Phó giáo sư, tiến sĩ luật Đoàn Phương Diệp: “Lập di chúc sớm là cần thiết và văn minh"

08/05/2023 - 14:42

PNO - Lòng tham của con người và sự mất niềm tin chính là căn nguyên của các tranh chấp. Lập di chúc là thói quen pháp lý tốt cho một xã hội văn minh và minh bạch.

Dường như hầu hết chúng ta đều cho rằng không cần thiết lập di chúc khi còn trẻ nên thờ ơ với việc này. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng phó giáo sư, tiến sĩ Đoàn Phương Diệp (Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM) để giúp bạn đọc có cái nhìn đầy đủ hơn quanh vấn đề trên. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Đoàn Phương Diệp
Phó giáo sư, tiến sĩ Đoàn Phương Diệp

Phóng viên: Xin tiến sĩ cho biết ở độ tuổi nào có thể lập di chúc có giá trị pháp lý và việc lập di chúc cần tuân thủ những quy định nào của pháp luật? Việc lập di chúc có cần phải lập lại mỗi năm?

Phó giáo sư, tiến sĩ luật Đoàn Phương Diệp: Lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi chết suy cho cùng cũng như việc quyết định phải định đoạt tài sản của mình như thế nào khi đang còn sống. Do vậy, một người có đầy đủ năng lực chủ thể có thể tự mình lập di chúc. Về độ tuổi, có thể lập di chúc khi đã thành niên (đủ 18 tuổi trở lên). Nếu chưa thành niên, luật cho phép người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có quyền lập di chúc bằng văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc này. Nói thế để hiểu rằng trẻ dưới 15 tuổi không thể tự lập di chúc.

Quy định hiện hành không yêu cầu công dân đã lập di chúc khi còn sống phải lập lại mỗi năm. Luật chỉ quy định về việc người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập bất cứ lúc nào.

* Hiện tại, theo luật pháp Việt Nam, có những dạng di chúc nào được công nhận?

- Di chúc miệng, còn được gọi là di ngôn, là sự thể hiện ý chí bằng lời nói của người để lại di chúc nhằm chuyển tài sản của mình cho những người sống sau khi người lập di chúc qua đời. 

Di chúc bằng văn bản gồm di chúc có người làm chứng hoặc không có người làm chứng: di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực và di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực.

* Có gia đình kia, khi còn sống, người cha hay nói rằng sau này chết đi sẽ để lại căn nhà cho người con trai út nhưng không có giấy tờ. Khi ông mất, cả nhà xào xáo giành nhau. Theo bà, di chúc miệng như vậy có hiệu lực không? 

- Di chúc miệng được công nhận nếu thỏa mãn các điều kiện sau: Được lập trong tình trạng tính mạng 1 người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng. Sau 3 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

* Di chúc viết tay có được thực thi không và trong trường hợp cụ thể nào?

- Di chúc viết tay (bằng văn bản) được công nhận nếu thỏa mãn các điều kiện:

a) Người lập di chúc có năng lực hành vi dân sự phù hợp.

b) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.

c) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

* Trong quá trình làm nghề, hẳn bà đã gặp không ít tình huống dở khóc dở cười trong việc áp dụng di chúc?

- Theo tôi, quanh chúng ta hằng ngày vẫn đầy những câu chuyện liên quan đến vấn đề này. Tôi còn nhớ chuyện một phụ nữ độc thân qua đời vì tai nạn giao thông. Có lẽ chị nghĩ mình độc thân nên không để lại di chúc. Cả gia đình chị lúc đó đã làm loạn phòng công chứng khi được công bố phần chia tài sản theo quy định hiện hành. Em chị thậm chí còn kêu tên người chị đã mất của mình để chửi bới vì cho rằng mình đang bị đối xử không công bằng. 

Có người đàn ông nọ khi đến lập di chúc cứ khăng khăng để lại hết tài sản cho đứa con nhỏ. Ai cũng ngạc nhiên còn anh giải thích mình làm vậy vì nghi đứa lớn không phải con anh (dù anh chưa từng đem đứa con đi xét nghiệm ADN) nên sợ tài sản về tay người khác nếu lỡ anh qua đời…

Cho nên, tình cảm gia đình và sự công bằng vẫn luôn là điều quan trọng nhất trong việc phân chia tài sản. 

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

* Vừa qua, có rất nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến đất đai. Nhiều người nhận định “giá như có di chúc thì không đến nỗi”. Bà có nghĩ rằng di chúc sẽ giải quyết hết câu chuyện của tình người? Thực tế, nhiều chuyện vì có di chúc nên mới phát sinh mâu thuẫn.

- Di chúc chắc chắn không phải là liều thuốc chữa lành tất cả vấn đề phát sinh trong thực tế liên quan đến sự dịch chuyển tài sản, đất đai từ người đã chết sang người còn sống. Suy cho cùng, lòng tham của con người và sự mất niềm tin chính là căn nguyên của các tranh chấp. Dù có hay không có di chúc thì lòng tham vẫn nổi lên. Tuy nhiên, tôi tin rằng việc lập di chúc là thói quen pháp lý tốt cho một xã hội văn minh và minh bạch trong các giao dịch về tài sản, đặc biệt khi nó liên quan đến tài sản của những người mà ý chí của họ là không thể kiểm chứng vì họ không còn trên cõi đời.

* Hiện tại, dường như đa số chúng ta còn quá xa lạ với các loại hình lập di chúc? Làm sao để mọi người hiểu sâu hơn về vấn đề này và thấy điều đó vô cùng quan trọng?

- Điều kiện văn hóa, xã hội tác động phần nào đến các xử sự pháp lý của con người. Tâm lý e ngại, thậm chí hơi mê tín khi nói về tài sản sau khi mình chết đã ảnh hưởng nhiều đến thói quen lập di chúc của người Việt. Tuy vậy, tôi tin điều này sẽ thay đổi khi xã hội phát triển và các giao dịch pháp lý trở nên bình thường hơn. 

* Bà nghĩ gì khi ngày càng có nhiều người trẻ lập di chúc sớm?

- Người trẻ ngày nay rất hiện đại, tự lập và suy nghĩ thấu đáo nên việc họ lập di chúc sớm cũng là việc làm cần thiết và văn minh. 

* Cảm ơn bà đã chia sẻ. 

Tạ Khánh Tâm (thực hiện)

 

Di chúc đặc biệt 

Bên cạnh việc giải quyết các vấn đề pháp lý và tài sản, “di chúc sống” còn giúp bạn quyết định sẽ làm gì với cơ thể của mình nếu chẳng may gặp nạn và qua đời. Việc hiến tạng và mô để cấy ghép có thể được ghi rõ trong di chúc sống của mỗi người. Nếu đồng ý hiến tặng, bạn sẽ được tiếp tục điều trị duy trì sự sống tạm thời cho đến khi thủ tục lấy tạng hoàn tất. 

Trên thực tế, một người quyết định hiến tạng sau khi chết có thể cứu được tới 8 mạng sống thông qua việc hiến tặng giác mạc, tim, phổi, gan, thận, tuyến tụy, ruột non và cải thiện cuộc sống của tối đa 75 người thông qua việc hiến tặng mô. 

Sam Han là một người đàn ông 35 tuổi sống cùng vợ và con gái tại thành phố Kasso, bang Minnesota, Mỹ. Anh bị phình động mạch não và qua đời tại bệnh viện vào tháng 11/2022. Sau khi Sam qua đời, gia đình phát hiện anh đã đăng ký hiến tặng nội tạng. Diane Olson - mẹ Sam - kể: “Chúng tôi thậm chí không biết về di nguyện của Sam cho tới khi đến bệnh viện. Họ nói với chúng tôi rằng trong hồ sơ y tế có ghi lại việc Sam muốn trở thành người hiến tặng nội tạng sau khi chết”. Vì chỉ bị tổn thương não, Sam có thể hiến tặng nhiều cơ quan, bao gồm phổi, mắt, tim và thận cho 5 người. 

Tại Trung Quốc, khái niệm về hiến tặng nội tạng sau khi chết được người dân đón nhận nhiều hơn, với số người đăng ký hiến tạng trong nước không ngừng tăng lên qua các năm.

Dữ liệu do Hiệp hội Chữ thập đỏ Trung Quốc công bố cho thấy gần 1,54 triệu người đã đăng ký hiến tạng vào năm 2022, so với khoảng 1,52 triệu vào năm 2021 và 1,01 triệu vào năm 2020. Tổng số người đăng ký hiến tạng của quốc gia này hiện đã vượt quá 6,18 triệu, phần lớn là thanh niên và trước trung niên - từ 45 tuổi trở xuống.

Linh La (theo Mayo Clinic, KTTC)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI