Phơi lúa bên sông

22/05/2025 - 13:06

PNO - Mỗi mùa gặt là một mùa nhớ, mỗi mùa phơi lúa nhắc nhớ những lắng đọng, yêu thương.

Bờ kè bê tông bên sông là sân phơi lý tưởng trong những ngày mùa ở quê tôi
Bờ kè bê tông bên sông là sân phơi lý tưởng trong những ngày mùa ở quê tôi

Buổi chiều mùa hè, sắc cam hồng phủ nhẹ lên không gian, gió từ con sông ven làng tràn lên mát rượi, tôi về thăm quê sau bao ngày xa cách. Trên bờ kè chạy dọc theo sông, phụ nữ quê tôi lom khom hốt lúa. Tiếng lúa đổ vào bao rào rạt, bờ tre già vi vút, lao xao.

Quê tôi miền Trung, nằm bên dòng sông Hiếu hiền hòa. Con sông như dải lụa xanh mượt mà, óng ả tưới tắm cho những cánh đồng, bờ ruộng thêm xanh tươi.

Để ngăn sạt lở, hơn chục năm trước, chính quyền địa phương đã cho xây dựng bờ kè cao, vững chãi, bề mặt đúc bê tông. Vào mùa gặt, nơi ấy trở thành chiếc sân phơi đón trọn ánh nắng cho dân làng. Từ sáng sớm, khi mặt trời còn khuất sau rặng tre già, mọi người đã chở lúa đến trải kín. Nắng lên, không gian như một tấm thảm vàng rực.

Lần nào về làng, tôi cũng đạp xe dạo chơi loanh quanh đây đó. Từ xa, thấp thoáng bóng những phụ nữ đang lom khom thu gom lúa. Người này đội nón lá, người kia kín mít khăn che mặt. Dẫu che chắn kín đáo, chỉ thoáng qua, tôi cũng nhận ra tất cả đều là họ hàng, người quen. Là o Hóa nhà bên, o Thìn xóm dưới. Từ sáng sớm, họ đã ra đồng gom lúa rồi tất bật chở lúa về kè phơi. Nhịp sống mùa gặt rộn rã phá vỡ bầu không khí làng quê yên tĩnh những ngày thường.

Làm mùa nay đã khác xưa. Máy móc vào cuộc, nông dân bớt nhọc nhằn. Chẳng ai còn gặt hái, gặt liềm. Máy gặt đập liên hợp xình xịch chạy 2 hôm, cánh đồng thẳng cánh cò bay chỉ còn trơ gốc rạ. Xe công nông, ba gác thay cho xe dùng sức kéo của gia súc. Riêng phơi lúa vẫn là công việc nặng nhọc.

Tôi chưa bao giờ quên hình ảnh bà nội một mình “ôm” mấy sân phơi. Mỗi lần trời chuyển mưa giông, nội chạy đôn chạy đáo.

Nội đổ lúa ra sân, dùng trang (một dụng cụ trải lúa) dàn đều từng vạt lúa thành mặt phẳng thật mỏng. Giữa trưa nắng, nội dùng đôi chân trần chai sạn để “cày lúa”. Nội bảo: “Muốn lúa vàng giòn, khô khén đều thì phải để các hạt lúa tắm nắng no nê”. Giữa trưa hè oi ả, nội ngồi bên hiên nhà phe phẩy nón, vừa đuổi gà vịt vừa canh lũ chó mèo quậy phá.

Mùa hè ở quê năm nào cũng mưa giông. Trời đang cao vời vợi, xanh thẳm, bỗng sấm rền vang, mây đen sầm sập kéo đến, rồi nước trút xuống ào ào. Những cơn mưa bất chợt khiến người phơi lúa không kịp trở tay, cả mẻ lúa đang phơi bị ngấm nước, hôm sau phải thực hiện lại từ đầu. Có những hôm mưa rất to, nước tràn từ sân ra vườn mang theo từng dòng lúa vàng ươm. Mẹ và nội ngồi bên hiên trông ra vườn, ánh mắt buồn rười rượi. Mỗi mùa gặt là một mùa nhớ, mỗi mùa phơi lúa nhắc nhớ những lắng đọng, yêu thương.

Giờ đây, nắng bên sông đã thôi gay gắt. Ánh chiều dịu lại thành những vệt hồng tím, mềm mại phủ lên mặt sông, bờ kè và những vườn cây đang dần chuyển sắc sang màu xanh trầm lặng lẽ. Thời gian như chậm lại. Những bao lúa đã được gom đầy. Chúng nằm yên trên nền đất, mang theo hơi ấm sau một ngày dài tắm nắng. O Hóa, o Thìn đến giờ được thong thả hóng gió, ngơi tay.

Một lát nữa, những bao lúa nặng trĩu sẽ được chất lên xe trở về nhà. Bờ kè ven sông lại nhuốm màu bình yên, hiền hòa. Những vì sao lấp lánh hiện ra. Gió nhẹ hơn và không còn mang theo mùi lúa. Đêm hè ven sông càng về khuya càng trong trẻo, mát lành.

Minh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI