Phần ứng thí ấn tượng của ông Phạm Sanh Châu vào vị trí TGĐ UNESCO

27/04/2017 - 16:27

PNO - Chiều nay, cựu Đại sứ Phạm Sanh Châu, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, vừa hoàn thành phần phỏng vấn cho phần ứng thí vào vị trí Tổng giám đốc UNESCO.

Buổi phỏng vấn tại Paris, Pháp, kéo dài 90 phút được tường thuật trực tiếp trên website của UNESCO.

Phan ung thi an tuong cua ong Pham Sanh Chau vao vi tri TGD UNESCO
Ông Phạm Sanh Châu trả lời câu hỏi của các đại biểu, trong buổi phỏng vấn cho phần ứng tuyển vào vị trí Tổng giám đốc UNESCO. Ảnh chụp màn hình buổi phỏng vấn tường thuật trực tiếp từ website UNESCO

Buổi phỏng vấn bắt đầu từ 9h30’, ngày 27/4 – tức là khoảng 14h30’, giờ Việt Nam.

Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân chỉ vài giờ trước buổi phỏng vấn, ông Phạm Sanh Châu thể hiện sự hứng khởi lẫn niềm tự hào: 'Tổ quốc ơi, hôm nay con xin gọi tên người!'

Theo quy trình, đại diện nhóm các nước Đông Âu là người đầu tiên đặt câu hỏi cho ứng cử viên Việt Nam, tiếp theo là các nước thuộc nhóm Mỹ La tinh, Châu Á – Thái Bình Dương, châu Phi, Trung Đông và Tây Âu.

Phan ung thi an tuong cua ong Pham Sanh Chau vao vi tri TGD UNESCO
Ông Phạm Sanh Châu trình bày bằng tiếng Anh và tiếng Pháp trong buổi phỏng vấn. Ảnh chụp màn hình buổi phỏng vấn tường thuật trực tiếp từ website UNESCO

Ông Phạm Sanh Châu, ứng cử viên từ Việt Nam, trả lời các câu hỏi đặt ra bằng tiếng Anh và tiếng Pháp trôi chảy trong phần trình bày chiều nay.

Trước đó, ngày 24/4, Chủ tịch Hội đồng Chấp hành UNESCO Michel Worbs đã họp với 9 ứng cử viên để thông báo quy trình, thứ tự trả lời phỏng vấn của từng người khi bốc thăm.

Trong buổi phỏng vấn, 9 ứng cử viên sẽ có hai phần trình bày; phần đầu các ứng viên sẽ trình bày riêng, sau đó là phần trả lời câu hỏi của các thành viên trong hội đồng.

Ngôn ngữ chính sử dụng trong buổi phỏng vấn là tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Mỗi câu trả lời không quá 5 phút.

Phan ung thi an tuong cua ong Pham Sanh Chau vao vi tri TGD UNESCO
Ông Phạm Sanh Châu trước buổi phỏng vấn vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO. Ảnh: FBNV

Chia sẻ 10 ngày trước khi lên đường, ông Châu nói ‘sẽ chiến đấu hết mình’ dù chịu sức ép tâm lý rất lớn:

'Trong cuộc đời dầy dặn chinh chiến với thi cử trong và ngoài nước, chưa bao giờ cảm thấy sức ép về tâm lý lớn đến thế.

Không chỉ sức ép về kiến thức mênh mông, sức ép về nhiều ngoại ngữ phải nghe hiểu và diễn đạt, sức ép về tốc độ thời gian nghe câu hỏi và trả lời, sức ép về truyền hình trực tiếp toàn cầu cho hàng triệu người xem, mà sức ép lớn nhất là vì đây sẽ là hình ảnh đại diện cho Việt Nam, là niềm tự hào quốc gia'.

Phan ung thi an tuong cua ong Pham Sanh Chau vao vi tri TGD UNESCO
Tâm sự của ông Phạm Sanh Châu trước khi tham dự kỳ phỏng vấn. Ảnh: FB nhân vật

Sau buổi phỏng vấn, Hội đồng Chấp hành sẽ bỏ phiếu kín để chọn ứng viên duy nhất vào tháng 10/2017, và thông báo tên người được chọn lên Đại hội đồng vào tháng 11 để xem xét đề cử, bỏ phiếu kín lần nữa để chọn người chính thức giành phần thắng.

Theo Hiến chương UNESCO, Tổng giám đốc UNESCO có nhiệm kỳ 4 năm, đảm nhiệm tối đa 2 nhiệm kỳ. Tổng giám đốc UNESCO sẽ quản lý ngân sách hơn 650 triệu USD, với 2.500 nhân sự với 200 quốc tịch, 70 văn phòng và trung tâm UNESCO.

Phan ung thi an tuong cua ong Pham Sanh Chau vao vi tri TGD UNESCO
Nguyên đại sứ Phạm Sanh Châu. Ảnh: FB nhân vật.

Ông Phạm Sanh Châu đảm nhiệm vị trí Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2011-2014. Ông là Vụ trưởng Vụ Văn hoá và UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao, được đề cử cho vị trí trí Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO).

Đây là lần đầu tiên một nhà ngoại giao Việt Nam ra ứng cử làm một người đứng đầu cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc.

Minh Thu

9 ứng cử viên tranh cử vị trí tổng giám đốc UNESCO

Phan ung thi an tuong cua ong Pham Sanh Chau vao vi tri TGD UNESCO
9 ứng cử viên dự tuyển chụp ảnh cùng Chủ tịch Hội đồng Chấp hành UNESCO Michel Worbs

- Ông Phạm Sanh Châu: Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2011-2014

- Bà Audrey Azoulay: Bộ trưởng Văn hóa và Truyền thông của Pháp

- Ông Juan Alfonso Fuentes Soria: Nguyên Phó Tổng thống Guatemala

- Bà Moushira Khattab: Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Bộ trưởng Y tế Ai Cập

- Ông Polad Bülbüloglu: nguyên Bộ trưởng Văn hóa Azerbaijan

- Ông Hamad bin Abdulaziz Al-Kawari: Cố vấn Cao cấp của Quốc vương Qatar, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Nghệ thuật, và Di sản

- Ông Qian Tang (Trung Quốc): Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO, phụ trách giáo dục, nhóm các nước Châu Á Thái Bình Dương

- Ông Saleh Al-Hasnawi (Iraq): Nguyên Bộ trưởng Y tế Iraq

- Bà Vera El-Khoury Lacoeuilhe: Cố vấn cấp cao Bộ Văn hóa của Li Băng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI