì hẳn rồi, nhưng còn thân thương hơn là những nụ cười chào mời của các bà chủ hàng, nó tươi tắn lắm! Ánh mắt cũng sao mà tha thiết mong người mở hàng “mát tay” cho mình mua may bán đắt.

Ra cho de dam minh trong huong vi yeu thuong

Chợ sớm cũng không phải kỳ kèo trả giá, không phải lật qua lật lại tới bầm giập cọng rau con cá... bởi cứ tươi xanh, giòn kháu trên mâm... Nào cá cơm, cá dứa, cá chốt, cá rô ron, cá con, ròng ròng, tép rong... bao nhiêu là đôi mắt trong veo không biết chớp, quây quẩy đuổi nhau trong chiếc thau nhôm trắng bạc.

Nào nấm bào ngư, nấm rơm, đọt bí bầu, cứ mịn màng như da em bé. Rồi những quả bí đao còn đầy lông măng, những quả bầu còn lem nhem màu đất, những quả ổi vườn còn vệt rệp sáp trắng nhờ nhờ...

Những ngày không phải đi làm sớm là tôi cứ ra chợ từ lúc chưa đến bảy giờ, để được nghe câu chào mời của dì Ba, chị Bảy, em Sáu, thím Tư, mợ Út, cô Hai... Rồi thả ánh nhìn chìm vào những rau đắng đất, dền cơm, đọt bầu, tai tượng, đậu rồng, bông bí... nghe yêu thương tràn ngập.

Khu chợ quê này đã bao lần thay đổi, nhưng tôi vẫn nhớ mãi tuổi 12 cùng gánh bánh canh của mẹ mỗi ban mai. Mẹ gánh nồi nước lèo kẽo kẹt đi trước, chiếc đòn gánh đã mòn hai mấu mà vẫn chưa thay mới. Tôi xách xô nước cho mẹ theo ra đến chợ rồi mới đến trường. Bộ quần áo học sinh có khi bị nước sánh ướt nhèm. 

Chợ quê thời đó đơn sơ lắm, không có hệ thống cung cấp nước sạch như bây giờ. Cô bán sương sâm bánh lọt, bà bánh canh cháo lòng hay thím khô cá, hàng bông… đều phải xách nước từ nhà theo mà dùng. Chợ quê nên không chỉ hàng hóa quê mùa mà người bán, người mua cũng rặt chất quê. Không có chuyện nói thách nói trả.

Ra cho de dam minh trong huong vi yeu thuong

Không có đồ ôi thiu hay ướp hóa chất để “hô biến” thành đồ tươi. Chợ quê nên món nào cũng tươi ngon. Hai bó rau muống đổi vài trăm gờ ram cá bã trầu. Nắm tép rong đổi chục trái điều để nấu nồi canh chua cho cồn cào bao tử. Chợ quê chỉ họp một lúc buổi sáng, từ bốn-năm giờ, đến mười giờ là xem như chợ vãn.

Có người bán “hên” gặp được người mở hàng mát tay là tầm tám giờ đã thấy hàng vơi hơn một nửa, ai “xui” thì đến tận mười giờ vẫn còn tú nụ mâm xửng nồi niêu, xem như hôm đó cả nhà ăn đến phát khóc. Mẹ tôi cũng có những buổi chợ ế, mang cả nồi bánh canh về. Thường đó là những ngày sụt sùi mưa; ế là… tình hình chung, chẳng ai nài ép được ai,  rau cá bánh quà gì cũng ế như nhau.

Nhà tôi năm con, ba tôi làm công trình xây dựng xa, lâu lâu mới về. Ngày ba về là ngày hội của gia đình vì sẽ có rất nhiều quà bánh. Những ngày ba vắng nhà, cái ăn dồn lên vai mẹ. Nồi nước lèo mười lít cho năm ký bánh đã đủ oằn vai. Mẹ tôi như con cò gầy, quanh năm lò dò góc ao nuôi hết lứa con này đến lứa con khác.

Những khoản tiền ba mang về thường được dành cho các “việc lớn” như lợp lại cái nhà, cuối năm trét lại mảng vách đất, biếu bà nội bộ ván ngựa mà bà vẫn mơ ước. Quan trọng nhất là mua một bồ lúa tầm vài chục giạ để ăn quanh năm và mớ áo quần, dép guốc, sách vở cho bầy con từ đầu năm học tới tết Nguyên đán.

Tôi cũng chẳng nhớ mình đã biết yêu những buổi chợ sớm ấy từ bao giờ, dù để đến được chợ, tôi phải đốt một nắm nhang làm “đèn”, rồi cót két trên chiếc xe đạp đi lấy bánh canh lúc bốn giờ ba mươi sáng tại lò bánh. Lại còn phải tạt ngang chợ mua ký giá, mớ rau sống cho xửng bánh mặn của mẹ được tròn vị.

Cái loại giá đó coi vậy mà đỏng đảnh, mua từ chiều hôm trước thì sáng hôm sau sẽ quăn queo và hôi gió, làm xấu và mất mùi thơm của đĩa bánh mặn vốn sực nức mùi nhân củ sắn-con ruốc. Mẹ đã nuôi chị em tôi lớn lên bằng gánh bánh canh và xửng bánh mặn trong những buổi chợ hừng sương đó. 

Chợ sớm của quê tôi bây giờ đèn đuốc sáng choang, không còn cảnh đèn dầu, đèn măng-sông lờ nhờ như xưa nữa. Người đi chợ sớm như tôi cũng không còn phải cầm nắm nhang làm “dấu hiệu” cho người đi đường biết.

Chợ quê giờ nước không còn nhớp nháp chân, đèn đã sáng rực từng nóc sạp, người đi chợ xa đã có đèn ló đội trên đầu… Những nét xưa của chợ quê sớm đã mất mát khá nhiều; chỉ xoi xói tiếng quẫy mình của cá, màu xanh ngăn ngắt tươi giòn của rau quả là vẫn còn vẹn nguyên.

Mẹ tôi bây giờ cũng đã không còn kĩu kịt trên vai đôi quang gánh. Nhưng nhớ chợ, mẹ vẫn tìm chút gì đó trong vườn nhà như mớ ớt xiêm rừng, dăm bẹ bạc hà, vài ký tắc, chanh… mang ra chợ ngồi, để được đắm mình trong hương vị yêu thương mà mẹ đã trải một đời.

Trang Đào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI