Nghệ thuật nữ quyền: Có hay không tại Việt Nam?

25/08/2020 - 07:30

PNO - Nghệ thuật nữ quyền ra đời nhằm làm sáng tỏ những rào cản xã hội mà phụ nữ phải đối mặt, từ đó nêu bật tầm quan trọng của họ trong xã hội.

Trong một tiểu luận năm 2007, phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Thị Thanh Mai cho rằng, Việt Nam vẫn chưa thực sự có mỹ thuật nữ quyền. Mười năm sau đó, tiến sĩ về nghệ thuật đương đại người Anh Cristina Nualart khẳng định: “Nghệ thuật nữ quyền thực sự tồn tại ở Việt Nam”. Trước và sau giai đoạn mười năm này, là một cuộc vượt thoát khỏi lối mòn của người nữ để tìm lại tiếng nói của chính mình. 

Thuật ngữ “nghệ thuật nữ quyền” (feminist art) bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ cuối thập niên 60 tại Mỹ, được truyền cảm hứng bởi những cuộc bãi khóa của sinh viên, phong trào dân quyền, và làn sóng Nữ quyền thứ hai (Second-wave feminism). Trước đó, bên cạnh những bất lợi trong đời sống thường nhật, phụ nữ cũng chịu rất nhiều thiệt thòi trong thế giới nghệ thuật vốn bị thống trị bởi nam giới. Họ không được học tại các viện nghệ thuật, không được dự các lớp vẽ khỏa thân, thậm chí không có thời gian và không được ủng hộ sáng tác nghệ thuật.

Tác phẩm “Inner Confliction” của Nguyễn Thị Châu Giang.
Tác phẩm “Inner Confliction” của Nguyễn Thị Châu Giang.

Nghệ thuật nữ quyền ra đời nhằm làm sáng tỏ những rào cản xã hội mà phụ nữ phải đối mặt, từ đó nêu bật tầm quan trọng của họ trong xã hội; đồng thời, tái thiết lập trật tự của thế giới nghệ thuật, mang lại sự giải phóng và tự do biểu đạt cho các nữ nghệ sĩ nói riêng và phụ nữ nói chung.

Lối mòn truyền thống
Ai đó nói, “phụ nữ thường là đối tượng, hơn là tác giả của một tác phẩm nghệ thuật”. Guerrilla Girls - một nhóm nữ nghệ sĩ người Mỹ vô danh - đã tô đậm vấn nạn nhức nhối về sự bất bình đẳng giới trong nghệ thuật với tấm áp phích nổi tiếng năm 1989: “Do women have to be naked to get into the Met. Museum?” (Phụ nữ có cần phải trần truồng để được vào Bảo tàng Metropolitan?). Theo một thống kê thời điểm đó, có hơn 85% hình ảnh khỏa thân trong bảo tàng này là phụ nữ, nhưng trong phân khu Nghệ thuật Hiện đại chỉ vỏn vẹn dưới 5% nghệ sĩ là nữ giới.  

Nếu nghệ thuật phương Tây có mối quan hệ “mật thiết” như thế với hình ảnh phụ nữ khỏa thân, thì tương tự tại Việt Nam cũng có lối mòn đặc tả hình tượng người nữ trong nghệ thuật, đương nhiên “nhu mì” hơn và theo chuẩn “thuần phong mỹ tục” (tức không “trần truồng”).

Trong một tiểu luận năm 2007 của phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Thị Thanh Mai có viết: “Vì sao Việt Nam vẫn chưa thực sự có mỹ thuật nữ quyền?” - “Cái nhìn của những họa sĩ Việt Nam bị chi phối bởi quan niệm và cách nhìn của xã hội về phái nữ. Nhân vật nữ trong tác phẩm mỹ thuật là hình ảnh mong muốn của xã hội về họ, đó là nhu mì, đoan trang, dễ bảo, chịu đựng, duyên dáng… Nói tóm lại như tiêu chí của Nho giáo về người phụ nữ lý tưởng “công, dung, ngôn, hạnh”. Tiêu biểu cho những tác phẩm về phụ nữ là cái nhìn của người đàn ông và thể hiện phụ nữ theo quan niệm của họ”.

Chuỗi tranh lụa Bên trong tôi của Nguyễn Thị Châu Giang
Chuỗi tranh lụa Bên trong tôi của Nguyễn Thị Châu Giang

Những “vết nứt” bắt đầu cựa quậy

“Nếu hiểu nữ quyền thể hiện tiếng nói của nữ giới, theo cách suy nghĩ độc lập của họ và các nhân vật nữ được quyền sống theo các giá trị mà nữ giới mong muốn, những vấn đề sáng tác trong tác phẩm mỹ thuật là vấn đề của phụ nữ với cuộc sống mà họ đang đối mặt hằng ngày, phụ nữ được tôn trọng và độc lập chứ không phải theo cách nhìn mà đàn ông mong muốn, thì Việt Nam vẫn chưa thực sự có mỹ thuật nữ quyền”. Hơn một thập niên đã trôi qua, những nhận định của bà Thanh Mai về sự thiếu vắng của nghệ thuật nữ quyền tại Việt Nam có còn đúng? 

Đối lập với quan điểm của tiến sĩ Thanh Mai, trong luận văn được xuất bản năm 2018 của mình, tiến sĩ về nghệ thuật đương đại người Anh Cristina Nualart cho rằng: “Nghệ thuật nữ quyền thực sự tồn tại ở Việt Nam, mặc dù, giống như ở mọi quốc gia khác theo hiểu biết của tôi, đó là một thực hành bên lề trong tổng thể sản xuất nghệ thuật nói chung”. 

Bà Nualart đưa ra một vài ví dụ tiêu biểu cho thấy một số nữ nghệ sĩ đã bắt đầu tiếp cận chủ đề nữ quyền, một cách hữu ý hay vô ý, ở nhiều khía cạnh: từ chối sự lệ thuộc của phụ nữ, thách thức những vai trò truyền thống của phụ nữ, biểu lộ bản sắc nữ giới và tính dục. 

Chuỗi tranh lụa Bên trong tôi của Nguyễn Thị Châu Giang năm 2018 khắc họa tâm thức giằng xé khi phụ nữ phải vượt qua những khổ đau nội tại để mang lại hạnh phúc cho tổ ấm của mình.

3. Tác phẩm “Tháp mâm” (2000) của Ly Hoàng Ly.
Tác phẩm “Tháp mâm” (2000) của Ly Hoàng Ly.

Ly Hoàng Ly là một cái tên không xa lạ trong giới nghệ thuật với những tác phẩm mang đậm tính nữ mãnh liệt. Năm 2000, tác phẩm sắp đặt Tháp mâm của Ly được cấu thành từ 400 chiếc mâm nhôm luôn có mặt trong mọi bữa ăn Việt, tạo nên một “tượng đài” khổng lồ hình nón lá. Bên trong tác phẩm, những hình thể phụ nữ khỏa thân trong tư thế bay được treo lơ lửng mời gọi người xem khám phá khát vọng thầm kín của phụ nữ bị vùi lấp bởi những rào cản gia đình và xã hội.

Hoàng Himiko (tên thường gọi của Nguyễn Kim Hoàng) liều lĩnh chất vấn quan niệm của xã hội về ảnh nude, và rộng hơn, là bản dạng giới và tính dục, trong dự án nghệ thuật độc lập Ngoài sáng (Come out), bắt đầu từ năm 2011. Những bức ảnh nude của bản thân nghệ sĩ (Ngoài sáng 1) và người tham gia dự án (Ngoài sáng 2) được ẩn giấu trong những chiếc hộp đen, chỉ được đưa ra “ngoài sáng” khi người xem đến gần, nhìn qua những lỗ tròn chỉ vừa con mắt và chủ động bật công tắc đèn của hộp. 

Hoàng Himiko tương tác cùng người xem tác phẩm trong dự án “Ngoài sáng”.
Hoàng Himiko tương tác cùng người xem tác phẩm trong dự án “Ngoài sáng”.

Trong phim Eleven Men (Mười một người đàn ông, 2016), Nguyễn Trinh Thi cắt ghép hàng loạt trích đoạn từ các bộ phim kinh điển sản xuất bởi Hãng phim truyện Việt Nam, kết hợp với một giọng nữ thuyết minh thuật lại phiên bản biến tấu của truyện ngắn Eleven Sons (Mười một người con trai) của nhà văn Franz Kafka (thay vì kể về 11 đứa con trai như bản gốc, Trinh Thi cho nữ chính kể về 11 người tình của cô ta, đôi khi với giọng điệu xem nhẹ và bông đùa).

Những thước phim được lựa chọn xoay quanh các vai diễn của diễn viên Như Quỳnh trong sự nghiệp của cô. Trinh Thi cho rằng, bằng cách quan sát các vai diễn ấy cùng với những thay đổi của xã hội Việt Nam, ta có thể thấy được phụ nữ đã được nhìn nhận và khắc họa như thế nào qua điện ảnh và truyền thông nước nhà. Mục tiêu quan trọng nhất của Eleven Men, theo Nualart, là trao cho người phụ nữ cơ hội để cất tiếng nói, nói đủ lâu và trung thực.

Lê Hoàng Bích Phượng cũng là một trường hợp thú vị với lụa, sử dụng các thần thoại và truyện cổ tích làm nguồn cảm hứng. Bức tranh The Joker thoạt nhìn mang nét ngây thơ có phần “con nít”, nhưng ẩn dưới vẻ ngoài vui tươi ấy, chúng ta thấy được khoảnh khắc hồi cố lại một thời tự do không ràng buộc của một cô gái trưởng thành. Nualart cho rằng, sự mơ hồ trong các sinh vật lai người và thú trong tranh của Bích Phượng thể hiện nỗi sợ hãi bị xã hội xa lánh vì khác biệt, đồng thời mở ra một không gian mới, nơi giới tính không còn mang sức nặng truyền thống. 

Triển lãm Khuất dạng
Triển lãm "Khuất dạng"

Gần đây nhất là triển lãm Khuất dạng của nghệ sĩ Hương Ngô - diễn ra từ nay đến hết 4/10 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory (Q.2, TP.HCM). Lấy cảm hứng từ cuộc đời của Nguyễn Thị Minh Khai, triển lãm đa phương tiện này chất vấn những định kiến về giới mà xã hội thuộc địa những năm 30-40 của thế kỷ trước, đặc biệt là đàn ông phương Tây nói riêng và xã hội nói chung đã và đang áp đặt lên phụ nữ.

Đòi hỏi tự thân, và nữ quyền thời mới

Giờ đây, những thước đo truyền thống về giới ít nhiều đã bị lung lay. Các chuẩn mực đầy thiên kiến như “thiếu nữ và áo dài” một thời dần nhường chỗ cho những suy tư và chất vấn cởi mở về phụ nữ nói riêng và vấn đề giới nói chung, từ riêng tư, thầm kín đến tầm vóc xã hội. So với vài chục năm trước, số lượng nữ nghệ sĩ tích cực hoạt động lẫn sự hiện diện của họ trong cộng đồng nghệ thuật ngày một nhiều dần lên.

Dù sự bất bình đẳng giới vẫn còn đó với bao nhiêu khuôn dáng khác nhau; nhưng thế hệ nghệ sĩ nữ hôm nay, họ đang tìm cách vượt thoát khỏi những định kiến mà người đời phủ dụ, để tìm lại tiếng nói (vốn có nhưng đã mất/quên mất) của mình. Việc càng ngày có thêm nhiều tiếng nói ấy, một mặt nào đó, đã “giải trung tâm” hình ảnh người phụ nữ trong lịch sử văn hóa nghệ thuật, mang đến một định nghĩa nữ quyền thời mới. 

Đồng Hà Nhuận 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI