Phụ nữ thời 4.0: Nữ quyền và những phụ nữ im lặng

07/03/2021 - 06:55

PNO - Đi về đâu những phong trào nữ quyền nếu chính bản thân phụ nữ chúng ta cứ ngồi im và không tự tìm lời đáp?

Năm 2019, truyền thông Hàn Quốc sục sôi khi hàng loạt vụ bê bối tình dục của các ca sĩ, diễn viên được khui ra, phơi bày một thực tế: thân thể phụ nữ bị lạm dụng và coi thường, mà có thể ai cũng ngầm biết như thế trước khi nó được công khai. Khi ấy, tại đất nước vốn khắc nghiệt với nữ giới, các phong trào đòi hỏi được tôn trọng, được ghi nhận dấy lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết… 

Trước đó, năm 2018 - khoảng thời gian các ngôi sao thế giới châm ngòi cho tinh thần nữ quyền - các nhãn hàng thời trang danh tiếng đã không ngần ngại bày tỏ tinh thần bình đẳng giới khắp các sàn diễn. Khắp nơi, nhà nhà người người đòi hỏi nữ quyền, từ siêu sao nổi tiếng như Meryl Streep, đến sô diễn Thu Đông của Prabal Gurung… đều truyền đi thông điệp nữ quyền.

Cũng năm đó, giám đốc sáng tạo Maria Grazia đã sáng tạo một không gian trình diễn đậm chất nghệ thuật mà poster khổ lớn in khẩu hiệu “Quyền phụ nữ là quyền của nhân loại”, như một cuộc hà hơi tiếp sức cho những phong trào đòi quyền phụ nữ khắp nơi và ngày một mạnh mẽ hơn.
Sau những phong trào nữ quyền lan rộng khắp nơi là gì?

Trong chúng ta, có bao nhiêu người mạnh dạn nói với những phụ nữ quanh mình về nữ quyền, bao nhiêu người mạnh mẽ phản ánh những hành động xem thường phụ nữ của đàn ông?

Người phụ nữ bán bún cá trong một con hẻm nhỏ ở quận Bình Thạnh (TPHCM) vừa hỏi tôi có cách nào để chồng cô ấy không đánh cô ấy nữa không. Anh ta đánh vợ gần 20 năm nay và đó như một thói quen. Câu hỏi ấy thực sự rơi vào khoảng không.

Nói sao với chị về nữ quyền? Ai sẽ là người giúp chị hiểu mình nên tôn trọng bản thân, biết phản kháng đòn roi thay vì cắn răng chịu đựng? Thậm chí chỉ cần hét lên “dừng tay lại”, đôi khi mọi thứ sẽ khác. Nhưng không…

Tôi hỏi: “Sao giờ chị mới tìm cách để ít bị đánh hơn?”, chị nói sau nhiều năm chịu trận, chị hiểu ra cần bảo vệ mình, nên bắt đầu tìm đường thoát. Thực tế, biết tìm đường để bảo vệ mình đã là một bước tiến dài trong suy nghĩ của biết bao phụ nữ trên trái đất này. 

Tôi nhớ có lần trả lời phỏng vấn của báo giới về tấm ảnh hở ngực của mình trên Vanity Fair, diễn viên Emma Watson nói: “Tôi hiểu rằng, có rất nhiều người hiểu sai về nữ quyền. Nữ quyền là trao cho phụ nữ quyền được tự mình lựa chọn”. Watson chính là người vận động mạnh mẽ cho chiến dịch #HeForShe nổi tiếng của Liên Hiệp Quốc, hashtag này đã được dùng đến 1,2 tỷ lần trên mạng xã hội.

Nhưng, đấy là Watson. Còn cô gái bán trái cây đẩy hay ngồi trước hiên nhà tôi đâu biết rằng mình được quyền sống theo sự lựa chọn của mình. Cô nhìn cách mẹ mình sống, mẹ chồng mình sống, những người cùng nhà trọ với cô sống. Họ bảo với nhau thôi cố đi, đàn bà ai mà không vậy. Nên sáng vào chợ sỉ lấy hàng, họ phớt lờ mấy câu khiếm nhã của đàn ông trong chợ, qua quýt chống đỡ những cái va chạm một cách cố ý của đàn ông. Họ cho qua mọi thứ với suy nghĩ là đàn ông phải thế đó và đàn bà phải thế này. 

Phụ nữ quanh tôi thậm chí chẳng biết rằng có bao người đang ra sức đấu tranh, tổ chức nhiều phong trào để cho họ được tôn trọng, cho họ được sống đúng với những gì họ đáng phải có. Đó là những người, trước hay sau các công cuộc nữ quyền, mọi thứ dường như không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Nuôi chồng, nuôi con và chăm sóc cả gia đình chồng là điều họ có quyền tự quyết cho mình.

Như cô gái bán trái cây ấy, cô có một ông chồng nát rượu suốt ngày đánh chửi vợ, mỗi chiều lại ra ngồi ngay xe trái cây của vợ… chửi cả thế gian. Thế nhưng, mỗi sáng trước khi ra khỏi căn phòng trọ, cô phải chuẩn bị sẵn đồ ăn sáng cho chồng, kèm theo một tờ 50.000 đồng để chồng mua rượu, phải chuẩn bị luôn đồ ăn hay mồi nhậu cho bữa trưa. Đều đặn tám năm ròng chưa một lần cô than. “Có chồng vẫn hơn mà chị…” - cô nói vậy và tôi tin rằng phần nhiều phụ nữ nghĩ vậy dù đôi khi họ chẳng trả lời được điểm hơn là gì.

Nếu không là phong trào, thì sẽ là gì?

Suốt năm 2020, phong trào #metoo vẫn tiếp tục được kêu gọi ở khắp nơi. #metoo từng là minh chứng của việc từ một phong trào nhỏ có thể thổi bùng lên thành một làn sóng lớn, được hưởng ứng mạnh mẽ. Đó là sức mạnh của đám đông, là lời tuyên chiến của một cuộc chiến từ thời cổ: cuộc chiến giữa đàn ông và đàn bà mà không biết tự khi nào, ý thức con người đã tự phân chia là phái mạnh và phái yếu. 

Phong trào #metoo được khởi xướng đầu tiên tại Mỹ vào tháng 10/2017, khi nữ diễn viên Ashey Judd lên tiếng cáo buộc nhà sản xuất phim có thế lực Harvey Weinstein. Những lời cáo buộc của Judd đã nhanh chóng được cả cộng đồng hưởng ứng bằng thái độ phê phán, chống lại các hành vi xấu. Nó lan rộng khắp trên thế giới, khiến nhiều chính khách, doanh nhân, diễn viên thân bại danh liệt bởi những lời tố cáo từ các nạn nhân.

Tại Việt Nam, làn sóng #metoo cũng nổ ra nhưng nhanh chóng chìm xuống. Có quá nhiều thứ cuốn chúng ta đi, khiến ta lãng quên ngay lập tức. 

Tôi có một người chị dâu là đại diện cho Hội Phụ nữ một xã nhỏ ở miền Trung. Chị lanh lẹ và ăn nói lưu loát. Thoắt cái chị chạy đi hàn gắn nhà này rồi hòa giải vợ chồng nhà kia. Nhưng chính chị là nạn nhân của một ông chồng bạo hành vô cớ và luôn buông lời tục tĩu với vợ. Chị bảo: “Kệ ổng. Chuyện trong nhà mà, miễn người ta không biết thì thôi”. Phải chăng để xóa được những định kiến, chúng ta phải cần thêm rất nhiều thời gian để nó không chỉ nằm lại ở những công cuộc hoành tráng mang tên phong trào.

Chính chị là người khao khát sinh con trai sau khi có được hai bé gái. Mới 12 tuổi, cậu con trai mà chị xem như người “cứu chị thoát khỏi điều tiếng”, đã vang danh cả làng vì bắt trộm gà, lấy cắp điện thoại, đánh nhau… Bây giờ, việc thường ngày của chị là đi khắp nơi để xin lỗi và trả tiền đền bù cho những gì con gây ra. Với chị, “con trai là số một, dù gì cũng phải có thằng con trai”. Trong khi đó, hai cô con gái của chị dù ngoan ngoãn, học hành đàng hoàng và luôn phụ giúp ba mẹ nhưng vẫn luôn bị xem như người thừa trong nhà. 

Những cuộc bùng nổ nữ quyền có lẽ lâu lắm mới đến được những ngôi làng như quê của chồng tôi vì chính những phụ nữ ở đó… tình nguyện định kiến mình.

Theo một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore, cơ quan lập pháp nào có tỷ lệ phụ nữ đông hơn thì các chính sách về luật pháp bảo vệ con người và môi trường sẽ được thông qua nhiều hơn. 

Đi về đâu những phong trào nữ quyền nếu chính bản thân phụ nữ chúng ta cứ ngồi im và không tự tìm lời đáp? 

Lan Khôi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI